CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC VÀ VỆ SINH TẠI CÁC THỊ TRẤN NHỎ VIỆT NAM ĐÃ GIÚP CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ.

Chương trình Nước và Vệ sinh tại các thị trấn nhỏ Việt Nam đã giúp cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đó là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trong buổi Hội thảo tổng kết Chương trình Nước và Vệ sinh các thị trấn nhỏ Việt Nam (Chương trình do Chính phủ Phần Lan tài trợ) đã diễn ra vào sáng ngày 23/03/2017 vừa qua tại Bộ Xây dựng.

Tham dự Hội thảo có ông Ikka Pekka Simila – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến – Giám đốc Chương trình, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng); lãnh đạo UBND các tỉnh, thành tham gia Chương trình; đại diện các công ty Cấp thoát nước tại các địa phương tham gia Chương trình. Đại diện công ty HALCOM cùng ông Hannu Vikman – Cố vấn trưởng đại diện cho Đơn vị Tư vấn Hỗ trợ kĩ thuật Giai đoạn III cũng tham gia buổi Hội nghị.

 

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nêu rõ: Trong giai đoạn từ 1993 – 2016, Chính phủ Phần Lan đã dành nguồn vốn ODA lớn cho Việt Nam để thực hiện các chương trình dự án, trong đó cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị là những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Bộ xây dựng và các địa phương thời gian qua đã tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của Chính phủ Phần Lan để đổi mới chính sách, xây dựng thể chế, cải thiện công tác quản lý và tăng cường năng lực, đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, một số tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ, miền Trung và miền Nam. Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh bày tỏ cám ơn sâu sắc sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan đã dành cho Việt Nam nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ ngành liên quan, thành viên Ban điều phối và chính quyền các địa phương để Chương trình kết thúc tốt đẹp, đúng tiến độ.

Tổng kết các thành tựu của Chương trình, ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Chương trình nước và vệ sinh các thị trấn nhỏ ở Việt Nam (Chương trình WSPST) do Phần Lan tài trợ được bắt đầu triển khai từ tháng 8/2004, nguồn vốn để thực hiện là nguồn vốn viện trợ không hoàn lại có tổng trị giá 34,3 triệu euro. Về hợp phần đầu tư, Chương trình đã hỗ trợ cải tạo và xây mới 41 công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường cho 08 tỉnh thành Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng. Hiện nay, tất cả các công trình được đầu tư đã đi vào hoạt động có hiệu quả.

Về hợp phần hỗ trợ kỹ thuật, Chương trình đã hỗ trợ nghiên cứu chính sách, thể chế, nghiên cứu mô hình xã hội hóa dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường đô thị, tăng cường năng lực cho Bộ Xây dựng, các cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương và các Công ty cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị của các tỉnh, thành phố và thị trấn. Bên cạnh đó, Chương trình còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư vào các đô thị.

 

Ông Hannu Vikman – Cố vấn trưởng của Liên danh Tư vấn Hỗ trợ Kỹ thuật Econet (Phần Lan) – HALCOM (Việt Nam) chia sẻ về những thành tựu trong Giai đoạn III của Chương trình.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến cũng đã gửi lời cảm ơn đến các đơn vị Tư vấn kỹ thuật, Tư vấn trong nước, trong đó có liên danh Econet (Phần Lan) – HALCOM (Việt Nam), đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn III của chương trình cũng như các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đã phối hợp, hợp tác có hiệu quả, góp phần làm nên thành công của chương trình. Ông Nguyễn Hồng Tiến cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới đây, Chính phủ Phần Lan tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ mới theo phương thức mới khi triển khai thực hiện Chương trình cấp nước an toàn (Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016).