Chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng: Phải có cái nhìn toàn diện

Tại Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021: Thực trạng và giải pháp” do Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, khi xây dựng chính sách phát triển năng lượng mới cần có cái nhìn toàn diện, không thể chỉ nhìn vào chi phí đầu tư, giá bán ra, cần tính đến những lợi ích khi áp dụng công nghệ tiến bộ.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững

Việt Nam là nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng cao, vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Tương ứng với sự phát triển của nền kinh tế (tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2001-2010 là 7,26%/năm, 2011-2015 tăng 5,91%/năm, 2016-2020 tăng 5,99%/năm), nhu cầu năng lượng cũng tăng mạnh: giai đoạn 2001-2010 tăng khoảng 10%/năm, 2011-2015: tăng 11%/năm và 2016-2020 tăng khoảng 10-11%. Do sự phát triển nhanh kèm theo sử dụng một lượng lớn năng lượng, vì thế phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng lượng phát thải của Việt Nam năm 2010 và dự ước sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045 tương ứng.

Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó đáng lưu ý là Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Duy Đông phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Không chỉ dừng ở chính sách, chuyên gia của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 Cao Thị Thu Yến cũng nhận thấy, từ định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp cùng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đã và đang chung tay hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý cũng như triển khai trên thực tế nhằm thúc đẩy nhanh quá trình giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian qua, Luật Điện lực đã được sửa đổi và đồng bộ theo đó là các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, về phát triển điện lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được nghiên cứu công phu theo cách tiếp cận hoàn toàn mới về biến đổi khí hậu. “Trên thực tế đã có một quá trình chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ với kết quả to lớn diễn ra tại Việt nam trong 5 năm vừa qua”, chuyên gia Cao Thị Thu Yến nhận định.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Duy Đông cũng khẳng định, nước ta có nhiều cơ hội để phát triển năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi khoa học công nghệ trên thế giới không ngừng phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử, góp phần nâng cao hiệu suất và giảm giá thành, đặc biệt trong năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Nếu biết cách kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài gắn với điều kiện đẩy nhanh và tăng tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt với điện gió ngoài khơi thì sẽ vừa giảm giá thành điện, vừa làm chủ chuỗi cung ứng, phát triển nền công nghiệp trong nước. Đồng thời, địa hình đường bờ biển dài, tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, sản xuất hàng hóa và xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Có chính sách tốt, ổn định để thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư chuyển dịch năng lượng

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo cũng chỉ rõ, sự bùng nổ về nguồn năng lượng tái tạo khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, thiếu nghiên cứu tổng hợp, đầy đủ về chuyển dịch năng lượng và các nghiên cứu thành phần chuyên sâu cho từng loại hình năng lượng, đã tạo ra nhiều vấn đề bất cập trước mắt và lâu dài đối với hệ thống cung ứng năng lượng và toàn xã hội. Việc này cần sớm có giải pháp xử lý từng bước và đồng bộ.

Từ góc độ kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Duy Đông chỉ rõ, mặc dù đã trải qua hơn 30 năm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, song nhiều cơ chế quản lý kinh tế, đặc biệt là cơ chế quản lý đầu tư, kiểm tra, kiểm soát chi phí vẫn cơ bản theo cơ chế thời bao cấp, gây rất nhiều hệ lụy cho các dự án đầu tư vốn ngân sách và vốn xã hội hóa, đặc biệt là rủi ro cho các cán bộ quản lý tham gia quá trình ra các quyết định của dự án. Ngành điện cũng trong tình trạng này, khi việc tính toán giá điện vẫn dựa trên cơ sở tính toán chi phí đầu vào cộng lợi nhuận cho phép (không quá 12%), đấu thầu theo tiêu chí đầu vào và quy trình hình thành giá điện, thay vì đấu giá để ra kết quả đầu ra cuối cùng là giá điện cạnh tranh.

Đối với quá trình triển khai thực hiện chính sách phát triển ngành năng lượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cũng nhận thấy, có hiện tượng lạm dụng chính sách, câu kết giữa khu vực tư nhân và nhà nước, đã hình thành các nhóm lợi ích theo từng lĩnh vực. Hiện tượng này xảy ra, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, có nguyên nhân do cán bộ công chức thực thi công vụ một phần do trình độ, một phần không cập nhật kiến thức về tiến bộ của khoa học công nghệ thế giới, thông tin về biến động giá cả thị trường. Ví dụ điển hình là việc ban hành giá FIT năng lượng tái tạo cao hơn gấp hai so với khu vực và thế giới.

Một thách thức khác với phát triển ngành năng lượng của nước ta thời gian tới là cần thu hút một lượng vốn lớn để thực hiện Quy hoạch điện VIII, sẽ có nguy cơ thiếu điện nguồn, đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng. Song, với cơ chế đàm phán hợp đồng mua bán điện theo Thông tư 57 hiện nay của Bộ Công thương sẽ không đủ để huy động vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án nhà máy điện. Theo cơ chế PPP/BOT, việc đàm phán để có được bảo lãnh chính phủ GGU mất từ 7 đến 11 năm như trước đây vẫn là cơ chế xin – cho, đã làm nản chí các nhà đầu tư và nay họ không mặn mà với cơ chế này nữa.

Để tránh những nguy cơ nêu trên, bên cạnh việc sớm ban hành Quy hoạch điện VIII, “không thể lấn cấn mãi như thời gian qua”, TS. Nguyễn Thăng Long, Hội Khoa học công nghệ Sử dụng Năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho rằng, phải đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với hiện trạng phát triển của lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua để nghiên cứu sửa đổi, dù Luật này đã được sửa đổi trong thời gian gần đây. Cùng với đó, cần sửa đổi Luật Khoáng sản nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng. Cũng theo TS. Nguyễn Thăng Long, cần nghiên cứu sửa đổi một số văn bản dưới luật liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó chú ý xem xét điều chỉnh quy định mức sử dụng năng lượng đối với các chính sách sử dụng năng lượng hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng ở các văn bản hướng dẫn liên quan.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhìn tổng quan, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), thành viên Đoàn giám sát chỉ rõ, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nước ta cần 140 tỷ USD để thực hiện chuyển dịch năng lượng, trong đó có 30 tỷ USD để phục hồi, chuyển đổi ngành nghề trong các ngành sử dụng năng lượng không tái tạo. Đây là một nguồn lực lớn, nên đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, phải phân định giai đoạn thực hiện phù hợp, có chính sách tốt và ổn định để thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào quá trình này. Trong đó, cơ quan chức năng không nên chỉ nhìn ở giá thành điện năng, cần tính toán đến lợi ích khi áp dụng công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng chính sách để có chính sách phù hợp thu hút đầu tư tư nhân, cũng như khuyến khích nghiên cứu sáng tạo công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước ta trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân