Tại phiên họp thứ 3 ngày 30/05/2022, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam – đã tham gia góp ý về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, mong muốn có thể tháo gỡ nút thắt để các tỉnh có quyền linh hoạt tự quyết trong phát triển kinh tế thực tế theo đúng định hướng.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ tán thành với nội dung sâu sắc trong Báo cáo giám sát của Đoàn Giám sát. Sự ra đời của Luật Quy hoạch 2017 đã có tác động sâu rộng đến nhiều ngành nghề của lĩnh vực kinh tế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch cũng đưa ra nhiều điểm mới nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên trong quá trình thi hành, luật vẫn còn nhiều bất cập do nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan trình báo, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chưa lường trước hết các tác động.

 

Thứ nhất, Đại biểu cho rằng, các nội dung, nguyên tắc nội hàm của công tác tích hợp quy hoạch chưa được xác định rõ. Mỗi ngành nghề sẽ có cách tiếp cận, phương pháp luận, ngôn ngữ thể hiện khác nhau; và thực tế thì không một công ty tư vấn nào có thể có đủ các nhân viên am hiểu tất cả các ngành nghề trong 74 nội dung quy hoạch. Vì vậy, đối với các công tác quy hoạch đa ngành, người ta sẽ liên kết đến 2-3 công ty tư vấn để đấu thầu. Theo lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, khi tuyển đấu thầu đến tư vấn quốc tế, có rất ít các công ty tư vấn quốc tế tham gia vì các đơn vị này sẽ đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn và những giá trị cốt lõi của họ.

Trong trường hợp phải quy hoạch nhiều ngành nghề, Đại biểu đề nghị nội dung tích hợp cần phải tích hợp những nhóm ngành nghề liên quan đến nhau như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, quy hoạch tài nguyên hay thậm chí có thể mở rộng theo quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn… Với những ngành nghề, lĩnh vực không liên quan đến nhau, ta phải hết sức cân nhắc để đảm bảo công tác tích hợp phù hợp, hiệu quả trong thực tế.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Bình Dương phát biểu tại phiên thảo luận (Nguồn: Tạp chí Xây dựng)

Vấn đề thứ hai là về thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Đối với một dự án kỹ thuật thông thường theo Điều 54 về trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, ta phải có quy hoạch, báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, rồi thiết kế chi tiết. Nhưng nhiều khi những quy hoạch ban đầu lại là rào cản cho những bước sau do chúng ta còn thiếu các quy chế, quy định rõ ràng. Ví dụ như, trong quy hoạch phát triển đô thị cho một tỉnh trong vòng 10 năm tới có một quy hoạch con là hệ thống cấp nước. Ở bước quy hoạch ban đầu, kiến trúc sư cho rằng nhà máy nước nên đặt ở vị trí A, nhưng khi đến giai đoạn thiết kế chi tiết để tối ưu hóa mạng lưới, thì các kĩ sư nước thấy rằng nhà máy nước nên chuyển sang vị trí B, như vậy là chúng ta phải quay về điều chỉnh quy hoạch, và nếu như thế thì có phải điều chỉnh quy hoạch đô thị không? Quy hoạch đô thị thì lại nằm ở trong hệ thống quy hoạch tỉnh, vậy thì có cần phải trình lại thủ tướng điều chỉnh quy hoạch tỉnh hay không?

Đồng thời, Đại biểu cũng nêu ra những rào cản trong kiến nghị điều chỉnh quy hoạch: cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai quy hoạch rất quan trọng đối với quy hoạch cấp tỉnh, là định hướng cho các quy hoạch khác. Nếu như các quy hoạch đô thị và nông thôn trước đấy đã được phê duyệt, trong khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, và sau này ta phải chỉnh sửa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Thì việc loại trừ hai quy hoạch này trong khi điều chỉnh quy hoạch lại là rào cản gây vướng mắc cho các địa phương.