Hôm nay, Quốc hội sẽ bước vào ngày thảo luận đầu tiên về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023. Trong bức tranh nhiều màu sáng bởi sự hồi phục kinh tế khá ấn tượng trong năm 2022 thì “sức khỏe” của doanh nghiệp vẫn là câu chuyện đáng bàn, bởi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính.
Doanh nghiệp vẫn “khát” vốn
Doanh nghiệp vẫn “khát” vốn. Ảnh minh họa
 
Với hàng loạt chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành thời gian qua đã giúp nền kinh tế có sự tăng trưởng ấn tượng. Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội đó là ước cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 – 2021. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 112.800 doanh nghiệp. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch, lữ hành đã nhanh chóng khôi phục, hoạt động du lịch tại nhiều địa phương có nhiều dấu hiệu khởi sắc, có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, đáng chú ý là những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của các ngành liên quan đến lĩnh vực: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 51,7%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 50,8%. Ước cả năm số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 135 nghìn doanh nghiệp, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 132 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với năm 2021.

Dù kinh tế phục hồi song, theo nhận định của Ủy ban Kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022 bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp/tháng) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp/tháng). Hàng loạt khó khăn về tài chính mà doanh nghiệp đang đối mặt như thiếu vốn lưu động; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn vốn và chưa ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Do hậu quả của hơn 2 năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ơ mức độ tối thiểu; nhiều doanh nghiệp phản ánh đang thiếu vốn lưu động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh, đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Bởi quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay. Trong khi đó, dòng tiền tự thân của các doanh nghiệp không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không đáp ứng được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn.

Ủy ban Kinh tế nhận định: dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu. Nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021. Cùng với đó, rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.

Phản ánh thực trạng này tại phiên họp tổ vừa qua, bên cạnh những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng vẫn còn một số nội dung trong Nghị quyết 43/2022/QH15 triển khai chậm như gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp dù rằng đây là chính sách được các doanh nghiệp hết sức mong chờ. Chỉ ra thực tế này, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, cần phân tích rõ nguyên nhân của việc chậm triển khai, triển khai không hiệu quả gói chính sách này.

Để bảo đảm “sức khỏe” bảo đảm cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển khi vừa trải qua 2 năm đại dịch rất cần lực đẩy đủ mạnh. Ngoài nỗ lực từ nội tại của doanh nghiệp, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng; đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40 nghìn tỷ đồng. Trong khi nguồn lực còn có hạn, cần tập trung ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như: du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân