Giám Sát Tình Hình Thực Hiện Chính Sách, Pháp Luật Về Ứng Phó Với BĐKH Của Tỉnh Hòa Bình

Khó khăn do vướng cơ chế, chính sách là 1 trong những nguyên nhân khiến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) còn hạn chế. Ghi nhận tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và UBND tỉnh Hòa Bình.

Theo các đại biểu, mặc dù tỷ lệ bao phủ rừng của Hòa Bình là 51%, nhưng chưa rõ tỷ lệ hấp thụ CO2 là bao nhiêu, do đó, Hòa Bình cần kiểm kê khí nhà kính tránh thiệt thòi cho hộ trồng rừng khi triển khai áp dụng thị trường tín chỉ carbon.

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Nếu ngay bây giờ, chúng ta không kiểm kê khí nhà kính thì khi thị trường tín chỉ carbon áp dụng sẽ bị thiệt. Kiểm kê khí nhà kính sẽ biết từng ngày một là phát thải bao nhiêu, thiệt hại như nào, tăng giảm ra sao.”

Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, phát biểu trong buổi làm việc

Tuy nhiên, trước giải trình năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu do vấn đề vi phạm hành lang khí tượng thủy văn tại địa phương, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường cần nhanh chóng vào cuộc.

Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Tỉnh Hòa Bình cần chỉ đạo thanh tra, xử lý về vi phạm hành lang kỹ thuật bảo vệ các công trình khí tượng, thủy văn, đồng thời đề nghị Bộ TN&MT cần xem xét thực trạng tại các địa phương khác để xử lý”

Các đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường làm rõ nguyên nhân vướng mắc của địa phương liên quan đến quy định lồng ghép trong Luật BVMT 2014 khiến việc triển khai công tác ứng phó BĐKH gặp nhiều khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN THI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Việc ứng phó biến đổi khí hậu là việc đa ngành cần yêu cầu tích hợp trong quy hoạch của tỉnh. Cơ chế để tham gia trong quá trình thẩm định để xây dựng kế hoạch mà khó khăn vướng mắc thì thiếu cơ chế như nào, văn bản hiện hành ra sao?”

Ông NGUYỄN TUẤN QUANG, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Quy định của hướng dẫn lồng ghép của điều 140 rất là chung chung nên Bộ chưa có hướng dẫn về cái này. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng hướng dẫn thi hành chúng tôi đã hoàn thành xong dự thảo này và cuối tháng 8 này sẽ gửi lại xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trước khi đưa ra thực hiện.”

Qua thực địa cũng như trao đổi, thảo luận với các sở, ngành địa phương, Đoàn giám sát cũng ghi nhận nhiều ý kiến của Hòa Bình liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội gắn với rừng hay kiến nghị ban hành Luật BĐKH để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn: Truyền hình Quốc hội Việt Nam