Giờ Trái đất là sự kiện quốc tế diễn ra hàng năm do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007. Chiến dịch kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20h30 đến 21h30 theo giờ địa phương vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm).
Năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất với sự tham gia của 6 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang. Đến nay, sau 14 năm tổ chức, chiến dịch đã tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng về nhận thức ý nghĩa, lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: “Thông điệp của Chiến dịch Giờ Trái đất năm nay là TIẾT KIỆM ĐIỆN – THÀNH THÓI QUEN. Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 thực hiện Chỉ thị 20 về về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Bằng thông điệp này, chúng tôi mong muốn tất cả người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trên toàn quốc hãy chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới một tương lai xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”.
Đặc biệt, hành động Tắt đèn hưởng ứng chiến dịch sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, thứ Bảy ngày 25 tháng 03 trên khắp mọi miền tổ quốc.
Bằng biểu tượng 60+, thông điệp của Giờ Trái đất gửi đến cộng đồng không chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong một giờ đồng hồ, mà chúng ta phải thực hành nó thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm.
Với hiệu ứng và sức lan tỏa trên khắp cả nước, Chiến dịch cũng sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Hàng năm, ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể tổ chức hoạt động tự nguyện thể hiện sự tham gia hưởng ứng chiến dịch như: tổ chức truyền thông, tuyên truyền, ký thỏa thuận tự nguyện về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải…Với những hoạt động thiết thực hưởng ứng chiến dịch năm nay, Bộ Công Thương kỳ vọng chiến dịch Giờ Trái đất sẽ ngày càng tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng.
Nguồn: Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Thông tấn xã Việt Nam