Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Sáng ngày 15/1 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Hội năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 và kết nạp thêm các Hội viên tập thể, Hội viên cá nhân.

VIDEO: Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Quang Huy – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khóa XV (Ủy ban KHCN&MT), đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Khóa XV.

Về phía Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam có ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Xuân Lai – Tổng thư ký Hội, bà Phạm Thị Xuân – Phó Chủ tịch, Chánh văn phòng Hội; ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội; ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, bà Phạm Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội cho biết: “Trong năm 2021 với nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam. Song dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội, Thường trực Hội và các Ban chuyên môn, đã nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, đoàn kết nhất trí cao, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các tổ chức Hội thành viên ở các tỉnh, thành phố trong nước, cùng sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đã đạt được một số thành tích đáng kể.”

Về công tác tổ chức và các hoạt động của Hội, năm 2021, Thường trực Trung ương Hội đã tiến hành dự thảo bổ sung Điều lệ Hội, bổ sung nhân sự và kiện toàn tổ chức Văn phòng và các Ban chuyên môn của Hội, gồm: Văn phòng Hội, Ban Tổ chức và phát triển Hội, Ban Đối ngoại, Ban Truyền thông, Ban Dự án, Ban Khoa học và Công nghệ, và thành lập Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường. Ra Quyết định kết nạp 7 tổ chức Doanh nghiệp là Hội viên tập thể, và 14 Hội viên cá nhân.

Bà Phạm Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đọc Báo cáo Kết quả hoạt động của Hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022

Trong năm 2021, Hội đã phối hợp Tổ chức thành công Hội thảo về tái chế và sử dụng chất thải nhựa tự phân hủy tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội đang thực hiện Đề tài : Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn Đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên và đề xuất các quy định quản lý. Hội đã tham gia Đề xuất Tổng quan về thực tiễn quản lý Tài nguyên nước hiện nay, các vấn đề và giải pháp nghiên cứu điển hình lưu vực, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về công tác phòng chống dịch Covid-19. Hội đã quán triệt, chấp hành, thực hiện nghiêm các Chỉ thị 15, 16 của Thủ Tướng Chính phủ, Khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, quy định của các Bộ, Ngành liên quan trong phòng chống Dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, là cơ quan ngôn luận của Hội thường xuyên viết bài tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các số Tạp chí ra hàng tháng và nhất là tuyên truyền trên Tạp chí điện tử để nhân dân hiểu và cùng nhau chung tay chống lại đại dịch.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội đã kêu gọi các bộ hội viên của Hội ủng hộ Quỹ Vacxin phòng chống covid -19, tổng số tiền là 102,5 triệu đồng. Trong đó, nộp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số tiền là 71 triệu đồng. Nộp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, số tiền 8,5 triệu đồng. Và gửi tặng Chương trình Bao bì xanh Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, số tiền là 23 triệu đồng để sản xuất bao bì sinh học thân thiện môi trường cung cấp cho các bếp ăn nấu cơm phục vụ các y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Quang Huy – Ủy viên Trung ương ĐảngChủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khóa XV đánh giá cao những kết quả mà Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã đạt được trong năm 2021, mặc dù phải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng chí tin tưởng và mong muốn Hội tiếp tục phát huy vai trò phản biện xã hội, đóng góp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Chính phủ những vấn đề liên quan đến nước sạch, môi trường, chống biến đổi khí hậu. Tổ chức nhiều khóa đào tạo, các Hội thảo, tọa đàm chuyên ngành để tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về các vấn đề liên quan đến tôn chỉ mục đích của Hội, hướng tới mục tiêu “Đưa nước sạch đến với người nghèo”, “cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ông Nguyễn Quang Huân, ĐBQH, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho rằng, đối với các nhà máy điện rác, không có một đánh giá cụ thể về ô nhiễm không khí, đưa ô nhiễm từ đất lên bầu trời với rất nhiều uran,… gây ảnh hưởng đến môi trường. 1 tấn methane tạo ra 28 tấn carbonic. Chỉ ra thực trạng này, ông Huân nhấn mạnh, nếu chúng ta không bắt tay xử lý rác thì methane và carbonic vẫn sẽ tiếp tục được thải ra, đặc biệt là các bãi rác đã chôn lấp từ trước, không phải rác phát sinh mới. Rác phát sinh hàng ngày là 60 tấn/ngày, cùng các rác đã chôn lấp tạo ra nước rỉ rác thấm vào môi trường.

“Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đi đầu trong lĩnh vực này để kéo các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế-xã hội khác quan tâm hơn. Đây cũng là hoạt động trọng tâm trong thời gian tới của Hội” – ông Huân nhấn mạnh.

Đề cập đến chương trình hành động, ngoài những chương trình đã nêu trong báo cáo, còn một hoạt động cần thiết là Hội là thành viên của MTTQ, ông Huân đề xuất đưa hoạt động giám sát môi trường cùng MTTQ vào chương trình. Nếu Hội tìm ra cơ chế để phối hợp MTTQ giám sát môi trường thì sẽ tốt hơn. Ngoài ra, còn Net Zero – một chương trình rất lớn nâng uy tín của Việt Nam trên chính trường thế giới nhưng có rất nhiều thách thức. Để đạt được mục tiêu này, tất cả các công nghệ của công nghiệp đều phải đổi mới triệt để thì mới có thể đạt được mục tiêu này. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam có thể tham gia phản biện nghiên cứu của các chuyên gia tại Bộ Tài nguyên và Môi trường… và đóng góp tích cực cho Quốc hội.

TS Nguyễn Linh Ngọc – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong năm 2022, Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội cho biết 5 nhiệm vụ trọng tâm của Hội:

Một là, tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội, chú trọng kết nạp vào hội những cơ sở chuyên ngành cấp nước sạch, xử lý chất thải và cải thiện môi trường. Cải tiến nội dung hoạt động của tổ chức Hội, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ của Hội.

Hai là, tiếp tục thực hiện 3 định hướng “Đưa nước sạch đến với người nghèo”, “Biến chất thải thành tài nguyên”, “Cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu” trong đó hướng trọng tâm hoạt động vào việc góp phần nâng cao chất lượng nước sinh hoạt.

Ba là, nâng cao năng lực để thực hiện chức năng tư vấn về phản biện xã hội trong lĩnh nước sạch và môi trường góp phần bảo vệ lợi ích của các cộng đồng dân cư trong lĩnh vực này.

Bốn là, tích cực tìm kiếm khai thác các nguồn lực, ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan, mở rộng hợp tác quốc tế về lĩnh vực có liên quan đến nước sạch và bảo vệ môi trường, đảm bảo cho hoạt động và sự phát triển bền vững ở cấp hội Trung ương và các địa phương trong điều kiện mới.

Năm là, tổ chức kịp thời dưới nhiều hình thức việc trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên của các cấp Hội, tiếp tục phát huy tốt, xây dựng mối quan hệ giữa Trung ương Hội và Hội địa Phương, các Hội chuyên ngành, Hội xã hội-nghề nghiệp khác, UBND tỉnh và các ban, ngành đoàn thể tỉnh, các đơn vị trực thuộc Hội và giữa các đơn vị với nhau để phát huy sáng kiến và trí tuệ tập thể thúc đẩy các hoạt động của Hội và sự đóng góp xây dựng hội của các thành viên.”

Đồng chí Lê Quang Huy – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khóa XV phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội đã tiếp thu ý kiến và mong muốn các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quan tâm, định hướng và giúp đỡ Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội đã trao Quyết định kết nạp Hội viên tập thể cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Nước sạch và Môi trường Hùng Thành. Trao Quyết định kết nạp Hội viên cá nhân cho ông Bùi Ngọc Trường – Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Thành và ông Hoàng Mạnh Cương – Nguyên Vụ Phó Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam đóng góp nhiều ý kiến vào định hướng phát triển Hội năm 2022
Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội, Viện trưởng Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường mong muốn Hội tích cực tham gia các dự án liên quan đến nước sạch
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tham dự Hội nghị
Bà Trần Thị Minh Hà – Phó Ban Dự án kiến nghị Hội tổ chức các lớp đào tạo cho Hội viên, người dân về công tác nước sạch, môi trường
TS. Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội trao Quyết định kết nạp Hội viên tập thể cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Nước sạch và Môi trường Hùng Thành
TS. Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội trao Quyết định kết nạp Hội viên cá nhân cho ông Hoàng Mạnh Cương – Nguyên Vụ Phó Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Nguồn: Môi trường & Cuộc sống