Những giải pháp cần kíp vì “mục tiêu kép” bền vững

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất kể từ đầu năm; số DN thành lập mới giảm, DN ngừng hoạt động tăng… Tuy nhiên, tính chung 7 tháng, tình hình tương đối khả quan – được coi là nền tảng tốt, dù mục tiêu “tăng trưởng kỳ vọng” là thách thức.

Nhìn vào báo cáo thống kê tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng qua, chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam quan tâm một số chỉ số: Thứ nhất, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng chỉ tăng 1,8% – suy giảm so với những tháng trước, điều này ảnh hưởng đến vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự chững lại của các đầu tàu kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh…

“Những chỉ số này chưa phản ánh hết những khó khăn của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp phải trên thực tế. Bản thân chúng tôi hiện nay đang choáng ngợp khi có những thông tin về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lưu thông hàng hóa. Điều này ảnh hưởng đến Việt Nam trong duy trì chuỗi cung ứng. Biểu hiện như: Cảng Cát Lái và 1 số cửa ngõ trung chuyển hàng hóa đi toàn cầu đang gặp ùn ứ… cho thấy, không chỉ khó khăn trong duy trì năng lực sản xuất mà khó trong đảm bảo duy trì nơi sản xuất đến cả thị trường trong nước đến thị trường toàn cầu”, ông Lê Duy Bình chỉ rõ.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, bên cạnh duy trì năng lực sản xuất, cần chú ý nhiều hơn đến lưu thông hàng hóa, không chỉ là lưu thông đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân hàng ngày mà lưu thông từ nơi sản xuất đến thị trường toàn cầu, bởi một lẽ GDP của Việt Nam bản chất vẫn phụ thuộc phần lớn vào xuất nhập khẩu. Nếu không duy trì được lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến tăng trường kinh tế những tháng cuối năm, thậm chí là một vài năm sau. Điều này không hề khó hiểu, bởi việc duy trì được xuất khẩu chính là duy trì được niềm tin của khách hàng quốc tế – là duy trì đơn hàng cho các doanh nghiệp Việt đang sản xuất nhằm vào mục tiêu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mục tiêu kép là hợp lý, tuy nhiên, ở thời điểm này giữa chống dịch và phát triển kinh tế, việc chống dịch quan trọng hơn vì nếu chúng ta chống dịch không tốt, không thể nào nỗ lực phát triển kinh tế được. Và trong 3 lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, hiện cả 3 ngành đều bị ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là công nghiệp và dịch vụ.

“Chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt để các doanh nghiệp trải qua những khó khăn của dịch bệnh. Những thủ tục hành chính còn nhiêu khê, ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa. Hàng hóa tiêu dùng không thiếu nhưng vì vấn đề lưu chuyển đang bị ách tắc, trở ngại không đến được tay người tiêu thụ. Do đó, làm sao vận chuyển được sớm hàng hóa tới tay người tiêu dùng là vấn đề cần thiết nhất và cần giảm thiểu một số giấy tờ, thủ tục, trừ chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm âm tính”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Thực tế, từ trước khi Tổng cục thống kê công bố số liệu đáng chú ý của nền kinh tế tháng 7 và 7 tháng, trên nền tảng 6 tháng đầu năm, tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV, đại diện Chính phủ cũng đã khẳng định quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, trong đó, ưu tiên phòng chống dịch hiệu quả để có thể đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể hơn, với những tháng còn lại trong năm, Chính phủ sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Việc thực hiện “mục tiêu kép” sẽ linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi – linh hoạt tới từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị. Trong đó, yếu tố quyết định là nỗ lực của từng người dân, doanh nhân, doanh nghiệp, địa phương.

Ở góc độ doanh nhân, ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ  tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, tới thời điểm này, bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp – không kể lớn, bé – đều đã và đang quan tâm nhiều tới các vấn đề kinh tế vĩ mô và tác động của nó tới thị trường. Đây là điều đặc biệt, khác trước, và cũng là tín hiệu vui, góp phần thực hiện mục tiêu kép có hiệu quả bền vững, lâu dài.

“Có một vấn đề cũng đáng quan tâm là số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm trước thì đây là con số đáng lo ngại. Nhưng tín hiệu tốt là số vốn đăng ký lại tăng lên, như vậy có nghĩa là chất lượng doanh nghiệp cao hơn. Có màu hồng, có màu xám, có những mối lo riêng trong tình hình dịch bệnh. Doanh nhân-doanh nghiệp bắt đầu thấy rằng cuộc chiến này căng thẳng, khó khăn hơn trước nhiều, chúng ta phải quyết tâm mãnh liệt mới có thể vượt qua”, ông Nguyễn Quang Huân nhận định.

Không chỉ nỗ lực từ Chính phủ, từ lực lượng tuyến đầu, từ phía doanh nhân, doanh nghiệp, “mục tiêu kỳ vọng”, “mục tiêu kép” đạt được hiệu quả tối ưu tới đâu cần nỗ lực rất lớn từ người dân-người lao động nói chung, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Trong đó, các chuyên gia khẳng định, những giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động yếu thế để người lao động vực dậy năng lực sản xuất, sáng tạo, an sinh cần tiếp tục được tăng cường. Nghị quyết 68, Quyết định số 23 càng kịp thời, hiệu quả và minh bạch, càng mang lại những động lực quý cho hành trình tiến tới những mục tiêu này./.

Nguồn: VOV