Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia tuân thủ theo Luật Quy hoạch với những số liệu bị “đông cứng” phải tuân theo thì việc thông qua cũng sẽ có phần khiên cưỡng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 6/1.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, còn rất nhiều nội dung, vấn đề trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần nghiên cứu, hoàn thiện. Chỉ tính riêng việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo những nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu thì trong thời gian từ nay đến thời điểm dự kiến biểu quyết thông qua cũng khó có thể kịp.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ nội dung về đánh giá hiện trạng là cơ sở để quy hoạch. Nếu không biết hiện nay chúng ta đang ở đâu, đạt được những gì hay vướng mắc gì thì rất khó để quy hoạch nhưng nội dung về đánh giá hiện trạng còn có những phần không thống nhất.
Đại biểu dẫn chứng quy hoạch đề ra chỉ tiêu đến năm 2030 khu vực nông thôn đạt 93-95 % nước sạch hợp vệ sinh. Tuy nhiên, theo Kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước, về an toàn hồ đập đã bỏ khái niệm hợp vệ sinh, chỉ dùng một chỉ tiêu thống nhất là nước sạch trên toàn quốc.
Hay như chỉ tiêu về phát thải ròng bằng 0 thì trong cả báo cáo chính và báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đều nêu một lộ trình nhưng lại không đưa ra được nguồn lực thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, nếu không kịp phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ ảnh hưởng đến các quy hoạch cấp dưới cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Mặt khác, thời điểm Luật Quy hoạch được ban hành là thời kỳ chưa có đại dịch COVID-19, chưa có xung đột địa chính trị, những điểm nóng trên thế giới cùng với nhiều nguy cơ, thách thức chưa thể dự báo trước, cùng với đó là những điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước lớn trên thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam.
Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia tuân thủ theo Luật Quy hoạch với những số liệu bị “đông cứng” phải tuân theo thì việc thông qua cũng sẽ có phần khiên cưỡng, chỉ tiêu đưa ra liệu có chắc chắn thực hiện được, hơn nữa đó còn là những chỉ tiêu làm cơ sở cho những quy hoạch khác, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ băn khoăn.
Trước nhiều ý kiến còn băn khoăn về thời điểm thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đặt vấn đề Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thống nhất việc tổng hợp ý kiến, tiếp thu chỉnh lý các nội dung để hoàn thiện Quy hoạch.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm Quy hoạch tổng thể quốc gia nên tập trung tạo lập, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông Tây và hình thành các đầu tàu dẫn dắt đất nước. Quy hoạch để tạo không gian phát triển quốc gia thống nhất, đảm bảo liên kết nội vùng, liên kết vùng và khai thác lợi thế của từng vùng.
Đại biểu cũng cho rằng, nên lựa chọn một số vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng các trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với thể chế, chính sách đặc thù và có tính vượt trội, tính đột phá.
Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cần có sự quan tâm đến hành lang phát triển kinh tế Đông – Tây, trong đó có hành lang kinh tế Hải Phòng, Quảng Ninh, thu hút hàng hóa qua cảng từ khu vực ASEAN, khai thác và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cảng biển.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định một số chỉ tiêu thể hiện mức độ phát triển của nước ta trong khu vực và trên thế giới, như các chỉ số đổi mới sáng tạo, về năng lực cạnh tranh công nghiệp, hoàn thành xây dựng Chính phủ số thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên như là đất, nước, khoáng sản, tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN…