Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 14h00 chiều 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế xã hội năm 2022 trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế tồn tại nhiều khó khăn, bất ổn do đại dịch Covid-19, lạm phát, chiến tranh, căng thẳng địa chính trị… Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan ngại về việc tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa bền vững.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhận định năm 2022 tăng GDP đạt 8% là khả thi, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, các nhiệm vụ chi được đáp ứng và xã hội ổn định. Tuy nhiên, đại biểu cũng đánh giá kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 còn nhiều hạn chế.
“Tăng trưởng GDP tuy cao nhưng chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chưa đạt mục tiêu, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng của kinh tế. Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ các nguồn thu có liên quan tới đất, một số khoản thu không đạt dự toán. Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng, một số nhiệm vụ chưa đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn cao. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, cháy nổ còn nhiều tiềm ẩn rủi ro…”, đại biểu chỉ ra một loạt vấn đề.
Theo đại biểu, nhiều chỉ tiêu kinh tế năm 2021 tăng trưởng thấp nên so với cùng kỳ thì năm 2022 tăng trưởng cao. Do đó, công tác dự báo và lập kế hoạch một số chỉ tiêu năm 2022 còn thận trọng nên chưa sát với thực tế.
Từ những phân tích trên, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân về chỉ tiêu tăng tốc độ năng suất lao động không đạt mục tiêu và giải pháp cho năm 2023. Đồng thời, cần chỉ rõ giải pháp giải ngân vốn đầu tư công để trong ba tháng còn lại tăng từ 46,7% lên 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại năm 2022 ước chỉ đạt 1 tỷ USD trong khi xuất siêu đến cuối tháng 10 đạt trên 7 tỷ USD.
Đồng quan điểm với đại biểu Tiến, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cũng lưu ý cần phải chú trọng phát triển bền vững.
“Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta sẽ đạt mốc thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 sẽ là nước thu nhập cao. Để đạt được các chỉ tiêu cao liên tục trong nhiều năm, cần chú trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường để không tốn chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên…”, đại biểu nói.
Theo ông Huân, điểm nghẽn hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vấn đề này, đặc biệt là hạ tầng cấp thoát nước. Đồng thời, cần có cơ chế tốt hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải, cần giao thêm trách nhiệm xử lý nước thải cho các địa phương cho đến khi có Luật về xử lý, thoát nước được ban hành.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng về giao thông tại phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Cũng bày tỏ băn khoăn về việc tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều và bền vững, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết cử tri phản ánh giá đầu vào sản xuất chưa ổn định, giá vật tư tăng cao, thiếu hụt xăng dầu cục bộ.
Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp phân quyền chủ động nắm bắt tình hình có biện pháp chỉ đạo điều hành ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm ổn định giá cả hàng hóa, nâng cao đời sống người dân.
Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đề nghị tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo ông, cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển.
“Cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.
Nguồn: VnEconomy
Thông tin báo chí: