Tin Quốc hội: Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững có thể gặp khó khăn

Ngày 9/11, tại hội trường kỳ họp thứ 02 Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiếp tục thảo luận về : Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát  triển kinh tế – xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số  30/2001/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bố ngân sách trung ương năm 2020 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Đại biểu QH Nguyễn Quang Huân phát biểu tại kỳ họp

BẢN GỠ BĂNG BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐB NGUYỄN QUANG HUÂN TẠI HỘI TRƯỜNG.

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc Hội,

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID rất khó khăn mà GDP của Việt Nam vẫn vẫn tăng trưởng dương, năm 2020 đạt tới 2,9% và năm nay ước tính đạt khoảng 3,5%, có thể nói đây là những kết quả rất ấn tượng và nó thể hiện nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và đặc biệt là sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ.

Rõ ràng là trong bối cảnh dịch bệnh thì phát triển kinh tế đã khó, nhưng phát triển nhanh và bền vững thì lại càng khó hơn. Mục tiêu chiến lược năm 2030 mà chúng ta đã đề ra là Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm sẽ phải đạt khoảng 6,5% tới 7%. Nhưng nếu năm nay chúng ta đạt khoảng 3,5% và  năm sau như trong báo cáo đề ra 6,5%, mà trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế còn đang đề nghị cân nhắc lại chỉ tiêu này; thì những năm sau chúng ta sẽ phải tạo đà để đạt từ 7% đến 8% mới có thể bù đắp được cho những năm đầu của kỳ chiến lược này.

Tôi cũng đồng ý với đại biểu Mạnh Hùng trước tôi vừa nêu, chúng ta phải tập trung vào năng suất lao động và tôi không nêu kỹ vào năng suất lao động nữa, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta có dự địa về tăng năng suất lao động rất lớn. Trong bối cảnh chúng ta muốn tăng GDP thì bây giờ chúng ta phải tăng năng suất lao động vì đó  là một thành tố rất tích cực. Bởi vì nếu chúng ta lấy một chỉ số để so sánh như tại thời điểm năm 1990 thì năng suất lao động của Trung Quốc với của Việt Nam là tương đương nhau, nhưng sau 27 năm thì họ đã tăng liên tục 8,98%/1 năm, tức là tăng lên 9,4 lần, trong khi đó chúng ta chỉ tăng được 3,74 lần. Như vậy rõ ràng năng suất lao động của chúng ta, nếu so với mô hình của Hàn Quốc và Nhật Bản trước đây, thì nó đang bị nén lại như lò xo. Đây là dịp tôi nghĩ có thể được bung ra nếu như chúng ta tập trung vào nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ.

Trong phần mục tiêu chiến lược, về phần môi trường chúng ta đã nêu đến năm 2030, sẽ xử lý được 70% nước thải đô thị, nghĩa là chúng ta sẽ cần phải xử lý thêm khoảng 2.750.000 m3/ngày để chúng ta đạt thêm 55% nữa. Như vậy số tiền đầu tư ra cỡ khoảng là 250.000 tỷ đồng. Trong Báo cáo kinh tế xã hội cũng nêu là tới năm 2022, chúng ta sẽ thu gom và xử lý rác thải đúng cách 89%. Tôi nghĩ phải nêu rõ các nội hàm về “xử lý đạt tiêu chuẩn” để cho phù hợp với các quy định ở trong Điều 6 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Vì như hiện nay, rác thải đô thị đang xả ra khoảng 60.000 tấn rác/1 ngày. Và nếu như chúng ta xử lý 50% khối lượng rác này để đốt rác phát điện theo như tinh thần của Nghị quyết 55 thì chúng ta cũng sẽ cần độ khoảng 100.000 tỷ đồng. Như vậy là chúng ta phải cần tới 350.000 tỷ đồng để đạt được mục tiêu cho rác thải và nước thải trong vòng 10 năm tới, trong khi vốn ODA đang giảm mạnh. Cần xây dựng cơ chế ngay từ bây giờ để chúng ta thu hút được lực lượng tư nhân đầu tư vào 2 lĩnh vực này, đóng góp nhiều hơn trong quá trình phát triển đất nước và cũng xứng đáng là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo như tinh thần của Nghị quyết 10 khóa XII đã nêu.

Phần cuối cùng, tôi muốn đề cập tới việc ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, các các thành phố công nghiệp, vì đây là những nơi gia tăng dân số cơ học rất cao. Ví dụ như Bình Dương, có tới 60% dân số là người ngoài tỉnh và chủ yếu là công nhân lao động. Vậy chúng ta cần phải có những chính sách đầu tư phát triển hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ để người lao động an tâm sản xuất, không bị tổn thương trước dịch bệnh và góp phần giữ vững sản xuất, để xứng đáng là đầu tàu đưa kinh tế phát triển trong không gian kinh tế, đúng như báo cáo tái cơ cấu 2021-2025 đã nêu và cũng để thực hiện được các mục tiêu mà Đại hội XIII đã thông qua và các mục tiêu cụ thể của báo cáo Chính phủ đã nêu trong 5 năm và từng năm.

Tôi hết ý kiến.

Xin cảm ơn Quốc hội!

Video bài phát biểu:

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân