Động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam

Halcom Việt Nam hiện đã và đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo tiên phong, tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bài viết: Tom Wadlow | Quản lý dự án: Donovan Smith | Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh
Giai đoạn 2018 – 2019 được coi là một bước ngoặt kinh tế đáng chú ý đối với Việt Nam khi quốc gia này gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Từ một trong những đất nước nghèo nhất thế giới vào thập niên 80, nhờ vào “Đổi Mới” – cuộc cách mạng cải cách toàn diện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội nhanh chóng, GDP bình quân đầu người năm 2019 của Việt Nam đã vượt mức 2.700 USD, tăng 270% so với năm 2002, hơn 45 triệu người dân thoát đói nghèo tại Việt Nam.
Theo số liệu đầu năm nay, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7% so với năm ngoái mặc dù đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 như nhiều quốc gia khác. Bối cảnh kinh tế ảm đạm do COVID-19, tuy vậy, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn có những dấu hiệu tích cực, theo nhận định của ông Saurabh Mathur, Tổng Giám đốc  Halcom Việt Nam – công ty đầu tư và tư vấn về phát triển hạn tầng – đô thị. “Tôi thấy hết sức thú vị khi được làm việc tại đây, trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng như Việt Nam. Trong ngành công nghiệp năng lượng mà chúng tôi đang tham gia, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo, cơ hội là rất lớn”, ông Saurabh Mathur chia sẻ. “Hiện nay, khoảng 9% nguồn năng lượng của Việt Nam là năng lượng tái tạo, vượt mục tiêu đã đặt ra trong năm nay là 7%. Phát triển năng lượng sạch là tất yếu nếu Việt nam muốn tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững.”

Trên thực tế tại Việt Nam, lượng tiêu thụ điện đã tăng gấp ba trong thập niên vừa qua, tăng nhanh hơn sản lượng được tạo ra. Chính phủ Việt Nam gần đây cũng khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo. Đây là cơ hội để Halcom Việt Nam quyết tâm tham gia thị trường với những dự án phát triển về năng lượng tái tạo.

Chính tư duy và quyết tâm triển khai các dự án lớn hướng tới phát triển bền vững là động lực để ông Mathur gia nhập công ty vào mùa hè năm 2018. Vị Tổng Giám đốc này đã có tám năm sống tại Hà Nội và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn quy mô vừa và lớn tại Việt Nam, Trung Đông và Ấn Độ. Theo chia sẻ của ông Mathur, “Hành trình này đối với tôi vẫn luôn thú vị và sôi động, tôi và gia đình đều yêu thích sống và làm việc tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian 2 năm làm việc tại đây, tôi đã có cơ hội thực hiện thành công dự án nhà máy điện gió 21 MW đầu tiên của công ty, nhà máy này bắt đầu vận hành vào quý I năm nay, và hiện chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại khu vực miền Nam, dự kiến hoàn thành vào tháng 12 tới. Tốc độ triển khai dự án tại Halcom rất nhanh chóng.”

Halcom Việt Nam đã thực hiện tư vấn các dự án về phát triển hạ tầng – đô thị từ năm 2001 ngay từ những ngày đầu thành lập, và mở rộng sang lĩnh vực đầu tư từ năm 2014. Công ty thực hiện các dự án cấp thoát nước, xử lý chất thải, giao thông trong gần 20 năm qua, và hiện tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt về điện gió và điện mặt trời. Việc thường xuyên cộng tác chặt chẽ với các tổ chức tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)… đã tạo nền móng để Halcom xây dựng chương trình tuân thủ doanh nghiệp và bộ Quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông Mathur, đây chính là điểm khác biệt của công ty, “Chúng tôi là một công ty nhỏ vận hành nhanh và linh hoạt, tập trung vào việc thực hiện dự án hiệu quả và đúng tiến độ, với văn hóa kinh doanh cởi mở và minh bạch của công ty, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã quyết định hợp tác với các dự án năng lượng tái tạo của chúng tôi.”

Tất nhiên, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, việc đóng cửa biên giới nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 đã dẫn những gián đoạn kinh tế. Mặc dù Halcom không chịu nhiều tác động nghiêm trọng nhưng việc đóng cửa biên giới cũng đã khiến các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam, trong khi công ty cần sự có mặt của các chuyên gia tư vấn quốc tế trong nhiều dự án. Tuy vậy, thay vào đó, công ty đã thu hút nhiều chuyên gia trong nước, và hiện các hoạt động xây dựng đang bắt đầu trở lại để ngay khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng hơn thì tiến độ sẽ tiếp tục được đảm bảo.

Đẩy mạnh năng lượng tái tạo 

Như ông Mathur đã đề cập phía trên, việc hoàn tất xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo đầu tiên của Halcom vào đúng thời điểm virut corona xuất hiện.

Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định có diện tích 122 ha với tổng vốn đầu tư trực tiếp khoảng 42 triệu USD, là dự án được Halcom tiếp quản từ năm 2017 và chính thức khởi công xây dựng vào năm 2018. “Với năng suất 21 MW, Phương Mai 3 sẽ cung cấp trên 65 triệu kwh/năm lên lưới điện quốc gia, giảm 50.000 tấn khí thải cacbon/năm và đạt doanh thu 140 tỉ VNĐ/năm. Dự án này cũng là một câu chuyện thành công về mặt tài chính. Nguồn vốn vay đến từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Cầu Giấy. Đây cũng tự hào là dự án thứ hai tại Việt Nam được cấp tín dụng xuất khẩu từ ngân hàng Landesbank Baden-Württemberg (LBBW), ngân hàng lớn thứ 4 tại Đức, điều này giúp nâng cao hiệu quả tài chính của dự án và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế”, ông Mathur cho biết. “Hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, chúng tôi làm việc chủ yếu với các đối tác trong và ngoài nước, cũng như các cộng tác viên và chuyên gia tư vấn, công ty đã có những quan hệ hợp tác thành công trong dự án điện gió, và đặc biệt muốn nhấn mạnh sự hỗ trợ to lớn từ phía đối tác tài chính của công ty – ngân hàng LBBW.”

Phương Mai 3 là nhà máy điện gió đầu tiên đi vào hoạt động tại tỉnh Bình Định, bao gồm sáu trụ tua bin gió do Seimens Gamesa Renewable Energy (SGRE) sản xuất, mỗi trụ cao 114m với đường kính cánh quạt 132m. “Nguồn năng lượng sạch này góp phần vào nguồn điện vốn thiếu hụt không chỉ tại địa phương nói riêng mà cả ở Việt Nam nói chung. Về lâu dài, nhà máy sẽ góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tạo công ăn việc làm, tạo cảnh quan đẹp giúp thu hút du lịch. Điều làm chúng tôi tự hào là dự án đã truyền cảm hứng để Bình Định thu hút thêm nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo khác vì Bình Định có tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời”, ông Mathur cho biết.

Halcom cũng có kế hoạch triển khai dự án điện mặt trời ngay tại Phương Mai 3, hiện đã và đang đầu tư một dự án điện mặt trời tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này cũng có những cái “nhất” – không chỉ là dự án điện mặt trời đầu tiên của Halcom mà còn là nhà máy điện mặt trời đầu tiên sẽ đi vào hoạt động tại tỉnh Hậu Giang. Dự án có diện tích 33 ha, công suất 35 MW, dự kiến hoàn thành vào tháng 12.2020, công tác phát quang, dọn mặt bằng dự án đã được triển khai từ tháng 2 năm nay.

Cam kết về trách nhiệm xã hội

Tất cả hoạt động của công ty đều dựa trên nền tảng tuân thủ liêm chính và cam kết vềtrách nhiệm xã hội. Ông Mathur cho biết chính chương trình tuân thủ doanh nghiệp là một trong những lý do chính để ông bắt đầu làm việc tại công ty vào năm 2018, chương trình bao gồm các tiêu chuẩn dựa trên hướng dẫn về liêm chính của Ngân hàng Thế giới. “Chương trình tuân thủ doanh nghiệp đảm bảo sự cam kết của chúng tôi trong việc hoạt động kinh doanh một cách minh bạch và công bằng, vì lợi ích của tất cả các bên liên quan, chống tham nhũng, hối lộ, xung đột lợi ích giữa các bên liên quan. Chúng tôi luôn minh bạch và đổi mới, cam kết nỗ lực vì lợi ích bền vững của cộng đồng và xã hội.”, Tổng Giám đốc Halcom Việt Nam tâm đắc.

Ông Mathur cũng chia sẻ sự đồng hành của Halcom Việt Nam trong chương trình thường niên “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khởi xướng và phát động nhằm xây nhà ủng hộ và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội dành cho người nghèo, “Chúng tôi cũng chung tay hỗ trợ người dân nghèo tại các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long như Bình Định, Hậu Giang – là địa bàn nơi công ty xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo.”

Theo kế hoạch trong vòng 1-2 năm tới, ông Mathur chia sẻ công ty cam kết đạt công suất năng lượng tái tạo 300 MW. Mới đây, công ty đã ký hợp đồng tư vấn quốc tế đầu tiên cho một dự án tại Lào, và dự định xây dựng nhà máy điện rác trong nước đầu tiên vào năm 2021.

Ông Mathur cũng tự tin vào vai trò của Halcom Việt Nam trong việc là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới, “Môi trường ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam vô cùng rất thú vị. Các nhà đầu tư quốc tế thể hiện mối quan tâm rất lớn tới thị trường này, và chúng tôi cũng rất tích cực tham gia trong hành trình tạo dựng nguồn năng lượng sạch, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp này.”