Giải bài toán rác thải bằng công nghệ điện rác tối ưu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, Chính phủ và Bộ TN&MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT, cho biết, đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)… vì vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại có thể thu hồi năng lượng. Hơn nữa, thế giới đang chuyển mình sang nền kinh tế tuần hoàn và đốt rác phát điện nằm trong chu trình nền kinh tế tuần hoàn. Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp (Enternews), ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, đã chia sẻ những nhận định về thực trạng xử lý rác thải tại Việt Nam và giới thiệu công nghệ điện rác tiên tiến hàng đầu trên thế giới mà công ty mong muốn áp dụng trong nước.

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam trả lời phỏng vấn báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Enternews: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Huân: Hiện nay, rác thải sinh hoạt đang là vấn đề lớn ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, có bãi rác Nam Sơn, ở Đà Nẵng là bãi rác Thanh Sơn, còn Hải Phòng phải kể đến bãi rác Tràng Cát. Theo số liệu thống kê, tại Đà Nẵng rác thải sinh hoạt mỗi ngày khoảng 1.100 tấn, tương đương hơn 400.000 tấn/năm. Vì thế, bãi rác Thanh Sơn hiện tại đang chất chứa hơn 3 triệu tấn rác, bốc mùi và hôi thối. Ước tính đến năm 2030 thì rác thải sinh hoạt tại Đà Nẵng sẽ tăng gấp đôi, vào khoảng 2.200 tấn/ngày. Còn tại TP. HCM, mỗi ngày TP. thải ra 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Như vậy, một năm sẽ TP. sẽ thải ra gần 4 triệu tấn rác thải.

Chúng tôi thấy thấy cuộc sống của người dân quanh khu vực các bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, chính quyền một số nơi không giải quyết dứt điểm tình trạng rác thải ô nhiễm, bồi thường cho cư dân. Vì thế, nhiều lần người dân đã chặn đường, ngăn chặn các xe chở rác để yêu cầu đối thoại dẫn đến tình trạng ùn ứ rác tại nội thành. Sau mỗi lần đối thoại, chính quyền cũng có xử lý, nhưng chỉ được một thời gian tình trạng trên lại như cũ.

Enternews: Việc xử lý rác thải tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huân: Hiện nay, Việt Nam chủ yếu đang áp dụng công nghệ xử lý rác khá sơ đẳng. Phần lớn, lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp “khuất mắt” nhưng lượng khí thải độc hại rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các chất thải sẽ rỉ nước, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước.

Tại một số thành phố lớn, đã áp dụng phương pháp xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện. Điểm nổi bật là sau khi xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện, tỷ lệ rác cặn còn lại rất ít. Đối với công nghệ thông thường hiện nay tỷ lệ rác cặn chiếm đến 30%, nghĩa là cứ 100 tấn rác có khoảng 30 tấn rác cặn phải đem đi chôn lấp. Tuy nhiên, với công nghệ xử lý rác INTEC-TCP mà công ty chúng tôi đang áp dụng, tỷ lệ rác cặn sau khi xử lý chỉ còn khoảng 2%, trong khi đó mức độ cho phép ở mức 5%.

Hơn nữa, công nghệ này không thải ra khí độc hại; không dùng nguồn điện năng từ bên ngoài, nghĩa là điện tự sản xuất, tự vận hành; Nguồn điện năng phát ra từ khâu xử lý rác đủ lớn để phát lên lưới điện quốc gia với công suất khoảng 200 triệu kWh/năm. Đặc biệt, với công nghệ này khâu phân loại rác có thể bỏ qua. Rác sau khi đốt sẽ thành khí, chứa năng lượng để sản xuất điện và than cốc sử dụng trong công nghiệp luyện kim và sản xuất xi măng.

Sơ đồ nhà máy điện rác công nghệ mới – theo tài liệu cung cấp từ TS. Mai Huy Tân (Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức – VIDEBRIDGE)
4 hệ thống trong nhà máy điện rác công nghệ mới – theo tài liệu cung cấp từ TS. Mai Huy Tân (Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức – VIDEBRIDGE)

Enternews: Để giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thực hiện dự án đốt rác phát điện công nghệ mới, theo ông cần những chính sách gì?

Ông Nguyễn Quang Huân: Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ. Sau đó, chính quyền, người dân cần thực hiện thực hiện đúng chính sách của nhà nước. Bên cạnh đó, hồ sơ mời thầu, chọn thầu phải thực hiện đúng. Ví như, điện phát ra thì dân sẽ mua điện với mức giá 10,5cent/1kwh và lượng rác vào trả đúng 21USD/ tấn, cấp đất khuyến khích thực hiện dự án. Vấn để cốt lõi là yếu tố con người. Người lãnh đạo cần có cái tầm và cái tâm và đội ngũ tư vấn chính xác, từ đó mới có thể đưa ra quyết định chính xác. Ngoài ra, nhà nước cần có bộ máy kiểm soát thật chặt; có cơ chế kiểm tra, kiểm soát ở tất cả các địa phương. Việc kiểm tra phải độc lập theo nhiệm kỳ và giám sát xử lý triệt để. Khi công tác giám sát kiểm tra tốt, thì các chính sách thực hiện tốt, đất nước sẽ giàu mạnh.

Vui lòng xem bài phỏng vấn đầy đủ tại đường dẫn dưới đây: