GWEC kêu gọi Việt Nam gia hạn biểu giá FiT áp dụng cho điện gió

Việt Nam là thị trường phát triển điện gió nhanh nhất tại Đông Nam Á, với công suất lắp đặt trên bờ và ngoài khơi lên đến 500MW, cùng với 4GW s được kết nối thêm từ nay đến 2025. Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC), đã trả lời phỏng vấn của Báo Đầu tư về việc Việt Nam cần khẩn trương gia hạn biểu giá điện gió  nhằm duy trì thu hút các nhà đầu tư và tránh kịch bản suy thoái sau một thời gian điện gió phát triển vượt bậc.

Hiệp hội Điện gió Toàn cầu đang kêu gọi Chính phủ Việt Nam gia hạn giá FiT cho điện gió và duy trì vị trí dẫn đầu trong khu vực về đầu tư năng lượng sạch. Nguyên nhân cho việc này là gì?

Gió có thể là một nguồn tài nguyên đáng tin cậy giúp đáp ứng nhu cầu về nguồn điện của Việt Nam. Do việc xây dựng một số nhà máy nhiệt điện than bị chậm tiến độ, hệ thống điện miền nam Việt Nam có khả năng đối mặt với tình trạng thiếu điện. Gió có thể đóng một vai trò lớn trong việc lấp đầy khoảng trống đó.

Việt Nam có nguồn tài nguyên gió tiềm năng ở cả trên bờ và ngoài khơi, là một nguồn cung năng lượng đáng tin cậy. Gió cũng đóng góp vào chiến lược giảm thiểu khí nhà kính của quốc gia, thay đổi quy trình của hệ thống năng lượng từ hệ thống phát thải cao thành hệ thống thân thiện với carbon.

Việc cắt giảm chi phí cho công nghệ tuabin gió đã được thực hiện trên toàn cầu. Việt Nam vẫn phải cắt giảm rất nhiều chi phí trong tương lai, nhưng điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu có được một chuỗi cung ứng điện gió hoàn thiện hơn. Và điều này có nghĩa là cần phải tránh một chu kỳ bùng nổ và suy thoái trong quá trình phát triển điện gió. Quyết định chậm trễ về việc gia hạn biểu giá FiT rất có thể sẽ tạo ra một sự suy thoái trong ngành phát triển điện gió vào giai đoạn 2022-2023 sau sự bùng nổ vào năm 2021. Đây không phải là điều có lợi cho ngành điện gió cũng như cho Việt Nam nếu muốn có lộ trình cắt giảm chi phí êm ái hơn.

Có nhiều nhà đầu tư đã chậm lại hoặc ngừng đưa ra các quyết định công khai tài chính mới trong bối cảnh hiện tại khiến ngành điện gió chịu tác động không nhỏ. Hệ lụy của những quyết định này sẽ xuất hiện rõ rệt trong vòng hai năm tới và sự phát triển sẽ chậm lại trong năm 2022-2023. Điều này có thể tránh được nếu các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ được bản chất của ngành và từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành phát triển trong nước.

Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ  các nhà đầu tư và tài chính quốc tế vì là một thị trường tăng trưởng nhanh với nhiều tiềm năng. Nút thắt cổ chai trong trường hợp này là gì?

Một dự án điện gió thông thường sẽ mất khoảng 18 tháng đến 02 năm để có thể đi vào vận hành thương mại. Hiện nay, các nhà đầu tư không thấy một dự án mới nào có khả năng đó trước tháng 11.2021, vì thế họ sẽ khó lòng có thể đưa ra quyết định đầu tư trừ khi biểu giá FiT được gia hạn.

Nhà máy điện gió Phương Mai 3 tại tỉnh Bình Định

Dù cho rất nhiều ngành đã gánh chịu những tác động nặng nề từ COVID-19, các đơn đặt hàng trong ngành công nghiệp gió ngoài khơi toàn cầu đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2020. Công nghệ điện gió không ngừngnâng cao và giá điện giảm, ngành điện gió có thể trở nên đáng tin cậy đến mức nào?

Điện gió ngoài khơi đã chứng minh cho thế giới thấy sự tin cậy về mặt kỹ thuật và tính khả thi về mặt kinh tế – bằng chứng là chi phí của điện gió ngoài khơi đã giảm hơn 40% trên toàn cầu trong 10 năm qua.

Do quy mô phát triển và tiềm năng tài nguyên gió, cùng với độ tin cậy kỹ thuật cao, gió cung cấp rất nhiều dạng nguồn năng lượng tải cơ bản, khác biệt nhiều so với bản chất thường biến đổi của các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Vì vậy, công nghệ gió ngoài khơi có thể được coi là một giải pháp đáng tin cậy và vững chắc để khử cacbon trong hệ thống năng lượng toàn cầu.

Việt Nam có tiềm năng lớn, nên nắm bắt cơ hội và bắt đầu phát triển càng sớm càng tốt.

Các công nghệ và xu thế mới giúp tăng sản lượng đầu ra và cắt giảm chi phí cho các dự án điện gió như thế nào?

Rất nhiều công nghệ đã được cải tiến trong thời gian qua. Ví dụ như các cánh quạt dài hơn và chiều cao của trục cao hơn cho phép các tuabin gió thu được nhiều gió hơn và hoạt động tốt ở những vùng ít gió hơn. Hiện nay các tuabin gió có thể hoạt động với tốc độ gió thấp hơn 5m/s. Chúng ta cũng có các công cụ đo gió và đo đạc hiện trường tốt hơn cho phép tối ưu hóa các nhà máy điện gió mới.

Thêm vào đó, các nguyên vật liệu mới chế tạo cánh quạt và thân trụ tua bin nhẹ hơn và mạnh hơn. Vật liệu sơn phủ mới cũng sẽ giúp tuabin chống xói mòn và các tác động thời tiết khác tốt hơn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thu, Báo Đầu Tư (Vui lòng xem bài viết tại đây)