Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn 2050” diễn ra thành công với nhiều ý kiến đóng góp quý báu

Ngày 20/11/2020, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050” .

Toàn cảnh hội thảo

 

Đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Cuộc hội thảo thu hút rất nhiều các cơ quan Trung ương, các Bộ, Ngành liên quan, một số Đại sứ quán cùng các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, các tổ chức tín dụng quốc tế và Việt Nam, các chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước cũng như các lãnh đạo một số địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trong Hiệp hội năng lượng Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, Đài truyền hình TW, địa phương và các cơ quan báo chí cũng đã có mặt tại hội thảo để đưa tin kịp thời.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch VEA cho biết: Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ phát triển năng lượng vừa là động lực vừa là cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội tới năm 2030, tầm nhìn 2045, đưa ra mục tiêu tiến kiệm năng lượng 7% năm 2030 và khoảng 14% năm 2045. Phát triển năng lượng từ các nguồn như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo đòi hỏi phải bỏ nhiều nhiều công của và đầu tư rất nhiều năm mới đạt được thành quả như bây giờ, nếu không tiết kiệm năng lượng dẫn tới lãng phí, hao mòn làm tổn hại đến nền kinh tế, tạo áp lực vào việc đầu tư phát triển năng lượng.

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch VEA

Trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề ra nhiều chương trình hành động và các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng, đẩy mạnh truyền thông trong những năm trước mắt và tới năm 2030, quán triệt trong ngành điện tới địa phương và tới người dân sử dụng điện; tiết kiệm nguồn nước trong các nhà máy thủy điện; phát động lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và nhiều chương trình khác để tiết kiệm năng lượng. Nhiều nhà đầu tư tư nhân đã tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có Công ty CP Halcom Việt Nam với Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 đã đi vào hoạt động và Nhà máy điện Mặt trời Hậu Giang đang trong những ngày xây dựng cuối cùng.

Các tham luận, thảo luận của các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia tập trung vào những tồn tại, thách thức, cũng như cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển các chuyên ngành năng lượng, tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai. Theo đánh giá, trong những năm gần đây, ngành năng lượng Việt Nam đã đảm bảo cung cấp đủ điện và nhiên liệu cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển nhanh cũng bộc lộ nhiều thách thức và thiếu sót cần được hoàn thiện.

Phát biểu trong hội thảo, Chủ tịch Công ty CP Halcom Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huân có đặt vấn đề về việc biểu giá FiT sắp hết hạn nhưng các nhà đầu tư vẫn đang phải án binh bất động chờ chỉ thị tiếp theo. Thêm vào đó, PPA hiện nay có những điểm bất lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến khó khăn trong việc kêu gọi vốn trong khi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng cấp vốn cho các dự án điện năng lượng tái tạo hiện nay của Việt Nam. Chủ tọa đã lắng nghe và ghi nhận ý kiến của ông Huân, đồng thời cũng có phản hồi rất tích cực.

Chủ tịch Công ty CP Halcom Việt Nam phát biểu trong Hội thảo

Có thể thấy, tất cả các bên đều tham gia Hội thảo với tâm thế đóng góp tích cực, tạo cơ sở để các cơ quan ban ngành có thể thu nhận ý kiến và xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý cho việc phát triển năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng trong thời gian tới.