Tọa đàm “Đề án Quy hoạch điện VIII: Tháo gỡ những nút thắt trong phát triển năng lượng”

Chiều ngày 5/3, Tọa đàm “Đề án Quy hoạch điện VIII: Tháo gỡ những nút thắt trong phát triển năng lượng” đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của nhiều diễn giả, đại biểu có tiếng tăm trong ngành điện, năng lượng, y tế và môi trường. Tọa đàm diễn ra hết sức sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp quý báu, với mong muốn Quy hoạch Điện VIII được hoàn thiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và năng lượng hiện tại ở Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm

Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) về cơ bản đến nay Việt Nam đã khai thác gần hết tiềm năng đối với thủy điện. Việc cấp than cho các nhà máy điện cũng gặp nhiều khó khăn, lượng tồn kho than tại các nhà máy điện ở mức thấp kỷ lục. Việt Nam đã phải nhập khẩu than để sản xuất điện. Dự kiến, để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030. Đây là những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Bên cạnh đó, lượng khí cấp cho sản xuất điện cũng không đáp ứng đủ nhu cầu… Các nguồn tài nguyên hóa thạch như khí băng cháy, khí đá phiến và khí than của nước ta vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu tiềm năng, chưa có số liệu rõ ràng để có thể xem xét khả năng khai thác và sử dụng trong giai đoạn quy hoạch.

Việc sản xuất nhiệt điện cũng từng đem lại phát triển kinh tế nhanh chóng cho một số khu vực, giúp nhiều nơi xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nhược điểm của nhiệt điện chính là ô nhiễm bụi mịn và asen. Các bệnh ung thư ở các khu vực nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp ngày càng tăng với độ tuổi nhiễm bệnh trẻ hóa nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của đất nước Việt Nam nói chung và nền kinh tế nói riêng

Với ưu thế về đường bờ biển dài, nhiều gió và giờ nắng trong năm, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất lớn. Năng lượng tái tạo cũng đã trở thành xu thế trên các nước phát triển hiện nay. Một trong căn cứ để xây dựng Quy hoạch điện VIII là Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú ý vào vấn đề cung cấp đủ và có cả việc thực hiện cam kết quốc tế đảm bảo tiêu chí như là biến đổi khí hậu, lượng khí thải CO2, ô nhiễm môi trường… Nghị quyết 55 đưa năng lượng tái tạo dần đến 40-45%, thậm chí là 48%. Trong lịch sử phát triển ngành năng lượng Việt Nam đấy là mục tiêu lớn ngang bằng với nhiệt điện than trong 40 năm phát triển.

Đi cùng với sự phát triển của năng lượng tái tạo, sự tham gia của các công ty tư nhân vào cung cấp điện cũng nhiều hơn bao giờ hết. Tiền đầu tư cho năng lượng tái tạo theo Quy hoạch ĐIện VIII là 40 tỉ, trong khi tổng đầu tư quy hoạch điện VIII là 128 tỉ, chiếm chưa đến 50%, mặc dù mục tiêu xác định NLTT phát triển chiếm lên đến 48%. Đầu tư của năng lượng tái tạo cần thêm nguồn vốn lớn từ xã hội hóa, nguồn vốn của nhà nước phần lớn vẫn còn cho nhiệt điện than, lưới điện.

Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho biết: Quy hoạch Điện VII thành công một phần chính nhờ sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ví dụ như chỉ tiêu về điện mặt trời vào cuối năm 2020, theo Quy hoạch điện VII sẽ đạt khoảng 850 MW. Thực tế, nhờ tư nhân tham gia và có chính sách khuyến khích của Chính phủ, đến cuối năm đã đạt gần 17.000 MW. Quy mô công suất nguồn lực tư nhân là rất lớn. Do vậy hoàn toàn có thể thu hút được. Chẳng hạn như trong Quy hoạch điện VIII, phụ lục chương 10 cũng đề cập đến nếu chúng ta phê duyệt tất cả các công trình đã đăng ký thì tới năm 2030 sẽ có thể vượt công suất nhiều lần. Như vậy tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo và nguồn lực tư nhân còn rất lớn. Trong khi đó chúng ta còn đang cân đối chuyện nhập than và làm một số nguồn ô nhiễm khác có thể sẽ cần làm một bài tính, hoặc vấn đề thủy điện nhỏ cũng cần làm một bài tính để đánh giá hệ quả xấu tác động đến môi trường trong thời gian qua. Nếu tính toán tốt, có chính sách tốt để thu hút tư nhân không thể chỉ khuyến khích bằng giá như vừa qua chúng ta đã làm. Bởi khuyến khích giá tốt như thế nhưng không có điều kiện giàng buộc cụ thể có thể gây vỡ quy hoạch sẽ làm việc vận hành của ngành điện, điều tiết gặp nhiều khó khăn.

Về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, trong Nghị quyết 55 đã đề cập đó là khuyến khích áp dụng công nghệ. Hiện nay, trên thế giới đã có công nghệ phát điện mặt trời 24/24. Bản thân tôi đã sang Israel, tìm hiểu, và đến cuối năm 2019 đã định mời chuyên gia sang để làm thử điện mặt trời theo kiểu thu nhiệt để tích trữ điện, có thể phát 24/24. Ở Mỹ, Canada cũng đã có những công trình điện mặt trời như thế. Đấy là tiềm năng sẽ thu hút được tư nhân tham gia nhiều hơn.

Bên cạnh đó, để thu hút vốn đầu tư tư nhân cần chính sách dài hạn, vì chính sách ngắn hạn sẽ không kịp xây dựng các chiến lược, có kế hoạch huy động vốn. Như điện gió sắp tới, đến 30.10 năm nay sẽ hết hạn thì sau đó sẽ như thế nào vẫn chưa có cơ chế giá. Có những dự án đã đăng ký rồi nhưng chưa ai dám thi công vì rủi ro rất lớn, đặc biệt là điện gió kinh phí đầu tư lớn. Nếu đầu tư vào mà không biết giá sẽ gây rủi ro cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, cần bảo đảm quy hoạch sát thực tế, chúng ta cũng nên áp dụng công nghệ, chính sách dài hạn, phương án tiêu thụ điện tại chỗ. Nếu như trước đây Bộ Công thương đã đưa ra phương án bán điện trực tiếp thì hiện nay có một số vùng có tiềm năng về điện rất lớn nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc phát tất cả điện sản xuất được phát trên lưới thì sẽ rất khó khăn cho truyền tải. Nhưng nếu nghĩ đến tiêu thụ điện tại chỗ, đặc biệt những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, khu cụm cơ sở công nghiệp, các thành phố khác mà chúng ta sản xuất được điện tại đó, như: khu vực miền Trung, miền Nam thì việc phát lưới, làm lưới quá tải sẽ giảm đi rất nhiều. Thay vì nâng công suất, khả năng truyền tải mạng lưới thì có thể tính đến việc bán điện tại chỗ sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư.

Ông Huân cho biết thêm, rằng trong nghị quyết 55 nêu rất rõ, việc xử lý điện rác, nhưng biến rác thành tài nguyên thì lại ít được đề cập. Một ngày Việt Nam đang thải ra 35.000 tấn rác thải đô thị, nếu tính ra đầy đủ tương đương với một nhà máy 1.000 MW. Hiện nay các công nghệ mới có thể xử lý được tất cả các chất độc, đốt được tất cả các loại vật liệu như lốp xe, chai nhựa… Nếu chúng ta xử lý được rác sẽ có 1.000 MW điện/ngày bảo đảm an ninh năng lượng. Để có chính sách phát triển, thu hút được nhà đầu tư, cần có chính sách minh bạch. Trong quy hoạch điện VIII, tại phụ lục 9.4, cần phải định nghĩa rõ ràng cho các nhà đầu tư. Trong phụ lục 9.3, chúng ta đã phân ra các vùng, các tỉnh nào thì năng lượng nào được phát triển, song lại đưa danh sách các dự án điện gió ngoài khơi và tên các nhà đầu tư vào, như vậy sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư khác. Về mặt chính sách, luật hóa văn bản cần hết sức cân nhắc để tạo đồng thuận ngoài xã hội, thu hút thêm các nhà đầu tư đầu tư lâu dài, bảo đảm chính sách công bằng, minh bạch cho tương lai.

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng lên tiếng về vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường do năng lượng hóa thạch gây ra. Cần phải có những báo cáo đánh giá về năng lượng hoá thạch gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào, tồn dư như ra sao và ngay cả vấn đề ô nhiễm nguồn nước v.v… Các nhà máy đang hoạt động, nhà máy nào gây ô nhiễm môi trường nặng quá thì chúng ta có những chế tài, biện pháp cải tiến để làm sao giảm thiểu tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường. Khuyến nghị đưa chỉ số bụi mịn PM 2.5 vào trong Quy hoạch điện VIII. Lấy đây là thước đo, chỉ số để đánh giá về ô nhiễm môi trường, đánh giá về ảnh hưởng sức khỏe

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích và đề xuất các giải pháp để phát triển ngành năng lượng gắn liền với phát triển nền kinh tế đất nước. Đồng thời, tìm kiếm những nguồn năng lượng tái tạo nhằm phát triển bền vững, lâu dài.

Hy vọng những thông tin quý giá này có thể giúp cung cấp cho những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà đầu tư lựa chọn phù hợp thực hiện quyết sách của Đảng và Nhà nước

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân; Truyền hình Nhân Dân