Tọa đàm “Ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”

Đà Nẵng, ngày 29 tháng 5 năm 2020 – Chương trình tọa đàm “Ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam” được thực hiện trực tuyến dưới sự phối hợp chỉ đạo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, có sự tham dự của Bộ ban ngành, đại diện các Hiệp hội ngành, các doanh nghiệp liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên UBTƯ MTTQ VN, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, tham dự chương trình.
Tọa đàm trực tuyến “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 29.5.2020

Tại Việt Nam, rác thải đang là vấn đề cấp bách của xã hội. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi năm VN thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Cũng vì không được xử lý hợp lý nên rác thải dược xem là một trong những nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, đốt rác phát điện được xem là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng công nghệ đốt rác phát điện chỉ phù hợp với những nước phát triển (rác được phân loại tại nguồn), còn tại các quốc gia mà rác không được phân loại như VN thì việc đốt rác sẽ có một lượng khí độc hại đáng kể xả vào môi trường. Thực tế, tại VN, hiện có nhiều dự án điện rác đã và đang triển khai, nhưng không ít trong số đó chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, lượng rác còn lại không xử lý được khá lớn, khoảng 20% thì phải mang chôn lấp. Toạ đàm thảo luận, góp ý về thực trạng, ô nhiễm rác thải, nhằm đưa ra giải pháp thúc đẩy và phát triển dự án công nghệ điện rác tại VN. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp cùng các cơ quan chức năng cùng hiến kế cải cách các thủ tục hành chính, góp phần làm xanh môi trường và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bứt phá.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT nhận định: “Hiện nay, công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam chủ yếu vẫn là chôn lấp, việc sử dụng công nghệ chôn lấp, kể cả chôn lấp hợp vệ sinh, không phải là định hướng trong tương lai. Ở Việt Nam chưa có mô hình công nghệ nào tại các tỉnh thành có thể được đánh giá là điển hình, tiên tiến để có thể tham khảo, nhân rộng tại nhiều địa phương. Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 về các vấn đề phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường cũng đã nhấn mạnh tới việc đưa rác thải sinh hoạt thành năng lượng, vì thế, việc tìm kiếm, lựa chọn các giải pháp công nghệ để xử lý rác thải hiện đang là vấn đề cấp bách tại Việt Nam. Trong đó, nội dung về xử lý rác thải, thu hồi năng lượng là rất cần thiết trong thời gian hiện nay và sắp tới.”

Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT phát biểu đề dẫn tại tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, TS. Mai Huy Tân – Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE) đã khái quát về hiện trạng xử lý rác thải tại Việt Nam, xác định phát triển công nghệ xử lý rác thải theo định hướng của Nghị quyết số 55-NQ/TW, giới thiệu tổng quan về các công nghệ xử lý rác thải của CHLB Đức, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc và đề xuất các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý rác tại Việt Nam – nơi có đặc điểm là rác thải không được phân loại từ nguồn, trong thành phần rác thải có rất nhiều loại khó phân hủy như rác vô cơ, rác thải nhựa, tỉ lệ độ ẩm rất cao.

TS. Mai Huy Tân – Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE) tham luận về “Quán triệt phát triển công nghệ xử lý rác thải theo định hướng của Nghị quyết số 55-NQ/TW”
Các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý rác tại Việt Nam, theo đề xuất từ TS. Mai Huy Tân

Đồng quan điểm với TS. Mai Huy Tân, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi – Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi Trường (UBTƯ MTTQ VN), Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhấn mạnh công nghệ đốt rác thải tạo năng lượng là hướng xử lý tiềm năng, là công nghệ của tương lai đem lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường theo hướng xanh – sạch – đẹp. Tuy nhiên, công nghệ này đòi hỏi đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí vận hành cao, có ưu thế và cần khuyến khích triển khai tại các đô thị, khu công nghiệp lớn, khối lượng chất thải rắn lớn, thành phần chất thải rắn có nhiệt trị cao, dễ thu gom, phân loại và tập kết, thay vì áp dụng ở mọi nơi. Nếu so sánh với giá thành sản xuất điện từ các loại hình sản xuất điện khác thì giá thành sản xuất điện từ rác thải có chi phí cao hơn rất nhiều. Vì vậy, để dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện khả thi về mặt kinh tế thì cần phải có những chủ trương, chính sách khuyến khích về hỗ trợ đầu tư, vốn vay, thuế, giá bán điện…. Ngoài ra, cũng cần chú trọng công nghệ đốt chất thải phát điện thuộc hàng tiên tiến trên thế giới để tránh rủi ro khi đi vào vận hành.

GS.TS. Đặng Thị Kim Chi – Ủy viên HĐ tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi Trường, UBTƯ MTTQ VN, tham luận tại chương trình.

Trình bày tham luận “Công nghệ INTEC-TCP, CHLB Đức – một đột phá trong công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam, nêu ra 4 mục đích khi áp dụng công nghệ này: Thứ nhất – từng bước thay thế công nghệ chôn lấp rác, hoàn nguyên các bãi rác cũ thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước mặt, nước ngầm; thứ hai – cung cấp năng lượng xanh (điện, than cốc sinh học), tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác; thứ ba – giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu; thứ tư – phát triển tổ hợp công nghiệp 4.0 hiện đại, nội địa bước sản xuất các dây chuyền thiết bị điện rác công nghệ Đức cho Việt Nam và ASEAN. “Công nghệ xử lý rác này sẽ khử được mùi hôi, không cần phân loại rác tại nguồn, sản phẩm sau xử lý chỉ còn than cốc và singat, giảm phát thải khí CO2, bảo vệ môi trường, không cần dùng nhiên liệu bên ngoài để nung đốt, lượng tro sỉ chỉ có 2%”, ông Huân khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam trình bày về công nghệ INTECT-TCP – công nghệ điện rác đột phá.

Bên cạnh các nội dung tham luận, tại buổi tọa đàm cũng đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Vấn nạn từ rác thải và những rào cản, khó khăn, thách thức khiến các nhà đầu tư về công nghệ điện rác tối ưu chưa được “dụng võ” tại Việt Nam?”

Diễn giả tại tọa đàm (từ trái sang): TS.Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài Nguyên & Môi trường; TS. Nguyễn Linh Ngọc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội nước sạch Việt Nam; Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng; Ông Nguyễn Gia Lượng – chuyên viên cao cấp Bộ KH&CN

Đại diện địa phương – ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cho biết: Những tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý rác thải mà TS.Mai Huy Tân và GS.TS. Đặng Thị Kim Chi cũng là những mong muốn của địa phương, đặc biệt Đà Nẵng – thành phố hướng đến tiêu chí môi trường, trở thành đô thị sinh thái. Để đạt được tiêu chí đó là điều hết sức khó khăn. Hiện nay Đà Nẵng vẫn đang xử lý chôn lấp nhưng “không hợp vệ sinh mấy”, giá chôn lấp hiện nay cao không dưới 20USD/tấn. Năm 2017, không còn đất chôn lấp, thành phố đã đề xuất nhiều chuyên gia nghiên cứu hơn 2 năm nhưng cũng chưa tìm ra bài toán. Hiện nay, Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 1,1 tấn/ngày, bình quân hơn 1kg/rác/ngày/người. Thực tế cho thấy, việc kêu gọi đầu tư xử lý rác đã tiến hành từ năm 2012 bằng cách đốt phát điện để triển khai. Tuy nhiên quy trình triển khai dự án hết sức khó khăn do phải lấy ý kiến của 7,8 cơ quan phải mất 4 tháng. Hiện nay rất nhiều công nghệ xử lý điện rác, nhưng phải phù hợp với năng lực tài chính của địa phương.”

Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng đưa ra nhận định từ phía thành phố Đà Nẵng

Từ góc nhìn doanh nghiệp – nhà đầu tư, ông Nguyễn Quang Huân nêu rõ ba khó khăn cần tháo gỡ để phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam, đó là ngân sách địa phương sẵn sàng chi trả cho xử lý rác thải; sự tiên phong đón đầu công nghệ của địa phương; và cơ chế minh bạch – nếu có khó khăn thì nhà đầu tư, chính quyền địa phương và cơ quan đại diện cho nhân dân cùng bàn bạc, giải quyết vướng mắc.

Tổng kết chương trình tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Ngọc, thay mặt UBTƯ MTTQ VN với vai trò tham gia giám sát và phản biện xã hội về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nêu rõ: Thứ 1, lượng rác cần lớn & tập trung nhằm xử lý rác thải và thu hồi năng lượng, trong luật cũng cần quy định những ưu đãi về đất đai phục vụ cho mục đích sử dụng này. Thứ 2 – cần lựa chọn công nghệ phù hợp với lượng, tỉ lệ, vật chất rác thải ở địa phương để có nhiệt năng lớn. Thứ 3, kinh phí tài chính của cơ quan chính quyền và nhà đầu tư. Ông Ngọc đề xuất về việc xây dựng một hành lang pháp lý tốt, xử lý rác thải kết hợp thu hồi năng lượng cần có 1 chương quy định rõ, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của các bộ ngành, không chỉ riêng Bộ TN&MT. Phân rác tại nguồn cần được vận động tuyên truyền mạnh mẽ về lâu dài, và trong thời điểm hiện nay, khi chưa thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn, công nghệ INTEC cũng cần ưu tiên xem xét.

TS. Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tổng kết chương trình tọa đàm.
Các diễn giả, đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”

Video toàn bộ chương trình TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: “Ô NHIỄM RÁC THẢI VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ ĐIỆN RÁC TẠI VIỆT NAM”.

Báo đài đưa tin về tọa đàm: