Tọa đàm “Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch”

Chiều ngày 18.10.2021 tại Hà Nội, báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Tọa đàm “Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch” với sự tham dự của các các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý bàn về những thách thức về Việt Nam đang phải đối mặt về suy giảm nguồn nước, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm quản lý bền vững và hiệu quả các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước, nâng cao việc chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Khách mời tham gia Tọa đàm có ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và TSKH Nghiêm Vũ Khải, ĐBQH Khoá XI, XII, XIV, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Toàn cảnh tọa đàm “Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch”

Suy giảm nguồn nước – nguy cơ không thể xem thường

Tình trạng suy kiệt nguồn nước cả trên bề mặt và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ngoài các nguyên nhân khách quan và những tác động của con người khai thác vào các mục đích kinh tế khác nhau, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm, kiểm soát xả thải ra môi trường chưa được kiểm soát tốt…

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, có hơn 70% lượng nước ở các sông trên toàn quốc không thể dùng để ăn uống hay tắm rửa. Tình trạng khan hiếm nước sạch nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở các khu vực thành thị như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà còn khắp các vùng nông thôn ở Tây Nguyên, vùng biển, thậm chí, vùng sông nước như ở đồng bằng sông Cửu Long, do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Dự báo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, trong 10 năm tới, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất đến 4% GDP vào năm 2035.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Khuyến chia sẻ tại tọa đàm

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á thì việc quản lý nguồn nước của Việt Nam chưa có sự thống nhất nên hiệu quả quản lý, quản trị chưa cao. Việc quản lý nước ở các dòng sông đang bị chia năm, sẻ bảy vì các ngành đều có quyền sử dụng và khai thác trên đó. Cũng chính vì vậy, khi xảy ra vấn đề rất khó quy trách nhiệm đâu là đơn vị chịu trách nhiệm chính. Theo Nghị quyết 99/NQ-CP, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng một bộ luật thống nhất về quản lý tài nguyên nước và các Bộ sử dụng nước với số lượng lớn chứ không phải quản lý nguồn nước đơn thuần như hiện nay.”

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại tọa đàm

ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường VN Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại tọa đàm: “Theo định nghĩa Ngân hàng Thế giới hay Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, an ninh nguồn nước bao gồm: Thứ nhất, phải đảm bảo trữ lượng nguồn nước từ đầu nguồn. Thứ hai, phải đảm bảo sử dụng nước một cách hiệu quả, công bằng với mọi đối tượng. Thứ ba, phải phòng tránh ô nhiễm. Nếu ba vấn đề trên chúng ta đều làm tốt thì an ninh nguồn nước cơ bản được đảm bảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, giá trị gia tăng của một mét khối nước tại Việt Nam đang rất thấp. Theo số liệu của Bộ, chúng ta mới chỉ đạt 0,37$/m3 nước, chỉ bằng ¼ so với Trung Quốc, Nhật Bản… Theo số liệu của thế giới, chúng ta chỉ đạt 2,37$/m3 nước, bằng 1/8 so với mặt bằng chung của thế giới. Chúng ta không chỉ sử dụng nước cho sinh hoạt mà còn sử dụng cho cả các hoạt động kinh tế. Hiện 83-85% nước được sử dụng cho ngành nông nghiệp, nếu giá trị gia tăng thấp thì hiệu quả của tài nguyên nước cũng bị thấp đi. Trong khi nước sinh hoạt chúng ta chỉ sử dụng khoảng 3%, công nghiệp khoảng 5% còn lại là thủy sản và phi nông nghiệp. Chúng ta cũng chưa có cơ chế rõ ràng bảo vệ nguồn nước sạch để sử dụng lâu dài. Nếu không thay đổi, dù là quốc gia có nhiều sông ngòi, chúng ta vẫn sẽ thiếu nước.”

Điều tra, kiểm kê tài nguyên nước để nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng nước sạch

Ngày 24.3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ- TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, ngày 4.8.2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1383/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025. Từ kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, kiểm kê việc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; sẽ là cơ sở để đánh giá được tài nguyên nước hiện có bao nhiêu, phân bố thế nào, đang khai thác ra sao, những vấn đề gì bất cập; các cơ quan quản lý mới tính toán được các phương án khai thác, sử dụng hợp lý, ổn định và đưa ra được giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch bền vững, lâu dài.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định việc kiểm kê tài nguyên nước không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, và hơn 17 năm đề án này mới được Chính phủ phê duyệt. Đề án cần nguồn lực tương đối lớn, theo Quyết định số 1383 của Chính phủ phê duyệt đề án này thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ có bộ chỉ số về tài nguyên nước và đây là bộ chỉ số được công bố lần đầu. Tài nguyên nước được coi là tài sản công, theo Điều 53 của Hiến pháp thì tài nguyên này cần được quản lý theo Luật Tài sản công. Đề án kiểm kê cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các bộ sử dụng nhiều tài nguyên nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải để có được bức tranh toàn diện về tài nguyên nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành

Về việc triển khai đầu tư cho các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, nhấn mạnh đến sự cần thiết của chương trình đánh giá, điều tra về nguồn nước, đặc biệt chú ý đến vùng khô hạn như Ninh Thuận, Bình Thuận; vùng đặc trưng về địa hình như Hà Giang, hay một số địa phương vùng cao, miền núi; khu vực Tây Nguyên hiện đang đối mặt với vấn đề về nguồn nước hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là tầng nước ngầm, do tác động của con người đến môi trường tự nhiên. Các vùng này cần được ưu tiên điều tra, đặc biệt là vùng gắn với đời sống người dân, nhu cầu sử dụng không chỉ là nước sinh hoạt. Đồng thời, cần có đánh giá hệ thống quan trắc đo lường chất lượng nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng cần có giải pháp về xây dựng tài nguyên nước có tầm nhìn dài hạn, hài hòa với điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, hoặc khai thác hiệu quả với nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, bảo đảm cấp nước sạch cho sinh hoạt, ưu tiên cấp nước hợp vệ sinh cho khu vực hay xảy ra thiên tai, vùng khó khăn, vùng nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt là Luật Tài nguyên nước 2012; xã hội hóa ngành nước; phát triển hạ tầng để khai thác, sử dụng nước bền vững, đồng bộ; đầu tư xây dựng các công trình chứa nước; và thu hút nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia, giám sát của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước, đầu tư, xây dựng, vận hành, giám sát công trình chất lượng nước.

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh

Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam bày tỏ: “Chúng ta cũng đang thiếu hụt cơ chế tiếp cận kinh tế thị trường. Đơn cử như việc xây dựng hồ, đập với số lượng rất lớn, hơn 1.000 hồ, đập. Ban đầu ngân sách đầu tư xây dựng rất lớn nhưng do quá trình sử dụng, công tác quản lý vận hành chưa tốt, không duy tu, bảo dưỡng dẫn tới xuống cấp trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, trong đó có một nguyên nhân là do thiếu vốn, và việc thiếu vốn này là do chúng ta không vận hành kinh tế thị trường. Nếu hồ, đập mà tới 10 năm mới tiến hành bảo dưỡng một lần và chỉ lấy nguồn kinh phí từ nhà nước thì đấy sẽ là gánh nặng rất lớn. Tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu chính sách để khắc phục vấn đề này. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước, hiện chúng ta cũng chưa có cơ chế để một tổ chức nào đó vận hành bảo vệ nguồn nước.”

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ chất lượng nguồn nước sạch trong tình hình mới

Luật Tài nguyên nước 2012 có quy định đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế một số văn bản, chính sách vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất về việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất; việc quản lý, khai thác nước, bảo vệ nguồn nước; việc phân phối, tiêu thụ nước sạch đến các hộ dân. Sự thiếu đồng bộ trong các khâu, từ khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân, làm cho việc kiểm tra, giám sát cũng thường xuyên gặp khó khăn. Kết quả khảo sát chương trình mục tiêu quốc gia của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chất lượng nước uống ở nông thôn chưa được giám sát và kiểm định chặt chẽ…

Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, TS Nguyễn Linh Ngọc

TS Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định Luật Tài nguyên nước năm 2012 là bước ngoạt cho công tác quản lý tài nguyên nước. Tuy vậy, sau gần 10 năm triển khai thực hiện thì một số vấn đề bất cập đã nảy sinh. Đầu mối quản lý cụ thể còn chồng chéo giữa các bộ, ngành. Vấn đề quản lý nước theo lưu vực nhưng chưa thực sự hiệu quả. Ông Ngọc đề nghị trong quá trình sửa luật, cần đưa cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị xã hội các khu vực đó để bảo vệ nguồn nước cho hiệu quả. Khi người dân tham gia giám sát, nêu cao trách nhiệm cộng đồng thì việc quản lý sẽ hiệu quả và thực chất hơn. Về vấn đề cấp nước, cần tư nhân hóa, xã hội hóa, bởi Nhà nước không thể bao cấp mãi được. Các doanh nghiệp xã hội hóa có nguồn thu, có sự chủ động hơn.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, nhận định vấn đề cung cấp nước trong giai đoạn vừa qua đã cải thiện rất nhiều, chuyển từ thiếu nước sang có nước, chuyển từ có nước sang nước sạch, “tuy nhiên, chúng ta đang thiếu thống nhất về chỉ tiêu đánh giá mức độ, chất lượng nước phục vụ sinh hoạt người dân.” Bên cạnh nước sinh hoạt, vấn đề nhu cầu nước sản xuất trong xu hướng mới cần phải giải quyết trong tình hình hiện nay như thế nào? Chúng ta đang thiếu nguồn lực cho vấn đề hệ thống trung tâm xử lý. Khi yêu cầu nước kiểm định nâng cao thì kiểm định chất lượng nước tiến tới cũng trở thành nghề, kinh tế hoá. Một vấn đề nữa là về công nghệ, cần có các nghiên cứu, cải tiến thiết bị. Bài toán quản lý nhà nước cần phải giải quyết tất cả các vấn đề đó, cả vấn đề cơ chế quản lý, thiết bị, nguồn nhân lực. Trong đó, quan trọng nhất là cơ chế quản lý làm sao phải khuyến khích được xã hội hoá, nhiều thành phần tham gia.”

Trong buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã chia sẻ về “Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045” mà mới đây Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề án này tập trung đề nghị 10 giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nước như: huy động nguồn lực tổ chức, nguồn lực xã hội hóa để chủ động cấp tưới tiêu thoát nước, an toàn đập, hồ chứa nước; đảm bảo thực hiện đa mục tiêu đối với công trình thủy lợi, phòng chống giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai, khí hậu, bảo vệ phát triển rừng; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh nước; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đang báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sẽ đề nghị Quốc hội có Nghị quyết riêng về vấn đề an ninh nguồn nước; từ đó giúp cho toàn dân, các tổ chức xã hội chung tay thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, trong một vài năm tới, Ủy ban cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Tài nguyên nước cũng như các luật có liên quan đến tài nguyên để phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển hiện nay, giúp cho việc quản lý tài nguyên nước đảm bảo tiết kiệm, khai thác nước hiệu quả, để người dân đều bình đẳng trong sử dụng nước, ai cũng có cơ hội sử dụng nước. 

Đại biểu Quốc hội Khoá XI, XII, XIV, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TSKH Nghiêm Vũ Khải

TSKH Nghiêm Vũ Khải, ĐBQH khoá XI, XII, XIV, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tính giá đúng, giá đủ nhằm đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông cũng chia sẻ thêm: “Tôi nhận thấy việc xử lý rác thải, nước thải có nhiều vấn đề, tương đồng nhất là vấn đề công nghệ. Rất nhiều nhà sáng chế tạo ra các lò đốt rác, đa phần là không tồn tại được mấy chục năm. Vì rác có rất nhiều chất độc hại, dễ bị ăn mòn.Vì vậy, Việt Nam cần tính đến chuyện đầu tư về công nghệ, cùng chia sẻ lợi ích với các nhà sáng chế nước ngoài để có hiệu quả chúng ta cùng có lợi. Đầu tư khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ làm cốt lõi thì mới có giá đúng, giá rẻ. Bảo đảm lợi ích giữa các bên thì mới có thể xã hội hóa.”

Tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng – điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Tầm quan trọng của nước đối với xã hội, sức khỏe con người, phát triển kinh tế và hệ sinh thái đã được xác định. Nguồn nước hữu hạn, nhu cầu ngày một cao nên việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước phục vụ phát triển bền vững là rất cần thiết. Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các ý kiến của các nhà quản lý, nhà lập pháp, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ là một kênh thông tin quý báu để các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực chung tay, vào cuộc, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong những việc làm cụ thể hằng ngày, hướng tới mục tiêu quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm

Nguồn tin và ảnh: Báo Đại Biểu Nhân Dân

Thông tin truyền thông