Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, tại Diễn đàn “Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019”.

Sáng 15/3/2019 tại TT hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong – Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “ Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019” với sự tham gia của nhiều chuyên gia – nhà nghiên cứu kinh tế, nhiều tổ chức nghiên cứu và đông đảo doanh nhân đến từ khối kinh tế tư nhân.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đã có tham luận về những cơ hội & thách thức của doanh nghiệp tư nhân trong thời kì hội nhập & hợp tác đa phương.

Bài tham luận của người đứng đầu doanh nghiệp với những kinh nghiệm thực tế đã nhận được những đồng tình từ hội nghị. Trong bài phát biểu của mình, ông Huân đã nêu lên những thời cơ, thách thức và các giải pháp cho khối ngành mình đang đại diện. Trong đó, đáng lưu tâm nhất là 2 đề xuất :

  1. Đề cao văn hóa doanh nghiệp – văn hóa kinh doanh: Trước hết, doanh nghiệp cần phải kinh doanh đúng pháp luật & tôn trọng lợi ích các bên. Mỗi doanh nghiệp cần phải có triết lý kinh doanh, tuyên bố sứ mệnh và xác định giá trị cốt lõi để hình thành nên văn hóa của riêng mình và kiên định duy trì và phát triển văn hóa đó. Đối với doanh nghiệp và doanh nhân, lợi nhuận là động lực trực tiếp; song văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta tuân thủ pháp luật tốt hơn, kinh doanh có đạo đức hơn, phấn đấu nhiều hơn cho lợi ích của cộng đồng và xã hội; nhờ thế mà lợi ích của doanh nghiệp sẽ bền vững hơn. Với tinh thần đó, doanh nghiệp phải xây dựng nền nếp quản lý kinh doanh minh bạch và trung thực, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, tích cực thực thi trách nhiệm xã hội, khắc phục những hành vi gian lận thương mại, làm hàng giả, trốn thuế, gian lận sổ sách, đầu cơ, chộp giật, lừa đảo… Văn hoá kinh doanh phải được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành truyền thống gắn với thương hiệu và là sức mạnh nền tảng để phát triển doanh nghiệp trong tương lai.
  2. Coi trọng khoa học quản trị doanh nghiệp: Quản trị doanh nghiệp là những cơ chế, quy định thông qua đó doanh nghiệp được điều hành và kiểm soát. Cơ cấu quản trị doanh nghiệp xác định quyền hạn và trách nhiệm giữa những thành viên khác nhau trong doanh nghiệp, bao gồm các cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát đến các cán bộ nhân viên hay các cộng tác viên của doanh nghiệp. Đồng thời quản trị doanh nghiệp cũng lập ra các nguyên tắc và quy trình, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp, qua đó ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực và chức vụ, giảm thiểu những rủi ro không cần thiết cho doanh nghiệp. Đó là những rủi ro liên quan đến hoặc có nguồn gốc từ những giao dịch với các bên liên quan, những xung đột lợi ích tiềm năng và từ việc không có tiêu chuẩn rõ ràng hoặc không tuân thủ các quy định về công bố thông tin và không minh bạch. Hiện nay, ở một số nước phát triển như Mỹ, Anh hay Đức v.v…, Chính phủ luôn khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng Chương trình tuân thủ doanh nghiệp, gọi tắt là CCP, theo đó các doanh nghiệp sẽ ban hành các cơ chế điều hành và kiểm soát minh bạch, ban hành Bộ quy tắc ứng xử để cộng đồng và các đối tác cũng có thể giám sát hoạt động của chính doanh nghiệp. Các chương trình về Liêm chính sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh khi mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến từ các nước phát triển muốn vào làm ăn tại Việt Nam hay là khi chúng ta muốn xuất khẩu hoặc đầu tư nhiều hơn vào các thị trường “khó tính”.

Nội dung bài phát biểu của ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Huân trả lời phỏng vấn Quốc hội TV ( từ phút 5.40)

Ông Nguyễn Quang Huân trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư tài chính
Đồng tình của báo chí về bài phát biểu của ông Nguyễn Quang Huân ( Tạp chí Doanh nhân Việt Nam)

Xin mượn lời của ông Huân làm lời kết : “Doanh nghiệp tư nhân trong thời kì hội nhập & hợp tác đa phương : Thách thức còn nhiều nhưng cơ hội cũng rất lớn. Bản thân các doanh nghiệp – doanh nhân thuộc khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy hết năng lực, tài lực và khả năng sáng tạo của mình thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ. Đó cũng là cách làm lành mạnh đời sống kinh tế, xã hội; từ đó chung tay xây dựng một giá trị, chuẩn mực chung của quốc gia và sẵn sàng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.