(NBCL) Công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986) đã bước qua năm thứ 30, là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, chủ trương “Đổi mới” đã “khai sinh” ra khối DN tư nhân, với những chủ doanh nghiệp qua 03 thập kỷ vượt qua bao mất mát, đổ vỡ, nhưng không ngừng nỗ lực để gặt hái thành quả, ghi dấu ấn lớn trong sự chuyển mình của đất nước hôm nay… Họ được coi là những chiến binh dũng cảm mang trong mình sức mạnh vượt trội, sáng tạo, linh hoạt để cạnh tranh và phát triển trên thương trường. Xuân 2016, báo Nhà báo & Công luận gặp lại họ với một niềm tin vào sự thành công hơn nữa, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
1. Masan Group hiện là một trong những công ty lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, tập trung hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên của Việt Nam. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành cùng với đổi thay của đất nước, cơ chế và môi trường kinh doanh, Masan đã là một cái tên khá quen thuộc trên thương trường, cũng như để lại dấu ấn đối với những thượng đế khó tính nhất.
Trong mảng kinh doanh hàng tiêu dùng cốt lõi, nhắm đến một thị trường có thể tiếp cận có giá trị 5 tỷ đô la Mỹ với hai trụ cột vững chắc là thực phẩm và đồ uống. Trong mảng đồ uống, Masan đã xây dựng được một nền tảng mạnh mẽ trong quãng thời gian kỷ lục. Sự ra mắt thành công thương hiệu tự phát triển “Wake-Up” là minh chứng cho năng lực thực thi vượt trội của Masan và khả năng thấu hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Việt.
Từ nhiều năm qua, Masan đã xây dựng được một vị trí vững chắc trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi, nhờ vào sản phẩm mì ăn liền – Omachi, Sagami và Kokomi – các sản phẩm từ cao cấp, trung cấp đến bình dân, cũng như các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng như cháo Komi… Không chỉ là một thương hiệu đã được khẳng định ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm, Masan còn là một “chàng hiệp sỹ” với những thương vụ mua lại các thương hiệu khác để nâng cao năng lực và mở rộng thị trường. Thị trường sẽ mở rộng hơn nếu Masan Group cộng thêm ngành thịt đã qua chế biến (Tập đoàn này đã mua lại công ty Saigon Nutri Food vào tháng 12/2014). Đây là ngành chiếm 1 phần trong thị trường thịt của Việt Nam có giá trị khoảng 18 tỷ USD.
Quan trọng hơn, Masan đã xây dựng nền tảng hoạt động với khả năng xây dựng thương hiệu mà có thể thành công ở cả ở phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân. Hay thương vụ đình đám mua lại và thành lập Masan Nutri-Science vào cuối tháng 4/2015, tạo nên một nền tảng hàng đầu phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi có giá trị 6 tỷ đô la Mỹ của Việt Nam. Masan Group đã mua lại Công ty Sam Kim (“Masan Nutri-Science”), doanh nghiệp nắm giữ 52% cổ phần của Công ty cổ phần Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (“Proconco”) và 70% cổ phần của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (“Anco”), đưa Tập đoàn lên vị thế công ty sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất.
Không chỉ thành công ở những mảng chủ lực, với những mảng kinh doanh không cốt lõi như Mỏ Núi Pháo hay đầu tư tài chính tại Techcombank đều đang mang lại cho Tập đoàn này những lợi nhuận đáng kể. Luôn khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, với niềm tin bền bỉ đối với tiềm năng tiêu dùng của Việt Nam, kết hợp giữa phát triển nội tại và hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Có nền tảng, Masan sẵn sàng đón nhận làn sóng tăng trưởng vượt trội tiếp theo. Trong năm 2016, Masan mong muốn trở thành công ty tiêu dùng hàng đầu, tạo ra nhiều giá trị cho cổ đông và đem lại những lợi ích đáng kể hơn nữa.
2. Một điển hình về việc dám nghĩ, dám làm nữa có thể nhắc tới là Asia Foods – Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu, nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm ăn liền tại Việt Nam. 20 năm qua, Asia Foods đã trải qua hành trình nhiều cam go, nhưng cũng đầy tự hào: Năm 1990: Nhà máy Mì ăn liền ViFood thành lập tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Tới 1995 thì Công ty TNHH Công Nghiệp thực phẩm Á Châu ra đời, với nhà máy đặt tại Bình Dương.
02 năm sau, Asia Food chính thức xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu như: Nga, Ukraine, Đức, New Zealand, sau đó qua Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Samoa, Ba Lan,… Ngoài việc nằm trong top những thương hiệu mì hàng đầu trong nước, Asia Foods từ 1999 đã là nhà cung cấp mì ăn liền lớn nhất tại thị trường Campuchia (chiếm hơn 50% thị phần), xây dựng nhiều nhà máy với công suất hàng tỉ gói sản phẩm (mỳ, cháo, phở, hủ tiếu…) mỗi năm, tạo ra hơn 5.000 việc làm ổn định cho người lao động trên khắp cả nước. Trong những chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Asia Foods cho rằng doanh nghiệp đã phát triển bằng nỗ lực, sáng tạo, nhất là sự thành thật với khách hàng.
Điều đó có thể thấy được ngay cách Asia Foods xử lý sự cố. Khi khách hàng khiếu nại về “trong mì có xương”, ông Nguyễn Mạnh Hà đã mời vị khách vào nhà máy, coi hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại và nói “Anh nghĩ xương có tồn tại được không” rồi bắt tay khách hàng, cảm ơn họ… Ông Hà nói rằng mình xuất thân là một kỹ sư, người chế tạo máy, nên “chả biết marketing, PR gì cả”, chỉ nỗ lực làm việc, sáng tạo, vì cộng đồng, người dùng… Nhờ đó, các nhãn hiệu mì Gấu đỏ, cháo Gấu đỏ, phở, hủ tiếu Gấu đỏ, mỳ Trứng Vàng, cháo Shang-ha… đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng.
3. Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long (HALCOM) là công ty hoạt động trên 2 lĩnh vực chính: tư vấn và đầu tư. Với khẩu hiệu “Vươn cùng thời đại” cùng với mong ước lớn nhất của HALCOM và cá nhân Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huân đó là làm sao để các dự án phát triển hạ tầng, cải tạo môi trường trên toàn quốc được thực hiện nhanh hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Công ty ra đời trong lúc đất nước đang phát triển, các tổ chức trên thế giới hỗ trợ vốn ODA vào Việt Nam có hiệu quả. Họ khuyến khích các công ty tư nhân tham gia thực hiện cùng. Đặc biệt, về lĩnh vực tư vấn, họ luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu phát triển. Mặt khác, lĩnh vực phát triển hạ tầng với các chính sách an toàn xã hội khi đó rất cần những doanh nghiệp có năng lực. Đúng thời điểm ấy, HALCOM có đủ kinh nghiệm, uy tín nên đã kịp thời bắt nhịp. Về yếu tố con người, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn là vô cùng quan trọng. HALCOM có đội ngũ CBNV chuyên môn nghiệp vụ cao, nhiệt huyết với nghề… Tất cả những yếu tố thuận lợi đó đã làm nên thương hiệu HALCOM.
Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, suốt 15 năm qua, với những nỗ lực không ngừng để vượt qua nhiều khó khăn, bằng sức mạnh nội tại và bản lĩnh đối đầu trước sóng gió, công ty tiếp tục phát triển. Nhiều năm tham gia công tác tư vấn, hoạt động trong lĩnh vực phát triển các dự án ODA về phát triển hạ tầng đô thị và xóa đói giảm nghèo, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu – làm cơ sở để “chèo lái” Công ty theo hướng phát triển bền vững, thể hiện tính cam kết và minh bạch trong kinh doanh; từ đó có điều kiện đóng góp thật nhiều cho cộng đồng, xã hội.
Với những nỗ lực đó, năm 2014, công ty HALCOM vinh dự được nhận giải thưởng “Thương hiệu hàng đầu Việt Nam-TOP BRAND 2014”. HALCOM tự hào là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có và áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử trong kinh doanh (Code of Business Ethics), đây là kim chỉ nam cho các hoạt động kinh doanh của công ty, đảm bảo tính cam kết và minh bạch trong kinh doanh đối với khách hàng và cộng đồng.
“Bắt mạch” được những đổi mới của thị trường, người đứng đầu Công ty, ông Nguyễn Quang Huân khẳng định: Là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cam kết với Ngân hàng Thế giới thực hiện chương trình tuân thủ doanh nghiệp (CCP), chúng tôi đã và đang nỗ lực để nâng cao trình độ quản lý của mình ngang tầm các công ty tiên tiến trên thế giới. Phát huy văn hóa Á Đông truyền thống, hướng tới văn minh tiến bộ phương Tây, chúng tôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, coi trọng tính cam kết và mong ước được chứng kiến sự phát triển không ngừng của quý khách hàng, quý đối tác và sự tiến bộ chung của cả thời đại. Chúng tôi kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận, mà trên hết, là vì sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Đó mãi mãi là kim chỉ nam trong mọi hành động của chúng tôi.
4. Những người yêu thời trang, trang sức Việt Nam có lẽ không lạ gì thương hiệu Ngọc trai Hoàng Gia
(Hoàng Gia Pearl). Đến nay- Hồ Thanh Tuấn- người sáng lập thương hiệu ngọc trai Hoàng Gia Pearl- đã có 20 năm bôn ba thương trường. Tốt nghiệp đại học, đang “yên lành” ở một công ty tin học, Hồ Thanh Tuấn đến với ngọc trai như một cơ duyên đưa nhận một đơn hàng thiết kế web của nhóm chuyên gia Pháp thực hiện dự án nuôi trai lấy ngọc tại một số vùng biển của Việt Nam. Ngay sau đó, anh có 02 lựa chọn: Một là, trở thành đối tác trong dự án nuôi ngọc trai tại Việt Nam; Hai là, trở thành người tiếp quản công ty tin học nơi anh đang làm việc. Và anh Tuấn đã quyết định chọn con đường thứ nhất.
Cuối 2007, khủng hoảng kinh tế thế giới ập đến, các chuyên gia nước ngoài bỏ ngang dự án, khiến anh muốn buông xuôi. Nhưng, một lần nữa Hồ Thanh Tuấn lại thực hiện quyết định sống còn: Bán tất cả những tài sản có được, vay vốn, để vực dậy dự án và có được những lồng nuôi trai đầu tiên tại Côn Đảo, cho ra đời loại ngọc Maxima đủ màu sắc trên vùng biển Việt Nam.
Rồi sau đó, không hài lòng với việc chỉ xuất thô ngọc sang thị trường nước ngoài, Hồ Thanh Tuấn muốn ngọc trai Việt phải tới tận tay khách hàng, với chất lượng và mẫu mã theo tiêu chuẩn thế giới, anh đầu tư phát triển Xưởng chế tác ngọc trai lớn nhất tại TP.HCM, quy tụ hàng trăm nghệ nhân chế tác, thu được thành công to lớn.
Giờ đây, Hoàng Gia Pearl là đơn vị sở hữu hệ thống nuôi cấy và chế tác ngọc trai lớn tại Việt Nam, công ty cung cấp tất cả các loại ngọc trai biển quý hiếm như: South Sea, Tahiti, Mabe và Akoya, là thương hiệu trang sức ngọc trai được các nữ chính trị gia, doanh nhân, nghệ sĩ… yêu mến và chọn dùng. Hoàng Gia Pearl còn có sản phẩm ngọc trai Trống đồng với hoa văn trống đồng được khắc trên ngọc, đưa văn hóa và hồn dân tộc Việt ra khắp năm châu.
Hà Vân – Kiên Giang