Truyền hình thông tấn 22/03/2023: Nguy cơ lỡ hẹn với mục tiêu nước sạch

Với lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840 m3/người/năm, thấp hơn chỉ tiêu là 4.000 m3/người/năm, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia thiếu nước, theo đánh giá của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế. Đáng nói, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn 2.830 m3/người/năm, và nếu không có những chính sách hữu hiệu trong vòng 50 năm tới, Việt Nam sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Trong khi đó, Việt Nam lại là quốc gia có mạng lười sông ngòi dày đặc, với nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm phong phú, thì đây được xem như là một nghịch lý.
Theo Quy hoạch nước sạch của Bộ Xây dựng, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 90-95% người dân được sử dụng nước sạch, đến năm 2025, có 95-100% dân số được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam đang có nguy cơ lỡ hẹn với mục tiêu này vì nhiều lý do.
 
Lý giải điều này, PGS TS Trương Mạnh Tiến, chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước Việt Nam cho rằng: “Ba năm ảnh hưởng bởi Covid-19 là nguyên nhân khách quan, khiến Việt Nam khó lòng đạt được mục tiêu như đã đặt ra trong đề án cấp nước sạch”.
 
Phân tích của Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho hay: “Mặc dù nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, nhưng hiện nay khả năng tái tạo không còn như trước, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hiện tượng khí hậu cực đoan gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa nhưng hạn hán vào mùa khô”.
 
Còn theo TS Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, chặt phá rừng cũng là một nguyên nhân khiến nguồn nước sạch từ nước suối của bà con vùng cao ngày càng cạn kiệt.
 
 
 
Trước tình hình đó, vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và toàn cầu. Ngày Nước thế giới (22/3) năm nay, với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi”, nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu. Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày.