Sáng 28/2/2020, phiên họp đầu tiên của Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ VN) khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 được tổ chức nhằm góp ý cho bản Dự thảo sửa đổi Luật bảo vệ môi trường và thông qua chương trình hoạt động toàn khóa. Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty CP Halcom Việt Nam, Ủy viên UBTƯ MTTQ VN, Ủy viên Hội đồng tư vấn, thuộc nhóm môi trường, tham dự và đóng góp ý kiến.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe trình bày kế hoạch triển khai chương trình, công tác nhiệm kỳ 2019-2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Ngô Sách Thực chủ trì cuộc họp, khẳng định “Hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề môi trường là rất rõ ràng. Chúng ta đã có chiến lược bảo vệ môi trường, có hệ thống pháp luật về môi trường, có các cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường cần có sự vào cuộc của toàn dân và cả hệ thống chính trị”.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại cuộc họp

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho biết, nhiều chính sách mới về bảo vệ môi trường cần được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cập nhật và thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.

Góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng việc phân loại rác tại nguồn quy định trong Luật bảo vệ môi trường cần thời gian để truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và gây phát sinh chi phí trong quản lý, đặc biệt là ở nông thôn và miền núi. Hiện nay đã có công nghệ xử lý được rác hỗn hợp, vì vậy cần xem xét sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn.

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường

Ngoài ra, ông Huân cũng đề cập đến Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045, ban hành ngày 11.2.2020, trong đó có khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ điện tại chỗ thông qua các nguồn tài nguyên tái tạo và rác; vì thế Luật bảo vệ môi trường cần xem lại phần quy định “không đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quy mô nhỏ” nêu tại Chương VI của bản Dự thảo. Việc định giá carbon và thị trường tín chỉ carbon cũng cần minh bạch hóa, điều này rất quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, làm giảm phát thải CO2 vì sẽ có bán lượng tín chỉ carbon, phát triển công nghệ vật liệu mới tiết kiệm năng lượng như vật liệu xây dựng cách nhiệt, thay thế xi măng và sắt thép, phân bón hữu cơ thay thế phân hóa học… Đối với các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung cần thuê tư vấn độc lập để lập báo cáo giám sát thực hiện bảo vệ môi trường.

Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 tại cuộc họp

Để tăng cường hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, từ 13 chính sách đã nêu trên tờ trình, các thành viên trong Hội đồng tư vấn cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn những bất cập trong giải quyết ô nhiễm môi trường được người dân quan tâm, phản ánh, từ đó đưa ra những sự điều chỉnh hiệu quả, góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

 

Nguồn tin tham khảo:

Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Báo điện tử Đại Đoàn Kết