Đông Nam Á là một trong những khu vực có mối nguy hiểm thường trực cao nhất khi nói đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cảnh báo trong báo cáo mới đây nhất rằng khu vực này đang phải đối mặt với hiện tượng mực nước biển dâng cao, sóng nhiệt, hạn hán và những cơn bão ngày càng mạnh. Ước tính có đến 96% khu vực ASEAN có thể bị hạn hán, 64% bị hạn hán cực nặng, tuy nhiên mực nước biển trong tương lai lại vẫn đang dâng, ảnh hưởng đến dân số, kinh tế và cơ sở hạ tầng của các quốc gia ven biển.
Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều cam kết tăng tốc giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015 với mục tiêu chính là giới hạn mức độ nóng lên dưới 2 độ C. Nhiều luật và chính sách đã được thông qua để hạn chế biến đổi khí hậu, nhưng con đường tương lai vẫn cần rất nhiều nỗ lực hơn nữa.
Mục tiêu Net Zero của các nước
Các quốc gia ở Đông Nam Á đều cam kết Net Zero ở các mức khác nhau, dựa theo tình hình thực tế nội tại. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời cũng là nơi phát thải khí nhà kính lớn thứ 8 thế giới đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2060; còn Thái Lan cam kết giảm 20% vào năm 2030 và mới đây cũng đề xuất đạt được tiêu chí carbon trung hòa vào năm 2065-2070. Việt Nam và Singapore đều chưa đặt mục tiêu Net Zero, nhưng Việt Nam vẫn đang nỗ lực tăng cường nguồn năng lượng tái tạo và siết chặt việc sử dụng than đá nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Mặc dù vậy, theo các nhà nghiên cứu, các quốc gia Đông Nam Á vẫn cần nỗ lực hơn trong việc đưa ra các hành động thống nhất bằng cách đặt ra các chương trình, chiến lược rõ ràng hơn để đạt mục tiêu Net Zero.
“Nhóm nghiên cứu Climate Action Tracker đánh giá bản cập nhật tổng thể Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Indonesia và Việt Nam chưa đầy đủ, còn của Singapore cũng còn rất nhiều bất cập. Rõ ràng là các quốc gia này cần đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn nữa nhằm chung tay giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu, hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C.” – bà Melinda Martinus, chuyên gia nghiên cứu tại ISEAS-Học viện Yusof Ishak cho hay.
Nguồn: Taiwan News