Ông Nguyễn Quang Huân – PCT Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam mong muốn Nhà nước cần có cơ chế minh bạch, đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào công tác xã hội hóa nước sạch, nhằm nâng cao chất lượng nước sạch, đảm bảo sức khoẻ cho người dân.
Từ “vật cản” hiện hữu….
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và vận hành công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Ngay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có nhiều nhà máy nước sạch do doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn nhiều hạn chế, thách thức.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào đầu tư nhà máy nước sạch, nhưng thực sự vẫn còn nhiều rào cản khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà
Đến nay vẫn có khoảng 60% dân số cả nước chưa tiếp cận được nước sạch. Ngay tại khu vực đô thị, chỉ có 86% dân cư tiếp cận được với nước sạch, 14% cư dân chưa tiếp cận được nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung.
Trong khi, tính toán của Ngân hàng Thế giới cho rằng, từ năm 2020 trở đi, mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 1 tỷ USD cho vấn đề cấp nước.
Đặc biệt, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hướng hợp lý, hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân và sản xuất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Từ chỗ thiếu nguồn nước sạch của những năm trước đây, hiện tại Bình Dương đã phủ kín hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất và đã có dự phòng từ 10% – 15% công suất hiện có. Kết quả này sẽ tiếp tục được phát huy, vì tại nhiều địa phương trong tỉnh người dân còn có thói quen sử dụng giếng khoan, trong khi nguồn nước dưới đất đang ngày một suy giảm. Nếu không được quản lý, kiểm soát tốt nguồn tài nguyên nước dưới đất sẽ dẫn đến sụt lún tầng đất, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường.
Dù đã có nguồn nước sạch dự phòng nhưng công tác xã hội hóa nhằm nâng cao năng lực cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh cần được nâng cao hơn nữa.
Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam đã chỉ ra những vướng mắc mà doanh nghiệp tư nhân gặp phải khi đầu tư vào ngành nước. Đó là chính sách không đồng bộ, thiếu ổn định, việc thực hiện luật và chính sách chưa triệt để và cơ chế kiểm tra giám sát định kỳ, còn chưa minh bạch thông tin mời gọi đầu tư, khó khăn tiếp cận vốn…
…. cần đến những cơ chế rõ ràng, minh bạch
Để tạo động lực cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực cấp thoát nước, cần công bố thông tin một cách minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương và có hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập; đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải. Đặc biệt, cần có cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng.
Ông Nguyễn Quang Huân – PCT Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP HALCOM Việt Nam mong muốn Nhà nước cần có cơ chế minh bạch, đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào công tác xã hội hóa nước sạch, nhằm nâng cao chất lượng nước, đảm bảo sức khoẻ cho người dân
Theo ông Nguyễn Quang Huân, để tư nhân yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch đô thị và nông thôn, các địa phương phải duy trì tính ổn định quy hoạch để không phá vỡ thị trường nước, nhà đầu tư đã trúng thầu, đầu tư nhà máy nước thì phải bảo đảm quyền kinh doanh nước của họ. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội.
Cùng với đó, muốn thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư sẽ cần 2 yếu tố chính là cơ chế chính sách rõ ràng và cơ chế thu hồi vốn hợp lý cho các doanh nghiệp. Bởi theo ông Huân, nếu các công ty tư nhân cảm thấy không đảm bảo được về quyền lợi sở hữu, không tin tưởng sẽ thu lại được nguồn vốn đầu tư, thì khó có thể thu hút nguồn lực đầu tư từ tư nhân.
Muốn phát triển bền vững cho cả cấp và thoát nước thì thu phải nhiều hơn chi để có đủ tiền trả vốn vay, trả chi phí vận hành bảo dưỡng và tái đầu tư. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các hệ thống cấp thoát nước cũng rất quan trọng để đảm bảo rằng các doanh nghiệp cấp thoát nước, dù thuộc nhà nước hay tư nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với tinh thần đạo đức cao nhất.
Đặc biệt, chính sách giá phí là cực kỳ quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng khi đã xã hội hóa thì dù là nhà đầu tư trong hay ngoài nước đều được, quan trọng là hành lang pháp lý phải được nêu rõ trong hợp đồng để hai bên đảm bảo và chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước cũng như những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình cung cấp, đảm bảo an toàn cho người dân.
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, xã hội hóa công tác đầu tư các công trình cung cấp nước sạch trong thời kỳ hội nhập với mục đích thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ có liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân ở các đô thị là rất quan trọng, cần phải được Nhà nước quan tâm, quản lý chặt.
“Việc xây dựng các chính sách về nước sạch thời gian tới phải hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp sản xuất nước sạch, doanh nghiệp cấp nước và quyền lợi của người dân. Ngoài ra, việc đầu tư vào hạ tầng như xây nhà máy nước sạch, mạng lưới đường ống phân phối cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó nếu quản lý không ổn định, phân vùng cấp nước không rõ ràng, trong một vùng cấp nước mà có hai nhà đầu tư thì sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh” – Ông Nguyễn Quang Huân cho biết.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Halcom Việt Nam (HALCOM) cùng hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp, thoát nước và phát triển hạ tầng, ông Nguyễn Quang Huân đã luôn có những đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực nước sạch, xử lý rác thải thành tài nguyên nói riêng.
Trong vòng 3-5 năm tới, HALCOM cam kết sẽ hoàn thành đầu tư ít nhất 300 MW năng lượng sạch, liên kết để đầu tư thành công ít nhất 5 dự án về nước, điện gió, điện mặt trời, bất động sản, nhà máy điện rác và giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 6000-7000 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Halcom đã và đang tham gia cung cấp hơn 200 hợp đồng dịch vụ tư vấn cho các dự án về phát triển hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, phát triển toàn diện kinh tế- xã hội, cải thiện hệ thống giao thông, thủy lợi… tại 50 tỉnh, thành trong cả nước”.