Ngày 28.10.2020 tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của VCCI và UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp phối hợp cùng Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ VN) đã tổ chức diễn đàn “Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam”. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên UBTƯ MTTQ VN, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom VN, phát biểu về xu thế phát triển năng lượng tái tạo và thực trạng tại VN.
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường TWMTTQ Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam

Ông Huân cho biết, hiện tại Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu hụt về nguồn điện. “Bình quân tiêu thụ điện của Việt Nam mới đạt 2.322 kWh/người, bằng 67% của thế giới, 44% của Malaysia và 45% của Trung Quốc, 86% Thái Lan và rất thấp so với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… Nếu GDP tăng 7%/năm thì nhu cầu về sản lượng điện tăng 10-11%/năm”, ông Huân nhấn mạnh.

Thực tế, dẫn số liệu của Cục ĐL – Bộ CT, ông Huân cho biết, từ 2016-2020 các nguồn điện truyền thống (nhiệt điện, điện than…) chỉ đạt 60% so với quy hoạch được duyệt. Tổng công suất nguồn điện 2019 đạt gần 56.000 MW; Đến 2023, công suất nguồn nhiệt điện có thể thiếu hụt trên 12.000 MW. Đến 2025 có sự bù trừ nhưng vẫn thiếu hụt khoảng 7.000 MW.

Trước bối cảnh nguồn điện tự nhiên và điện sản xuất từ hóa thạch đang cạn kiệt, ông Huân cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

QĐ 2068/QĐ-Ttg (25/11/2015) phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050: ưu tiên phát triển nhanh những lĩnh vực năng lượng tái tạo có nguồn tài nguyên lớn và triển vọng thương mại tốt, gồm điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối với mục tiêu chiếm 7% năm 2020 và 10% vào 2030.

Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và Môi trường Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tổ chức.

“Việt Nam nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa, bờ biển dài, có tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời là rất lớn nên nếu có thể tận dụng được các ưu đãi thiên nhiên này thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển tốt các nguồn năng lượng tái tạo”, ông Huân nhìn nhận.

Về hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam tính đến 2020, ông Huân cho biết, cơ chế độc quyền nhà nước trong việc xây dựng lưới điện truyền tải, các trình tự thủ tục đầu tư tuân thủ theo các quy định của nhà nước cũng như đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn do vậy hệ thống mạng lưới truyền tải không theo kịp được sự phát triển của nguồn điện.

“Theo điều 4 Luật Điện lực 2004, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia. Nghị quyết 55 Bộ chính trị đã chỉ rõ cần phải xây dựng các cơ chế chính sách để thực hiện xã hội hóa cũng như theo luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP có hiệu lực từ 1/1/2021; theo đó các lĩnh vực được xã hội hóa bao gồm các dự án nguồn điện, lưới điện nhưng trừ thủy điện & những lĩnh vực đc quy định độc quyền trong luật điện lực.

Vì vậy, cần sửa điều 4 Luật điện lực thì mới có thể xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện”, ông Huân nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Huân, về chính sách ưu đãi nhà đầu tư, ông Huân cho rằng chính sách không ổn định, không đủ dài hạn để thu hút nhà đầu tư.

“Hợp đồng mua bán điện (PPA) không bảo vệ nhà đầu tư, nhà sản xuất bán điện trực tiếp được đến sử dụng”, ông Huân nói.

Ngoài ra, ông Huân cũng nhấn mạnh rằng tiềm năng về điện rác chưa được chú ý trên thực tế.

“NQ55 đã nêu, chính phủ cũng kêu gọi nhưng thực tế triển khai ở địa phương còn rất yếu, nhiều bất cập trong tuyển chọn đầu tư. Cùng với đó, không có một hướng dẫn hay một chính sách nhất quán về tuyển chọn đầu tư với các công nghệ khác nhau tùy theo công suất và khả năng của từng địa phương. Việc thiếu hiểu biết về công nghệ ở các cấp địa phương gây rủi ro cho việc tuyển chọn các nhà đầu tư hay công nghệ”, ông Huân nói.

Theo quan điểm của ông Huân, với lượng rác thải hiện nay khoảng 46.000 tấn/ngày (nguồn GIZ) mà không đốt phát điện thì chúng ta đang lãng phí 46.000*0.7= 32.600 MW/ngày, tức là gần 1.400MW/h, tương đương 20% tổng công suất điện gió và điện mặt trời hiện nay; chưa kể các tác hại xấu về môi trường xã hội do rác thải không được xử lý đúng cách gây ra.

Về việc phát triển điện gió ngoài khơi, ông Huân cho rằng việc phát triển điện gió ngoài khơi đang được áp dụng như gió gần bờ là chưa phù hợp

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, ông Huân cho biết, hiện nay chưa ban hành khung tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo dẫn đến việc phụ thuộc vào tiêu chuẩn của quốc gia sản xuất thiết bị.

“Trong khi đó, công tác vận hành trong giai đoạn đầu khai thác thương mại phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ”, ông Huân nói.

Về xu hướng phát triển của năng lượng tái tạo trong tương lai, ông Huân cho biết với vấn đề cơ chế và chính sách với lĩnh vực này nên khuyến khích đầu tư theo hình thức đầu tư PPP và khuyến khích đầu tư kinh tế tư nhân.

Về vấn đề phát triển điện gió ngoài khơi, ông Huân cho rằng Nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về tiềm năng của gió ngoài khơi, quy hoạch lãnh thổ, không gian biển, đấu nối trước khi tiến hành lựa chọn phương án chính sách lựa chọn  nhà đầu tư đồng thời phát triển kết hợp với các ngành kinh tế khác.

Về vấn đề phát triển điện rác, ông Huân cho rằng nên mạnh dạn đi đầu áp dụng công nghệ tiên tiến để VN dẫn đầu khu vực về phát triển điện rác, tiến tới chế tạo và xuất khẩu thiết bị này ra các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Cùng với đó là ban hành khung tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai”, ông Huân nhấn mạnh.

Nguồn tin: Diễn Đàn Doanh Nghiệp