Nhiệt điện, thủy điện hay năng lượng tái tạo đều có những điểm mạnh, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, với hạn chế của năng lượng tái tạo thì hoàn toàn có thể bù đắp được bằng công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) hiện đang gặp không ít rào cản. Trước hết, mua bán điện hiện nay vẫn là cơ chế độc quyền do chưa vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Song song với nó, Luật Điện lực quy định độc quyền nhà nước về truyền tải điện làm hạn chế xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực này… Hơn nữa, các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn chỉ trong khoảng 2 năm, nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án.
Cũng theo ông Vy, NLTT có tiềm năng thay thế các nguồn năng lượng hoá thạch và năng lượng nguyên tử. So với các nguồn năng lượng khác, NLTT có nhiều ưu điểm hơn vì tránh được các hậu quả có hại đến môi trường. Ngoài ra, do có lượng cung ứng gần như vô hạn, nên sẽ tránh được tình trạng cạn kiệt dần sau một thời gian dài khai thác. Đây là vấn đề đối với các nguồn năng lượng hoá thạch ngày nay như dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên. “Với những tiềm năng NLTT mang lại, trong đó năng lượng điện gió và điện mật trời cần được khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Vy chia sẻ.
Còn theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID kiêm chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), cần nhận định một cách công bằng rằng do hệ thống lưới không đáp ứng được nên nguồn NLTT phải tiết giảm công suất. Từ đó, dẫn tới sản lượng điện không được như khả năng phát. Ngoài ra, việc cắt giảm hiện nay là do quy hoạch về nguồn và lưới đã không được tính toán đúng trong giai đoạn trước đó. Trong khi đó, lợi ích về tạo việc làm khi phát triển NLTT chưa được đánh giá trong dự thảo quy hoạch điện VIII.
Điện gió có nhiều lợi thế hơn điện than
Theo kết quả nghiên cứu gần đây, nếu phát triển NLTT thì sẽ tạo ra số lượng việc làm gấp đôi trên cùng 1 công suất so với điện than. Tạo việc làm cho người dân trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid – 19 là một vấn đề bức thiết. Nếu tiếp tục thúc đẩy phát triển NLTT, nhất là các giải pháp phân tán thì có thể góp phần tạo ra nhiều việc làm ở các địa phương và hạn chế vấn đề di dân, bà Khanh nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam nhận định, hiện chúng ta vẫn nói là ưu tiên phát triển NLTT nhưng thực tế lại ưu tiên điện than. Việc ưu tiên điện than có những lợi thế ngắn hạn nên sẽ không đảm bảo về sự phát triển bền vững, cần phải cân nhắc nhiều. Ngược lại, bất lợi của NLTT hiện nay thì hoàn toàn có thể bù đắp được bằng công nghệ như giải pháp về tăng cường công suất đầu tư công nghệ và bán điện trực tiếp thì sẽ hạn chế được.
Từ thực tế trên, ông Huân cho rằng, nhà nước cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển NLTT. Theo ông Huân, trước hết cần phải nâng cấp lưới điện. Bởi lưới điện hiện nay đang yếu, nên khi phát điện thì quá tải, nếu giờ đầu tư nâng cấp thì quay lại bài toán kinh phí 13 tỷ USD. Còn bài toán kéo tư nhân vào thì lại vi phạm vào điều IV luật Điện lực “nhà nước độc quyền về phân phối điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng nói rằng nếu cho tư nhân vào làm thì vi phạm luật. Như vậy, quay trở lại bài toán Nghị quyết 55 sau 2 năm ra đời mà không được sửa đổi phù hợp, Luật đã có độ trễ lại có nhiều bất cập. “Bây giờ thời 4.0, cần đưa lưới điện thông minh vào vận hành nhưng chúng ta cũng bị chậm”, ông Huân nói.
Thứ hai, nếu có bất lợi về mặt trời 5-7h/ngày, chúng ta có thể nghĩ đến chuyện công nghệ tích trữ năng lượng mà không sợ ô nhiễm môi trường. Hiện nay, trên thế giới đã có loại công nghệ mặt trời không phải là quang điện như chúng ta đang làm. Nếu dùng mặt trời thu nhiệt phát điện thì sẽ phát điện trên lưới 24/24, giúp NLTT ổn định như sự ổn định của điện than, điện khí, gas. Đó chính là phương pháp dùng công nghệ để bù đắp cho bất lợi của NLTT.
Thứ ba, nội hàm về NLTT cũng cần xem xét thuỷ điện nhỏ và vừa là NLTT. Theo nghĩa đen thì đúng, nhưng xanh và sạch thì đang tồn nghi và tranh luận năng lượng thuỷ điện. Đặc biệt, thuỷ điện nhỏ và vừa gây nên nhiều hệ luỵ về môi trường không chỉ vấn đề sinh thái mà có thể còn cả lũ lụt kể cả thiên tai. Tích trữ vào mua khô nhưng xả lũ dồn dập vào mùa mưa lũ là rất nguy hiểm. Như vậy, thiên tai về thuỷ điện nhỏ sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường và cuộc sống, thay đổi toàn bộ hệ sinh thái, đất, cơ cấu hạ tầng, kế sinh nhai của người dân và cuộc sống của người dân cuối nguồn xây dựng thuỷ điện thì rất nguy hiểm.
Vậy thì, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII giảm điện gió, điện mặt trời nhưng tăng thuỷ điện để đảm bảo cơ cấu NLTT thì không đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Nếu gộp điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện thành NLTT là một định nghĩa thì cần phải làm rõ vấn đề tăng điện than (so với sửa đổi tháng 3/2021) nhưng giảm đáng kể về điện gió và điện mặt trời; để cân bằng vào tỉ trọng của điện NLTT thì tăng thuỷ điện để bù đắp cho sự giảm rất nhiều của điện gió, điện mặt trời; Để giữ tỷ trọng NLTT cân bằng với nhiệt điện than và các nguồn điện khác, đó chính là những phần cần xem xét lại nhất.
Ông Huân cũng cho rằng, bù đắp cho lưới điện quá tải là hạn chế của NLTT. Tuy nhiên, do chính sách chưa có nên cần đề cập đến vấn đề bán điện trực tiếp. Hiện nay, trên thế giới cũng có nhiều mô hình áp dụng như một nhà máy điện mặt trời không phát lên lưới mà bán cho người tiêu dùng bên cạnh. “EVN và Bộ Công thương đã có chủ trương từ rất lâu rồi nhưng không hiểu sao không thực hiện. Nếu thực hiện được điều này thì cũng sẽ là công cụ hữu hiệu giảm phát điện lên lưới và hạn chế mặt không tích cực của điện gió và điện mặt trời” – ông Huân nói.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Xem thêm: