Dịch bệnh Covid-19 hiện đã bùng phát tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây nên những thiệt hại nặng nề về tính mạng con người, đồng thời tác động sâu rộng đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế – xã hội trên thế giới. Tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 này, doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn cung, về thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả nền kinh tế. Đây được coi là cú hích kỳ vọng sẽ giúp duy trì sự chống chọi của khối doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực của Chính phủ có hạn, cần lưu ý những gì để gói cứu trợ mang lại hiệu quả-thực chất?

“Chúng ta không thể nào giải cứu 100% doanh nghiệp, phải chấp nhận điều đó. Nhưng tôi bảo đảm rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp họ có cơ hội, họ có tiềm năng để phục hồi. Nếu không có bàn tay cứu vớt của Chính phủ họ sẽ phá sản, rút khỏi thị trường vĩnh viễn, người dân mất việc làm, ảnh hưởng kinh khủng.”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, nguồn lực của Chính phủ không phải là vô hạn để có thể dễ dàng tung ra những gói tài chính hỗ trợ tương tự. Rất cần những nghiên cứu bài bản, cẩn trọng trước khi có thể hiện thực hóa nguyện vọng của người lao động hay giới doanh nghiệp. Chắc chắn, Chính phủ và các cơ quan liên quan đang vừa khẩn trương – vừa thận trọng khảo sát và nghiên cứu để sớm có các giải pháp hiệu quả, với hy vọng người dân, doanh nghiệp chủ động – đồng lòng nỗ lực.

Ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân đồng thuận quan điểm này, “Chính phủ mà chi càng nhiều thì việc cân đối ngân sách càng khó. Mình cũng không thể cứu chữa hết tất cả doanh nghiệp. Theo tôi chỉ nên tập trung cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu vì nếu doanh nghiệp đấy mà bị ảnh hưởng thì tiêu dùng của toàn xã hội sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm. Hai là những doanh nghiệp đông người lao động”. Ngoài ra, theo ông Huân, nên có một bộ phận am hiểu về kinh tế, am hiểu doanh nghiệp – chỉ có thể thông qua các cơ quan, địa phương, chính quyền địa phương hoặc thông qua hiệp hội ngành nghề, đủ mạnh để có đội ngũ chuyên gia đánh giá, sàng lọc doanh nghiệp, tránh tình trạng trong lúc đánh giá lại nảy sinh những tiêu cực – xoay về cơ chế xin cho. Sau khi sàng lọc, Chính phủ nên công bố rõ ràng, công khai, minh bạch.

“Cần có cam kết liên quan đến người lao động, vì cứu trợ cho doanh nghiệp cũng có nghĩa là cứu trợ cho người lao động làm việc cho doanh nghiệp. Việc đó phải làm rất rõ, phải có giám sát, sau đó minh bạch và công khai. Bản thân doanh nghiệp khi sử dụng tài chính cũng phải có một cơ chế khác, cách thức quản lý khác, chuẩn xác hơn. Nếu làm như vậy thì sẽ tránh được tình trạng trục lợi, nó đi ngược với mục tiêu cứu trợ”, ông Nguyễn Thanh Hưng –Viện trưởng Viện Quản trị Kinh Doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải buộc dừng sản xuất do dịch Covid-19 (nguồn ảnh: VOV)

Trên đây là một số quan điểm, góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp, có thể chưa phải điển hình, nhưng góp phần khẳng định “Một gói cứu trợ khẩn cấp là cần thiết. Sự cẩn trọng thiết thực hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại và nội lực kinh tế Việt Nam so với bình diện khu vực và quốc tế”. Duy có một điều chắc chắn – như hy vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là nếu người dân cùng doanh nghiệp chủ động, đồng lòng-chung vai, nỗ lực, mọi khó khăn sẽ trải qua dễ dàng hơn, kinh tế đất nước mới mau chóng phục hồi.

Theo bài viết “Gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân: Đối tượng nào được nhận?” (VOV1 – Kênh Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam)