Vào ngày 8-9/12/2021, Hội nghị thượng đỉnh điện gió Việt Nam lần thứ 4 (VOOWS 2021) đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đại diện Halcom Việt Nam tham dự và chia sẻ kinh nghiệm về vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện gió Phương Mai 3.
Là sự kiện triển lãm và hội nghị quốc tế thường niên về điện gió trên bờ và ngoài khơi tại Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh điện gió năm nay tập trung vào các chủ đề: triển vọng điện gió Việt Nam, các thách thức và cơ hội, chia sẻ kinh nghiệm từ các chủ đầu tư, nhà cung cấp thiết bị và giải pháp, các kịch bản phát triển nguồn điện bền vững, cập nhật công nghệ mới nhất và tiến bộ công nghệ của tua bin điện gió ngoài khơi.
Các diễn giả tại hội nghị là các chuyên gia đầu ngành trên thế giới và Việt Nam đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các tổ chức quốc tế, chia sẻ về các vấn đề phát triển bền vững năng lượng gió và năng lượng sạch của Việt Nam để hướng tới đạt trung hòa carbon – Net zero vào năm 2050.
Đại diện Công ty CP Halcom Việt Nam, ông Hoàng Quốc Anh, Giám đốc Ban Phát triển Kinh doanh, đã chia sẻ kinh nghiệm về việc vận hành và bảo dưỡng (O&M) nhà máy điện gió Phương Mai 3 tại Quy Nhơn, Bình Định. Đây là dự án năng lượng tái tạo đầu tiên do Halcom VN làm chủ đầu tư, vận hành thương mại vào Quý 1/2020, đồng thời cũng là nhà máy điện gió đầu tiên đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định. Nhà máy có 6 tua-bin với tổng công suất 21 MW.
Ông Quốc Anh đã giới thiệu và làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các bên tham gia vào giai đoạn vận hành và bảo dưỡng nhà máy Phong điện Phương Mai 3, các bước chuẩn bị trước khi vận hành thương mại (COD) cũng như quy trình O&M trong và ngoài nhà máy.Từ các vấn đề đã phát sinh trong quá trình O&M như sản lượng điện thực tế thấp hơn dự kiến ban đầu do yếu tố thiên nhiên (tốc độ gió thấp, chất lượng gió không đều…), lỗi kỹ thuật khi lắp đặt tua bin, thời gian chờ thiết bị thay thế lâu do phải nhập khẩu từ nước ngoài, đội ngũ O&M thiếu kinh nghiệm xử lý sự cố, cũng như các yếu tố khách quan, bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19, thiên tai…, ông Quốc Anh nhấn mạnh đến bốn yếu tố cần chú trọng nhằm vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện gió hiệu quả, bao gồm đào tạo chuyên sâu, nâng cao phối hợp giữa các bộ phận trong quá trình vận hành, giám sát vận hành, phát hiện và khắc phục sự cố, và tuân thủ quy trình bảo dưỡng. Đây là những chia sẻ thực tiễn quý báu giúp các nhà đầu tư và các đơn vị liên quan trong quá trình O&M có thể cùng nghiên cứu, học hỏi và đúc kết kinh nghiệm nhằm vận hành hiệu quả các nhà máy điện gió.
Bên cạnh các bài trình bày đến từ các diễn giả trong nước và quốc tế, hội nghị cũng diễn ra hai phiên thảo luận về việc huy động nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro cho dự án đầu tư điện gió, và cập nhật danh mục các dự án điện gió tại Việt Nam. Với tiềm năng lớn về phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị điện gió, dần thay thế phần thiết bị nhập khẩu. Tuy nhiên cần có những đột phá về chính sách và sự quyết đoán của cả phía chính phủ và các nhà đầu tư, các nhà thầu để khai thác tiềm năng đó.