Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11/2/2020, đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Halcom Việt Nam, đã chia sẻ quan điểm từ góc nhìn doanh nghiệp với Truyền hình Nhân dân.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT, công ty CP Halcom Việt Nam, chia sẻ quan điểm từ góc nhìn doanh nghiệp với Truyền hình Nhân dân.

Phóng sự 9.3.2020 – TH Nhân Dân – Bài toán cân đối cung cầu năng lượng nhìn từ Nghị quyết 55-NQ/TW

Thời sự 6.3.2020 – Đài TH Nhân Dân – Nghị quyết 55-NQ/TW: Đột phá trong phát triển năng lượng

Tăng nguồn cung năng lượng tái tạo

Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu cụ thể: Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030; trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 – 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 – 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 – 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 – 600 tỉ KWh. Đáng chú ý, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030; 25 – 30% vào năm 2045.

Nghị quyết cũng yêu cầu xóa bỏ độc quyền, minh bạch giá mua bán điện, có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước và thu hút tư nhân đầu tư vào lưới truyền tải. Cùng đó, đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua bán điện.

Riêng với phát triển năng lượng tái tao: Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đối với điện gió và điện mặt trời: Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 – dự án năng lượng tái tạo đầu tiên của Halcom Việt Nam

Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng

Nghị quyết số 55 tập trung nhấn mạnh về cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh; tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước; áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc tế, triệt để thực hiện công khai, minh bạch hoá trong hoạt động; chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hạ tầng năng lượng quốc gia. Hoàn thiện các quy định về đánh giá các nguồn lực, tài sản phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn; xử lý, tái cơ cấu triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ trong lĩnh vực năng lượng. Nghiên cứu, triển khai thí điểm cơ chế bán có thời hạn hoặc cho thuê dài hạn đối với các nhà máy điện, kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu… thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.

Trên cơ sở đó rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách; bảo đảm đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp năng lượng nhà nước thực hiện các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. “Theo đó, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng”- Nghị quyết phân tích cụ thể. Phát triển năng lượng gắn với thực thi chính sách bảo vệ môi trường nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Thông tin tham khảo: Bộ Công Thương Việt Nam