Nước không chỉ là nguồn sống của vạn vật, nó mang ý nghĩa may mắn trong quan niệm của nhiều dân tộc trên thế giới.
Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam

Nhân dịp Năm mới Quý Mão, TG&VN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam (Halcom) xung quanh vấn đề nguồn nước.

– Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) giai đoạn trước đây và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) hiện nay. Ông đánh giá thế nào về việc chúng ta đang thực hiện các mục tiêu về bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân và kiểm soát nguồn nước thải gây ô nhiễm?

Việt Nam đã thực hiện rất tốt Mục tiêu thiên niên kỷ và được quốc tế đánh giá cao. Đến giai đoạn hiện nay là Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) bao gồm 115 mục tiêu, Việt Nam nhóm lại thành 17 mục tiêu.

Trong đó, mục tiêu thứ sáu đề cập rất chi tiết về nước sạch và vệ sinh. Cung cấp nước sạch cho người dân là yếu tố rất quan trọng, đã được Đảng nêu ra trong nhiều nghị quyết quan trọng như NQ24-TW, NQ Đại hội Đảng lần thứ XIII và gần đây là Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước, đều nhấn mạnh chỉ tiêu nước sạch cho người dân. Mục tiêu SDGs này không chỉ là chương trình của Liên hợp quốc, mà còn là chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta không nên chạy theo chỉ tiêu báo cáo mà phải nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ người dân. Cần phải áp dụng duy nhất một tiêu chuẩn nước sạch cho toàn quốc, không phân biệt đô thị hay nông thôn. Điều này cần sự đầu tư lớn cả về chính sách, nguồn lực và lộ trình thực hiện.

Công nghệ cũng là yếu tố quan trọng. Trong vòng 20-30 năm qua, Việt Nam chưa có sự đổi mới về công nghệ, chưa theo kịp thế giới. Hệ thống cấp nước của Việt Nam hầu như vẫn thủ công, chưa có điều khiển tự động, vẫn khử trùng bằng Clo, trong khi thế giới đã trải qua nhiều bậc công nghệ khử trùng như từ Clo sang Flo, Ozone, rồi đến tia cực tím…

Nếu thế giới đã quen thuộc với công nghệ lọc nano và bước đầu chuyển sang công nghệ mới, thì Việt Nam vẫn còn áp dụng công nghệ xử lý truyền thống. So với lọc cát, công nghệ nano lọc sạch hơn nhưng vẫn giữ lại các chất hữu cơ và chất khoáng có lợi cho sức khỏe.

Như vậy, chúng ta cần cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nước và chất lượng dịch vụ; đồng thời thống nhất tiêu chuẩn chất lượng nước giữa đô thị và nông thôn. Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa thì người dân nông thôn mới có đủ nước sạch để dùng, chứ không chỉ đưa ra giải pháp “nước hợp vệ sinh”.

Hiện nay, có rất nhiều tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, trong đó chủ yếu là nước thải không được xử lý và nước rỉ từ các bãi rác, ngấm xuống nước ngầm hay chảy ra nước mặt. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng thế giới (WB), chỉ khoảng 45-50% các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu là được hấp thụ bởi cây trồng, còn lại đều bị xả ra môi trường xung quanh do mưa úng hay do phương pháp tưới ngập.

Những thách thức đó cho thấy chúng ta phải nỗ lực hơn rất nhiều để đạt mục tiêu SDGs cũng như thực hiện được Nghị quyết của Đảng trên thực tế chứ không phải chạy theo thành tích báo cáo.

– Hiện nhu cầu sử dụng các thiết bị xử lý nước của người dân Việt Nam rất lớn, đặc biệt là ở các vùng ngoài đô thị, vùng xa, vùng đồng bằng sông Cửu Long… Theo ông, có giải pháp nào để nước sạch đến với người dân nhanh hơn, với chi phí thấp hơn không?

Người dân phải dùng các thiết bị xử lý nước là vạn bất đắc dĩ do không có điều kiện tiếp cận mạng lưới cấp nước sạch, chi phí mua thiết bị cao trong khi dân còn nghèo và không thể bảo dưỡng thường xuyên và không thể kiểm soát được về mặt chất lượng. Vì vậy, tốt hơn cả là có hệ thống cấp nước tập trung và mạng lưới cấp nước đến người dân và có chế độ kiểm soát định kỳ để đảm bảo người dân được dùng nước sạch đúng tiêu chuẩn.

Để nước sạch đến với người dân nhanh hơn, dù là ở Đồng bằng sông Cửu Long hay miền núi phía Bắc, việc ban hành Luật cấp thoát nước là hết sức cấp thiết, vì hiện các Nghị định 117, 118 về cấp thoát nước đã lạc hậu, không có chính sách quản lý thống nhất trên toàn quốc.

Ngành nước hiện do 5-6 bộ quản lý, vừa chồng chéo, vừa thiếu sót trong các khâu từ quản lý đầu nguồn đến xử lý và tiêu thụ nước nên hiệu quả không cao. Luật cấp thoát nước chính là cơ sở để xây dựng các chính sách nhất quán, dài hạn hơn nhằm thu hút nguồn lực đầu tư lớn hơn từ xã hội, đáp ứng đủ mọi nhu cầu sinh hoạt của người dân và cho sản xuất.

– Xin ông cho biết những ưu đãi của Việt Nam dành cho nhà đầu tư trong và ngoài nước về nước sạch hiện nay?

Việt Nam hiện nay có nhiều luật như Luật tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư, Luật đầu tư PPP và nhiều Nghị quyết của Đảng cũng như các Nghị định của Chính phủ như Nghị định 69 rồi Nghị định 59 (sửa đổi Nghị định 69) khuyến khích và ưu đãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường.

Vấn đề là Việt Nam còn thiếu chính sách nhất quán để quản lý các nhà đầu tư tư nhân, từ bảo vệ nguồn nước đến quản lý vận hành hay lộ trình tăng giá nước, chất lượng dịch vụ và đổi mới công nghệ nên ngành nước Việt Nam chưa thực sự bắt nhịp được với ngành nước trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là trở ngại nhất định để thực sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào phát triển ngành nước Việt Nam.

Tại Việt Nam, có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư nước sạch với dự án lớn. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không am hiểu sâu về ngành nước nên khâu quản lý vận hành còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, chúng ta còn chưa giỏi trong nhiều kỹ thuật chuyên sâu như hiện tượng nước va hay nền móng, đặc biệt với các loại đường ống cấp nước đường kính lớn 1.000-2.000 mm.

Về công nghệ xử lý nước, Việt Nam vẫn chủ yếu áp dụng công nghệ thông thường như lọc cát, lọc chậm, hay bể lắng la-men, không theo kịp công nghệ của thế giới. Những công nghệ truyền thống chỉ phù hợp với nguồn nước sạch, được kiểm soát tốt. Nhưng trong tình trạng ô nhiễm không kiểm soát được như hiện nay thì chưa chắc công nghệ thông thường có thể loại bỏ hết các chất độc hại trong nước.

Hiện chúng ta đã có các cơ chế để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng chính sách không rõ ràng. Theo tôi, đầu tiên là cần xây dựng Luật cấp thoát nước, sau đó ban hành chính sách đầu tư dài hạn. Vấn đề giá nước sạch hay phí xử lý nước thải còn nhiều bất cập.

Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn, cần khuyến khích áp dụng công nghệ mới. Mặt khác, với các nhà đầu tư trong nước, cũng cần có các cơ chế để đảm bảo lợi nhuận, để họ có khả năng thuê chuyên gia nước ngoài về làm việc và nâng cấp, đổi mới công nghệ. Các chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt các nhà đầu tư và các nhà vận hành, cả trong nước và nước ngoài, cả về khối lượng nước, chất lượng nước và chất lượng dịch vụ cấp cho người dân.

– Ông có chia sẻ gì về triển vọng phát triển của nước sạch Việt Nam?

Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050, Kết luận 36 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 24/TW, Nghị quyết 16/QH15 về phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 của Quốc hội khóa XV… sẽ là cơ sở và hành lang pháp lý để Chính phủ thực hiện và đạt các bước tiến mới về môi trường và nước sạch. Cần cụ thể hóa hơn nữa, kịp thời hơn nữa các Nghị quyết của Đảng để tính nhân văn của các Nghị quyết này đi vào thực tế đời sống, phục vụ dân sinh, đặc biệt là người dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến ngành nước vì đây là lĩnh vực kinh doanh tốt, mang tính ổn định cao. Khó khăn, hạn chế của ngành nước hiện nay chỉ là tạm thời, đã được nhận diện và sẽ được thay đổi trong thời gian tới. Đây là kỳ vọng phát triển của nước sạch Việt Nam.

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam