Hội thảo: Giải pháp thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh

Sáng ngày 29.12.2020, Hội thảo “Giải pháp thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh” đã diễn ra tại Hà Nội với các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, ban ngành Chính phủ cũng như các  doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam. Hội thảo nhằm mục đích đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia. Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, tham dự và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về vay vốn cho dự án đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) của Công ty, nêu rõ những khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn trong nước trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Trong bối cảnh thế kỷ 21, năng lượng xanh – năng lượng tái tạo (NLTT) trở thành một trong những mối quan tâm bậc nhất của thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Chính phủ VN cũng đã ban hành quyết định 2068/QĐ-TTg ban hành ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục phát triển NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045. Đây là một con số khá lớn và cần nhiều cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển nhưng không phải không khả thi vì Việt Nam là một đất nước có đường bờ biển dài, nhiều giờ chiếu sáng quanh năm, rất thích hợp để phát triển các nguồn điện gió, điện mặt trời. Dân số đông, lượng rác thải lớn, trong đó có thể có đến 40% lượng rác phù hợp để chuyển đổi thành điện rác, vừa làm giảm ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo an ninh nguồn điện.

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Để làm được điều trên, Chính phủ cũng ra các văn bản quy định về tín dụng xanh nhằm tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh-ngân hàng xanh” cũng như tăng tỉ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào NLTT. Từ những văn bản đó, các ngân hàng thương mại cũng nghiên cứu xây dựng và triển khai các sản phẩm cho vay dành riêng cho các dự án năng lượng tái tạo với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, cho biết vốn là một trong những vấn đề khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư NLTT. Bởi, hiện nay lĩnh vực này chủ yếu là doanh nghiệp non trẻ nên nguồn tài chính không thể so sánh được với các ngành xây dựng khác đã hoạt động lâu năm.

Hiện các tiêu chí trong quá trình thẩm định của ngân hàng để đưa ra quyết định đầu tư, tài trợ vốn khiến doanh nghiệp gặp khó như: hoàn thành đúng tiến độ, hòa lưới điện quốc gia; vốn đối ứng tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư; các ngân hàng thương mại trong nước cho các dự án vay bằng nội tệ, dựa trên năng lực tài chính chủ đầu tư, không phải tài chính dự án. Tại Việt Nam có hơn 30 loại giấy tờ cần phải chuẩn bị, nếu là nhà đầu tư trong nước sẽ mất khoảng một năm, nếu là nhà đầu tư nước ngoài thì phải mất khoảng 2-3 năm do không thông thạo thị trường. Do vậy, nhiều dự án năng lượng tái tạo rất có tiềm năng nhưng do nhà đầu tư mới, năng lực chưa đủ mạnh thì khả năng vay vẫn rất khó khăn. “Thiếu vốn dài hạn do chênh lệch lãi suất vay ngắn hạn và vay dài hạn không đáng kể nên ngân hàng không có động lực cho vay. Các dự án điện năng lượng tái tạo có thời gian hoàn vốn dài, từ 10-15 năm nên các ngân hàng bị vướng các giới hạn an toàn”, ông Huân cho hay. Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cho phép chủ đầu tư được giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu 20-25%, hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh. Đồng thời, có các chương trình hỗ trợ hoặc kết nối với các định chế tài chính nước ngoài để tái cấp vốn, phát hành trái phiếu xanh ưu đãi cho các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia chương trình tín dụng xanh.

Ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Halcom VN tham luận tại hội thảo

Tuy nhiên, nhân rộng các dự án năng lượng xanh thì chủ thể chính vẫn là doanh nghiệp. Vì vậy, “doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào ngân hàng, ngoài vốn tự có, nhà đầu tư nên chọn hướng bắt tay với các đối tác nước ngoài, sau đó huy động từ nguồn vốn các cổ đông, tìm tới các quỹ đầu tư. Trước đó, bản thân các doanh nghiệp cần có dự án khả thi, hiệu quả đầu tư cao…“, ông Nguyễn Quang Huân nói.

Thông tin báo chí: 

  1. Báo Công Thương
  2. Thời báo Ngân hàng
  3. Báo Nông nghiệp
  4. VnMedia.vn
  5. PetroTimes