Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH vừa làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát, Trưởng đoàn Công tác số 3 chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Báo cáo bước đầu của Tổ Công tác, Đoàn Công tác số 3 trong việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2021, Tổ trưởng Tổ Công tác Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: báo cáo chưa làm rõ và cụ thể hóa những chỉ đạo, giải pháp mà tỉnh đã đưa ra để “Chuyển dịch năng lượng”. Đồng thời đề nghị tỉnh báo cáo cụ thể hơn những thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp, tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học (cả trên cạn và dưới nước) và tình hình phát thải khí nhà kính. Trong đó làm rõ đóng góp của ngành năng lượng vào tổng phát thải của Việt Nam, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới; lộ trình dừng các nhà máy nhiệt điện than, rà soát, nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường hoặc loại bỏ các nhà máy cũ có hiệu suất thấp, không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ.

Cho ý kiến về vấn đề chuyển dịch năng lượng, cơ cấu năng lượng, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, mặc dù Quảng Ninh đang tiến hành việc chuyển dịch năng lượng từ nâu sang xanh nhưng lại chưa được thể hiện trong các quy hoạch năng lượng tái tạo, thậm chí chưa được đánh giá trong các quy hoạch về điện, phát triển điện, phát triển khí của Quốc gia, của Chính phủ. Đại biểu đặt câu hỏi, chủ trương chuyển đổi của Quảng Ninh như thế nào? Nếu không làm trước công tác quy hoạch, khi quy hoạch năng lượng Quốc gia được ban hành thì việc chuyển dịch của Quảng Ninh sẽ rất khó khăn.

Đánh giá cao Quảng Ninh với chiến lược phát triển toàn diện, đa mục mục tiêu, đa lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ băn khoăn: chiến lược phát triển năng lượng này có ảnh hưởng như thế nào với chiến lược phát triển du lịch gắn với kinh tế tăng trưởng xanh? Việc phấn đấu giảm tỷ lệ phát thải về 0 vào năm 2050 như thế nào cũng cần được Quảng Ninh cân nhắc, tính toán?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân quan tâm tới sinh kế, đời sống của hơn 110.000 công nhân ngành Than khi Quảng Ninh chuyển dịch năng lượng. Đại biểu cho rằng, chuyển dịch là xu hướng tốt, phù hợp với thế giới về tăng trưởng xanh, tuy nhiên, việc chuyển dịch năng lượng rồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên thu nhập của gần 1/3 dân số, tỉnh Quảng Ninh đã có lộ trình cũng như sự chuẩn bị như thế nào? Đại biểu đề nghị Quảng Ninh cho biết lộ trình đóng cửa 7 nhà máy nhiệt điện, cái nào trước và cái nào sau?

Đại biểu đặt câu hỏi: Sản lượng than Quảng Ninh đang khai thác là 45 triệu tấn/năm nhưng cũng chỉ mới đáp ứng 60 – 70% nhu cầu sản xuất điện, nếu Quảng Ninh có thêm hai nhà máy nhiệt điện than nữa thì kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Quảng Ninh sẽ theo hướng nào? Định hướng của Quảng Ninh sẽ trở thành một trung tâm cung cấp nhiên liệu và năng lượng quốc gia, thực tế hiện nay Quảng Ninh đang đi đầu về phát triển nhiệt điện, điện, than, trong thời điểm hiện nay có thể trở thành trung tâm của cả nước thì tốt, nhưng nếu sau này Quảng Ninh lại chuyển hướng phát triển xanh thì các nguồn năng lượng khác thay thế có giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm năng lượng mới được hay không?, Đại biểu Nguyễn Quang Huân băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Để việc kiểm soát các chất thải như tro bay, tro xỉ, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị tỉnh Quảng Ninh cho biết việc thu hồi như thế nào, lượng tro bay này có được kiểm soát về khí độc hại hay không? Bởi nếu trong tro bay có khí độc hại mà Quảng Ninh lại đưa ra tái chế, mang chôn lấp lại tiếp tục làm ô nhiễm tầng đất, nước, nước ngầm và ô nhiễm đất.

Hơn nữa, chất lượng khí thải của các nà máy nhiệt điện có được quan trắc cũng như đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 hay không? Đại biểu viện dẫn, Điều 91 của Luật bảo vệ môi trường 2020 yêu cầu kiểm kê nhiệt kính, việc kiểm kê khí nhà kính cũng được áp dụng từ 1/1/2022, vậy 7 nhà máy nhiệt điện của Quảng Ninh đã được tiến hành kiểm kê chưa và nếu có số liệu thì có đáp ứng được cái tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên & Môi trường hay không?

Cho rằng, Quảng Ninh là trung tâm năng lượng, có tầm quan trọng lớn nên việc chuyển dịch sẽ gặp những thách thức lớn, trong đó có vấn đề phát thải ra môi trường, chuyên gia Đào Nhật Đình, Ủy viên Thường trực Hội đồng khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh giải pháp: Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc có thể nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước là chôn lấp CO2 trong các cái mỏ khai thác hầm lò bởi việc chôn lấp CO2 sẽ bù được một phần chất thải ra môi trường.

Bổ sung vào quy hoạch năng lượng tái tạo của Quảng Ninh, chuyên gia Lê Công Thịnh, Viện Khoa học Năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, tỉnh mới phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời áp mái phục vụ điện sinh hoạt tại chỗ. Tuy nhiên, theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt thì đến năm 2050 tiềm năng năng lượng gió là 2500 MW và điện mặt trời là 2313 MW, do đó muốn phát huy tối đa nguồn năng lượng tái tạo và góp phần chuyển dịch năng lượng, tỉnh Quảng Ninh cần có kế hoạch triển khai đi trước một bước, ví dụ như là lựa chọn vị trí, lập kế hoạch sử dụng đất, đánh giá tiềm năng gió, đo gió để từ đó có lộ trình sử dụng năng lượng sạch, khi trên địa bàn tỉnh bắt đầu có thực hiện giảm phát điện của các nhà máy nhiệt điện theo cam kết COP 26.

Thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Quảng Ninh.

Khẳng định, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh là một trong những quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm, tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, việc phát triển về năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối và tiến tới là năng lượng thủy triều thì chưa rõ, khá là mờ nhạt. trong quy hoạch. Do vậy, đại biểu đề nghị Quảng Ninh có giải pháp định hướng gì trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cũng nhấn mạnh việc báo cáo của tỉnh Quảng Ninh phản ánh, các quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm được đổi mới, thiếu đồng bộ, có nhiều mâu thuẫn là thiếu sự đồng bộ. Đại biểu đề nghị Quảng Ninh viện dẫn cụ thể là tiêu chuẩn, quy chuẩn nào bởi Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ lại khẳng định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý năng lượng hầu hết là đảm bảo, đáp ứng yêu cầu đặt ra? Việc các địa phương, từ thực tiễn nhận thấy vướng mắc, bất cập, chồng chéo để kiến nghị sẽ giúp Đoàn Giám sát có thêm căn cứ để đề xuất các Bộ, ngành hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn,  quản lý, kiểm soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn một cách đồng bộ, bảo đảm việc thực hiện hiệu quả tại các địa phương

Khẳng định, an ninh năng lượng tốt sẽ giúp củng cố an ninh quốc gia, đảm bảo cho tiềm lực quốc phòng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Trần Đức Thuận quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng, từ khâu sản xuất, truyền tải, đến sử dụng đặc biệt là đảm bảo nguồn cung của năng lượng. Đại biểu nhấn mạnh, cần phải đảm bảo tốt, kể cả trong thời bình cũng như trong thời chiến cũng như trong những tình huống khẩn cấp.

Đại biểu cũng chia sẻ, tiết kiệm năng lượng cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Hiện Quảng Ninh có nhiều cái giải pháp, đề ra những các mục tiêu như giảm từ 1,5 – 2% sản lượng tiêu thụ điện. “Tôi cũng muốn biết các giải pháp cụ thể trong vấn đề hướng người dân trong việc tiết kiệm đến như thế nào. Tiết kiệm điện là ý thức ra khỏi phòng thì tắt điện, biện pháp này liên quan đến ý thức con người nhưng cũng cần có thiết chế để quy định”, đại biểu Trần Đức Thuận nêu quan điểm.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Khẳng định trong những năm tới, Quảng Ninh khi thực hiện các cam kết của COP26 sẽ là một thách thức, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: “Trong khi Quy hoạch 80 không phát triển nhà máy điện than, nhưng để đưa những nhà máy chưa hết thời gian khấu hao đạt yêu cầu về phát thải theo yêu cầu mới thì rõ ràng đây không hề dễ. Cho nên vừa qua tỉnh tập trung vào việc khuyến khích chuyện đưa các công nghệ phát thải đạt tiêu chuẩn châu Âu”

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, hơn 110.000 công nhân và những thợ mở tại Quảng ninh sẽ có cuộc sống tốt đẹp sau chuyển đổi năng lượng. Tỉnh sẽ chuyển đổi theo hướng năng lượng thân thiện môi trường nhưng vẫn giữ vị thế là trung tâm năng lượng quốc gia. Ông Nguyễn Xuân Ký quả quyết,  Quảng Ninh được xác định là một trong những trung tâm có thể phát triển điện gió, điện Mặt trời ngoài khơi, ven bờ đất biển rất hiệu quả, nếu cho làm, chắc chắn Quảng Ninh sẽ làm tốt vì lợi thế về hạ tầng. Đồng thời kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần có đánh giá tổng thể, mặc dù thực hiện cam kết theo COP26 nhưng cần phải đảm bảo an ninh năng lượng bởi: “Nếu xảy ra tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh, thì chắc chắn là xăng dầu ngoài khơi xa không biết như thế nào nhưng than chắc là vẫn phải chạy vào lò để đốt phục vụ cho sản xuất”.

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cũng kiến nghị Quốc hội sớm có những cơ chế, chính sách, nhất là về pháp luật để tạo đột phá, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời trên mặt biển, đặc biệt là khuyến khích được một cách lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư thực sự có an ninh kinh tế: “Chúng tôi rất mong Quốc hội quan tâm để Quảng Ninh vẫn là một trung tâm năng lượng quốc gia trong mọi hoàn cảnh, theo đúng nghĩa của nó, cả phần thiên nhiên ban tặng, cả ý chí con người, chúng ta xác lập trách nhiệm”.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn Công tác số 3.

Kết luận buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn Công tác số 3 cho rằng, việc thực hiện theo cam kết của COP26 có nhiều thách thức với Quảng Ninh, đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt các quy hoạch, tính toán để có quy hoạch phát triển năng lượng hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, chồng chéo của quy hoạch ngành than, quy hoạch rừng…

Phó Trưởng đoàn giám sát Bùi Văn Cường cho rằng, Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng khi có than, có điện khí, năng lượng gió nhưng cũng cần đánh giá năng lượng sóng biển (năng lượng thủy triều)… để thấy bức tranh toàn cảnh, tiềm năng, lợi thế của trung tâm năng lượng quốc gia trong thời gian tới. Đồng chí cũng đề nghị tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành các quy định theo thẩm quyền, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật như trong báo cáo của Tổ công tác. Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện các quy định thuộc thẩm quyền của địa phương liên quan đến ngành than, đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp phát triển năng lượng, công tác tổ chức, quản lý, tuyển dụng, đào tạo cán bộ cũng như nghiên cứu, kiến nghị điều chỉnh các chính sách về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, sử dụng mặt nước, mặt biển, các cơ chế, chính sách để chống đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm trong lĩnh vực năng lượng.

Trước đó, ngày 21/4, Tổ Công tác, Đoàn Công tác số 3 do Tổ trưởng Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dẫn đầu đã khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tại Công ty Xăng dầu B12, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, làm việc với Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh và các sở ngành liên quan. Qua khảo sát cũng nhận thấy, còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cùng nhiều vấn đề quan trọng khác./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam