Để giải quyết những vấn đề, nội dung cũng như những vướng mắc nêu ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực Tư pháp và Nông nghiệp, ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát các Bộ ngành đã triển khai như thế nào sau phiên chất vấn.
Ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25. Đây là phiên chất vấn thứ 4 được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội cân nhắc các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua và việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phiên họp này.
Xung quanh phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.
Phóng viên: Thưa đại biểu, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đại biểu có ý kiến như thế nào về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn chất vấn và trả lời chất vấn tại tại Phiên họp này?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Trong phiên họp thứ 25 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 lĩnh vực: Tư pháp và Nông nghiệp. Có thể khẳng định, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 nội dung lĩnh vực chất vấn trên là hoàn toàn thiết thực, mang tính thời sự cao bởi đây là những nội dung gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân.
Đối với lĩnh vực Tư pháp, những câu chuyện như chất lượng văn bản pháp luật chưa đảm bảo, còn chậm trễ và chồng chéo hay thậm chí liệu còn có lợi ích nhóm hay không là những băn khoăn cần được các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời.
Đối với lĩnh vực Nông nghiệp nổi lên là các vấn đề như: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, phương pháp trồng lúa nước, áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi giống cây trồng để giảm thải khí nhà kính nhằm thực hiện mục tiêu của Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP 26 là giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050… là những nhóm vấn đề cần các thành viên Chính phủ trả lời.
Phóng viên: Trong các nội dung được chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần này, đại biểu quan tâm đến những nội dung và có ý kiến, đề xuất như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Đối với lĩnh vực Tư pháp, tôi cho rằng, các Bộ trưởng cần đưa ra giải pháp để khắc phục được tình trạng văn bản chồng chéo, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội hay pháp lệnh bị chậm. Ngoài ra, có nhiều văn bản có tính kỹ thuật ban hành không được cao, chất lượng văn bản không được tốt, còn có sự chồng chéo. Thậm chí, có việc đưa lợi ích nhóm vào trong văn bản pháp luật cần được Bộ Tư pháp nắm bắt để rà soát kỹ lưỡng, xử lý kịp thời, chứ không phải chỉ để các cơ quan của Quốc hội thực hiện.
Đối với lĩnh vực Nông nghiệp, tôi quan tâm đến giải pháp xuất khẩu nông sản trong khi thị trường xuất khẩu hàng hóa đang bị co hẹp. Bởi nếu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không xuất khẩu được thì sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP, cuộc sống của nông dân sẽ gặp khó khăn.
Theo tôi, để giải bài toán xuất khẩu nông sản, sản phẩm nông nghiệp, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành khác tìm hiểu xem những điểm nghẽn trong xuất khẩu đang ở đâu để kiến nghị với Chính phủ có giải pháp tháo gỡ cũng như đưa ra Quốc hội hỗ trợ như thế nào.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn dựa vào xuất khẩu hàng hóa, mặt hàng nông nghiệp, thủy sản sang thị trường Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản. Tuy nhiên, khi tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động thì việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng ta phải nghĩ đến việc chuyển đổi nhanh sang các thị trường xuất khẩu khác. Ví dụ như thị trường Nam Mỹ hiện là thị trường tiềm năng về nhu cầu cá tra, cá ba sa, mặt hàng nông sản nên các Bộ ngành cần nghiên cứu việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, tôi quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Đối với nội dung này, theo tôi, nếu không áp dụng khoa học công nghệ hoặc không tuân thủ các quy trình vào khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản thì chúng ta tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Vì thế mà việc bỏ “thẻ vàng” sẽ gặp khó khăn.
Hiện nay, các nước đang phát triển hay trong Liên minh Châu Âu rất quan tâm đến việc nhập khẩu các sản phẩm sạch, không được gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân. Do đó, trong chế biến thủy sản, cơ sở chế biến, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc đúng quy trình. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ các quy trình của doanh nghiệp.
Đối với việc trồng lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần xem xét về diện tích trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao được năng suất cây trồng…
Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng, mong đợi như thế nào đối với các Bộ ngành trong việc giải quyết những vấn đề, nội dung cũng như những vướng mắc mà đại biểu quan tâm?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong thực tiễn cuộc sống. Tôi cho rằng, mỗi lần chất vấn các Bộ trưởng là cơ hội để các Bộ ngành giải trình trước Quốc hội, các đại biểu Quốc hội những khó khăn, vướng mắc để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Để giải quyết những vấn đề, nội dung cũng như những vướng mắc nêu ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn này đối với lĩnh vực Tư pháp và Nông nghiệp, Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát xem các Bộ ngành đã triển khai như thế nào. Tôi cũng kỳ vọng những công việc mà Chính phủ, các Bộ ngành thực hiện cũng như phải giải quyết cần có lộ trình báo cáo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội một cách rõ ràng, cụ thể hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!