Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam chia sẻ với DĐDN về Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
– Một trong 7 nhiệm vụ, yêu cầu tại Nghị quyết 41 là khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nghị quyết 41 sẽ được triển khai đồng bộ về phát triển cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Về nguyên tắc, nơi nào có dân thì nơi đó có đảng. Tuy nhiên, hiện nay tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh như doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI thường không có tổ chức đảng.
Chỉ những chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên mới chú trọng đến phát triển cơ sở đảng trong doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến nhận thức về đảng có sự khác biệt. Nguyên nhân Việt Nam thiếu vắng những doanh nghiệp lớn và phát triển bền vững là do không có chiến lược dài hạn.
Để doanh nghiệp có được chiến lược dài hạn thì phải gắn kết doanh nghiệp với sự phát triển chung của đất nước. Cũng như, Việt Nam muốn phát huy được sức mạnh dân tộc thì phải biết kết hợp với sức mạnh thời đại.
Chúng ta mong muốn một Việt Nam hùng cường nhưng không liên kết với bên ngoài thì rất khó thực hiện được kỳ vọng này. Doanh nghiệp không thể phát triển bền vững nếu chỉ “đi một mình”, không gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích quốc gia và cộng đồng.
Để hiểu và thấm tư tưởng “lợi ích của doanh nghiệp phải gắn liền với lợi ích quốc gia và cộng đồng”, người chủ doanh nghiệp phải nhận thức sâu sắc lý tưởng của một người đảng viên và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nếu không phát triển đảng trong các doanh nghiệp tư nhân thì người lãnh đạo doanh nghiệp đó sẽ không hiểu tư tưởng của Đảng và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo tinh thần Nghị quyết 41, tập trung công tác xây dựng đảng, bồi dưỡng cho các chủ doanh nghiệp tư nhân hiểu về đảng và vào đảng để hiểu và thấm nhuần quan điểm, đường lối, chủ trương, tư tưởng của Đảng và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Kinh doanh không có lý tưởng đồng nghĩa với không có tầm nhìn. Kinh doanh thiếu đạo đức có nghĩa chưa thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để doanh nhân nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong kinh doanh cũng như ứng xử của mỗi doanh nhân phải luôn suy nghĩ đạo đức, văn hoá doanh nghiệp đi liền với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới phát triển bền vững, gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích đất nước.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế
-Trong Nghị quyết 41 có nhấn mạnh đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được hình thành qua 3 giá trị cốt lõi. Thứ nhất, học thuyết Mác – Lê nin. Thứ hai, chủ nghĩa yêu nước gắn với tinh hoa văn hoá dân tộc. Thứ ba, kinh nghiệm quốc tế và văn hoá nhân loại như đạo giáo, đạo Khổng, đạo Phật và triết lý phương Tây…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bôn ba nhiều năm tháng ở nước ngoài để học hỏi văn minh nhân loại. Ba điều này tạo thành tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt có phần rất thấm đẫm đó là tư tưởng dân tộc và truyền thống văn hoá dân tộc.
Nếu doanh nhân không được bồi dưỡng đạo đức, không gắn góc nhìn đạo đức kinh doanh với góc nhìn dân tộc, góc nhìn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì không thể hiểu hết tư tưởng của Người để rèn giũa.
Muốn hiểu tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các doanh nhân phải được đứng vào hàng ngũ của đảng. Khi doanh nhân đã hiểu tư tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khi đó sẽ có chiều dài tầm nhìn tư duy để hành động thông suốt và nhất quán.
Khi doanh nhân đặt lợi ích quốc gia song trùng với lợi ích dân tộc thì lợi ích đó mới thật sự bền vững. Khi doanh nhân đã thấm đẫm tư tưởng, quan niệm, cách nhìn, định hướng rõ ràng về lý tưởng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh thì những hoạt động thi đua yêu nước là việc phải làm.
Đội ngũ doanh nhân là những người có học vấn cao và có vị thế, cho nên cách nhìn, đào tạo bồi dưỡng sẽ phải khác với các tầng lớp khác trong xã hội.
– Nghị quyết 41 cũng có đề cập đến việc nêu cao trách nhiệm xã hội, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, thưa ông?
Những doanh nhân thật sự mong muốn được cống hiến cho đất nước thì họ sẽ làm thực chất, nếu thấy có ý nghĩa sẽ tham gia.
Muốn đội ngũ doanh nhân tham gia các giải thưởng có chất lượng, thì việc đánh giá phải được tiến hành bài bản, nghiêm túc, bởi một tổ chức có thể là nhà nước hoặc tư nhân nhưng phải chuyên nghiệp, dựa trên nhiều thông số, đánh giá hàng năm phải được đưa vào dữ liệu quốc gia.
Không thể để tình trạng hôm nay trao giải ngày mai vi phạm đạo đức, như vậy các giải thưởng sẽ bị “nhạt nhoà”. Việc tôn vinh, biểu dương là hình thức khuyến khích kịp thời đội ngũ doanh nhân, nhưng có phát huy được tác dụng hay không còn tuỳ thuộc vào cách làm cụ thể.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp