Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, công nghệ số đóng vai trò then chốt.
Trong bài phát biểu tại Đại học Columbia nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 và làm việc tại New York (Hoa Kỳ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập đến thông điệp “Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Gần đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên nhắc đến các thông điệp: “Khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, đặc biệt là trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Kỷ nguyên được hiểu là một thời kỳ lịch sử trong tiến trình phát triển của quốc gia mà ở đó các nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược được hoàn thành, đánh dấu bằng những sự kiện tạo ra bước ngoặt, mở ra trang sử mới.
Mỗi kỷ nguyên, trước hết, do các yếu tố trong nước quyết định và chịu sự tác động của các chuyển động mang tính thời đại diễn ra trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đã nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam đã bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Theo ông Huân, trong kỷ nguyên này công nghệ số, chuyển đổi số đóng vai trò then chốt. Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.
Theo ông Huân, chuyển đổi số nền kinh tế đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Trong sản xuất, công nghệ số mới ngày càng phổ biến và khẳng định vai trò quan trọng như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Blockchain và tự động hóa.
Những công nghệ này đang thay đổi cách thức vận hành, quản lý của doanh nghiệp; hình thành mô hình kinh doanh số, thương mại điện tử; cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến,…
Chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật số giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và giá trị hàng hóa, mở rộng thị trường, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Đối với lĩnh vực xã hội, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp phát triển nhiều ứng dụng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, dịch vụ giáo dục, y tế, trở thành cầu nối giữa người dân với tổ chức nhà nước…
Sự thay đổi dễ dàng nhận thấy nhất là thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, người dân có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà, khám chữa bệnh thông qua sổ y tế điện tử, sử dụng ứng dụng đặt ô tô, xe máy,…
Ông Huân nhận định, trong bối cảnh này, AI nổi lên như một công cụ mạnh mẽ, định hình lại cách thức tổ chức, sản xuất, vận hành của các doanh nghiệp và xã hội. Nó còn là nhân tố chuyển đổi từ mô hình kinh tế dựa trên tài chính sang mô hình kinh tế dựa trên vốn dữ liệu. Tại đây dữ liệu sẽ trở thành “dầu mỏ”, tài nguyên quan trọng cho nền kinh tế.
“AI đã tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, thay thế con người trong một số công việc, giúp gia tăng hiệu quả, giá trị lao động. Lúc này người ta sẽ lo ngại AI sẽ dần thay thế vai trò của con người.
Tuy nhiên nếu đảo ngược tư duy, coi AI là công cụ, khai thác hiệu quả sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, việc làm mới. Đây cũng là xu hướng tất yếu, buộc chúng ta phải thích nghi”, ông Huân nói.
Nhìn lại thành tựu của kinh tế Việt Nam trong những năm qua, ông Huân khẳng định, kinh tế nước ta không chỉ phát triển vượt bậc mà còn có sức đề kháng tốt với những biến động lớn.
Lý giải về điều này vị đại biểu Quốc hội cho rằng, chính những điều kiện bất lợi lớn đã vô tình trở thành phép thử đối với “sức khỏe” của nền kinh tế.
Ông Huân đưa ra ví dụ như trong đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia ghi nhận hiện tượng suy thoái, tăng trưởng âm thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương.
Năm 2022, chúng ta tiếp tục ghi nhận tăng trưởng GDP đạt 8,02% và năm 2023 là 5,05%, quy mô nền kinh tế ước đạt 430 tỷ USD. Bước sang năm 2024, Quốc hội giao nhiệm vụ đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5% nhưng đến thời điểm hiện tại có thể về đích ở mức gần 7%.
Hay khi thế giới xảy ra những biến động chính trị, quân sự làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì Việt Nam nhanh chóng thích nghi, đảm bảo lưu thông hàng hóa, duy trì hoạt động xuất nhập khẩu.
Thậm chí tranh thủ thời cơ, chúng ta còn củng cố vai trò quan trọng vào chuỗi cung ứng thế giới trong một số lĩnh vực như lương thực, dệt may, linh kiện máy tính…
“Điều này cho thấy kinh tế chúng ta đã phát triển có chiều sâu, tự chủ. Đây là một tín hiệu đáng mừng”, vị Đại biểu Quốc hội khóa XV đánh giá.
Bước vào kỷ nguyên mới cũng là lúc Việt Nam đang tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập, trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới và điều này đã tạo ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nhân và doanh nghiệp.
Những năm qua, nước ta đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời trở thành đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia sở hữu nền kinh tế hàng đầu. Điều này đã mở ra cánh cửa rộng lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế, tiếp cận công nghệ, gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt cơ hội từ toàn cầu hóa để “cắm cờ” trên thị trường quốc tế. Song ông Huân cho rằng, càng mở cửa, cạnh tranh quốc tế sẽ càng gay gắt và đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá và năng lực quản trị.
Ông cho rằng trong bối cảnh mới, nếu cạnh tranh trong các lĩnh vực truyền thống vốn là thế mạnh của các quốc gia phát triển, sở hữu nguồn lực mạnh, dày dặn kinh nghiệm thì doanh nghiệp Việt hoàn toàn lép vế. Song đối với kỷ nguyên số hóa lại đem lại cơ hội rất lớn cho Việt Nam – một quốc gia có dân số đông, trẻ và năng động, có khả năng tiếp cận nhanh chóng với khoa học công nghệ.
“Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta bứt phá, tiến nhanh, tiến xa. Nếu như trước đây chúng ta phải đi sau thì trong bối cảnh cách mạng số Việt Nam có điểm khởi đầu giống các quốc gia khác, có thể đi song song thậm chí vượt trước nhiều quốc gia phát triển hơn mình, trong một số lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, Big Data, công nghệ phần mềm, công nghệ 5G…”, ông Huân đánh giá.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là sự chuẩn bị và chuyển mình trong mô hình kinh doanh, chuyển đổi số hóa; nghiên cứu làm chủ công nghệ; thu hút, đào tạo nhân sự chất lượng cao; trước khi thâm nhập thị trường cần có những bước nghiên cứu, xây dựng chiến lược cụ thể…
Sự thành công của doanh nhân, doanh nghiệp là đóng góp to lớn vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhắc lại thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, kỷ nguyên mới là một thời kỳ mới, gắn với những kế hoạch mới, quyết tâm đạt được những thành tựu lớn hơn so với ngày nay.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã bước qua nhiều kỷ nguyên và có những thắng lợi to lớn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, đã mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc.
Sau gần một thế kỷ bị đô hộ bởi thực dân Pháp dân tộc Việt Nam đã đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, khẳng định với thế giới Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Để giữ vững độc lập, tự do quân và dân ta phải thực hiện hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; đồng thời phải nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự kiện này cũng là dấu mốc quan trọng, khẳng định nhiệm vụ chiến lược của kỷ nguyên giành và bảo vệ độc lập, tự do đã được hoàn thành trọn vẹn.
Thống nhất đất nước, hòa bình là cơ sở để chúng ta tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song sau năm 1975, nền kinh tế rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn do hậu quả của chiến tranh. Sau đó là quãng thời gian “dò đá qua sông” kéo dài khoảng 10 năm, chưa tìm được mô hình phát triển đúng đắn, phù hợp với bối cảnh xã hội.
Ông Thịnh cho rằng, lúc đó chúng ta đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào phát triển kinh tế nhờ điều kiện, lợi thế sẵn có của đất nước, điều kiện kinh tế của hai miền Nam – Bắc. Nhưng rất tiếc rằng hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ không thuận lợi, khối xã hội chủ nghĩa rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khủng hoảng.
Mỹ và một số quốc gia đồng minh thực hiện cấm vận kinh tế với Việt Nam. Trong nước, chiến lược phát triển kinh tế dựa trên cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp không đem lại hiệu quả rõ rệt.
Từ tháng 12/1986, Đảng, Nhà nước đã thực hiện công cuộc đổi mới đất nước toàn diện, công nhận nền kinh tế nhiều thành phần, thu hút đầu tư nước ngoài,… nhờ đó tình trạng khủng hoảng kinh tế từng bước được tháo gỡ.
Từ một quốc gia cung không đủ cầu, Việt Nam đã dần tự chủ, trở thành nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Đến năm 2010, Việt Nam đã thoát khỏi tình cảnh là quốc gia có thu nhập thấp để vươn mình trở thành đất nước có thu nhập trung bình.
Sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế vỏn vẹn 26,3 tỷ USD. Đến nay kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD (Số liệu năm 2023), GDP bình quân đạt 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD – mức cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay; lạm phát luôn được kiểm soát ở ngưỡng an toàn.
Giai đoạn hiện nay chúng ta dần thay đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng sang nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu.
Nếu như trước đây, để tạo nguồn lực phát triển chúng ta phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên là khoáng sản, than, dầu mỏ…; tài nguyên con người là lực lượng lao động giá rẻ; phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng đây là những tài nguyên có giới hạn.
Vì thế, ở thời kỳ mới Việt Nam phải chuyển hướng sang nền kinh tế dựa vào khoa học kỹ thuật hiện đại; đào tạo và sử dụng lao động chất lượng cao; hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị lớn…
Cũng theo ông Thịnh, kinh tế Việt Nam cần trải qua một thử thách lớn khác, đó là bẫy thu nhập trung bình.
Đây là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới khi chạm đến ngưỡng thu nhập trung bình cao thì tốc độ tăng trưởng chậm lại, phải đối mặt với nhiều vấn đề như: Già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt… Số lượng quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển không nhiều.
Có thể lấy ví dụ, bốn “con rồng châu Á” là Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore được coi là đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình vào những năm cuối thế kỷ 20.
Tuy nhiên họ đã mất 25-30 năm nỗ lực để đạt được mức thu nhập cao. Cũng trong khoảng thời gian đó, những quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines lại chưa thể vượt qua.
“Còn khoảng 16 năm để chúng ta bứt phá, vươn mình thành quốc gia phát triển. Điều này phù hợp với mục tiêu của Đảng, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, ông Thịnh nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kỷ nguyên mới đã có những dấu hiệu sớm từ những năm 2018, 2019 và thể hiện rõ nét nhất vào cuối năm 2024, 2025 khi cơ sở hạ tầng kinh tế Việt Nam được hoàn thiện theo hướng hiện đại.
Để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới và đạt được những con số, mục tiêu đề ra, trước mắt chúng ta cần chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.
Đầu tiên là chính sách của Đảng và Nhà nước cần xây dựng kế hoạch, tầm nhìn chiến lược mới, trong đó chỉ rõ các mục tiêu về kinh tế, xã hội; học tập, áp dụng linh hoạt kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng, gần với thực tiễn Việt Nam.
Về mặt con người, theo ông Thịnh cần đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Nhân lực chất lượng cao từ đội ngũ quản lý nhà nước đến lực lượng tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu, lao động sản xuất và đây không phải công việc một sớm một chiều mà cần có chiến lược đào tạo cụ thể theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế.
Về cơ sở hạ tầng kinh tế như hệ thống truyền tải điện, đường xá, khu công nghiệp, cầu cảng,… theo ông Thịnh cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, kết nối, hiện đại.
Trong những năm gần đây, vấn đề này được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Bằng chứng là hàng loạt các dự án đang thực hiện như: Sân bay quốc tế Long Thành, dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đường dây điện 500kV và sắp tới là dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến khởi công vào năm 2027,…
Song song với đó là phát triển hạ tầng khoa học kỹ thuật số với các trọng tâm là hạ tầng viễn thông – internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tiện ích và số hóa dịch vụ,…
Việc phát triển mô hình kinh tế, theo ông Thịnh cần lưu tâm đến các lĩnh vực kinh tế mới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; đầu tư vào ngành dịch vụ mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,… khoa học kỹ thuật, công nghệ cao sẽ làm tăng năng suất, giá trị lao động.
“Đây là yếu tố quyết định sự thay đổi của kỷ nguyên mới, nhờ đó, Việt Nam từng bước nâng cao vị thế, có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, hoàn thành các mục tiêu trong kỷ nguyên mới sắp tới”, ông Thịnh nói.
Cùng chung quan điểm với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Đại tá Phạm Trường Dân, Đại biểu Quốc hội khóa 13, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam” mang ý nghĩa rộng lớn, vì con người và được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt, thông điệp này có tác động rất lớn trong xã hội, nâng cao hình ảnh của đất nước, nền kinh tế Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ông Dân cho rằng thực tế vấn đề phát triển kinh tế cần đi đôi với bảo vệ an ninh kinh tế, chống tham nhũng, chống lãng phí.
Theo ông Dân, nếu làm tốt được chống lãng phí cũng chính là chống được tham nhũng. Để thực hiện hiệu quả việc chống lãng phí cần cụ thể hóa bằng hành động cụ thể như tổ chức cho đảng viên đi nghiên cứu, học tập, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ.
“Bảo vệ kinh tế tốt thì phát triển kinh tế tốt và ngược lại, mình phải làm sao hài hòa giữa kinh tế và quốc phòng an ninh.
Quốc phòng an ninh tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và kinh tế phát triển phải bù đắp lại xây dựng quốc phòng an ninh mới giữ cho đất nước trọn vẹn theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, ông Dân bày tỏ.
Ông cho rằng, việc Việt Nam tiến vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” ngoài những vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội còn là phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng. Đặc biệt hệ thống giao thông dọc đất nước phải được đầu tư đồng bộ, thông suốt, hiện đại từ đường biển đến đường bộ, đường hàng không và đường sắt tốc độ cao sắp được xây dựng.
Theo quan điểm của ông Dân, đất nước ta giữ vững được ổn định về an ninh, chính trị để tập trung phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh.
“Kinh tế của nước ta có những điểm mạnh, điểm yếu nhưng tình hình an ninh, chính trị luôn ổn định là một trong những thế mạnh so với các nước khác và được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè năm châu”, Đại tá Dân nói.
Nguồn: Báo Dân trí