[TH Quốc hội] Tháo gỡ điểm nghẽn – khơi thông dòng chảy hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, bên cạnh việc đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, cũng cần tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

Với quan điểm xây dựng pháp luật, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn”, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là đích đến của kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chỉ đạo tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” về công tác xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư Tô Lâm được coi là đột phá về tầm nhìn. Định hướng quan trọng, tầm nhìn rộng lớn của người đứng đầu Đảng cho thấy, chỉ có đổi mới công tác lập pháp mới có thể tạo ra bước đột phá về thể chế, để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khi người dân, doanh nghiệp là trung tâm của mọi quyết sách, là khi ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng dựng xây đất nước.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Ngay trong Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dự kiến tiếp tục thông qua 15 dự luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật, trong đó có 1 luật sửa 3 luật trong lĩnh vực đầu tư, 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản và có cả những dự án luật rất mới, phù hợp với xu thế phát triển như Luật Dữ liệu và Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đặc biệt, đối với những dự án luật được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 8, trong quá trình thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chỉ đạo “luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”. Từ chỉ đạo đó, dự án Luật Nhà giáo từ 71 điều ban đầu, đã rút gọn còn 45 điều mà vẫn giữ nguyên được tinh thần cốt lõi của dự luật. Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) ban đầu cơ quan soạn thảo trình gồm 11 chương và 96 điều, đến thời điểm này đã rút xuống còn 9 chương, 89 điều.

Đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất thường là các dự án công nghiệp với mức đầu tư lớn, do đó nếu chính sách không đồng bộ, không có các quy định tiêu chuẩn quy chuẩn rõ ràng sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Khi lấy ý kiến vào dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), doanh nghiệp lo lắng khi quy định về khoảng cách an toàn, đặc biệt với khu dân cư thể hiện tại Điều 62, Chương 6, bởi nếu luật thực thi, doanh nghiệp sẽ gặp khó khi buộc phải di dời nhà xưởng.

Trong báo cáo tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ Công Thương khẳng định sẽ nghiên cứu sửa đổi theo hướng không áp dụng quy định về khoảng cách an toàn đối với các doanh nghiệp hoạt động đang hiện hữu. Thực tế đã cho thấy sự đổi mới rõ nét trong quá trình xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), sau nhiều lần lấy ý kiến, thẩm tra luật, luật đã giảm 2 chương, 7 điều so với ban đầu. Sự đổi mới này cũng được các chuyên gia ghi nhận, đánh giá cao.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phải tiếp tục nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ soạn thảo luật, đánh giá kỹ tác động chính sách. Đồng thời, muốn khuyến khích đổi mới sáng tạo thì phải làm luật khung. Còn nếu luật quá chi tiết thì lại không đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành. Do đó, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không nên quy định trong luật, cần xây dựng luật theo hướng ngắn gọn, cụ thể nhưng không quá chi tiết. Đây cũng chính là một trong những yêu cầu mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra trong văn bản ngày 29/10 về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

ĐBQH guyễn Quang Huân – Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có những chia sẻ với Truyền hình Quốc hội, xung quanh vấn đề này. Cùng xem thêm chi tiết ở video:

Nguồn: Truyền hình Quốc hội