(CLO) “Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý những cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp” – Đó là ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính Phủ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, chủ đề “đồng hành cùng doanh nghiệp” được tổ chức ngày 17.5 vừa qua tại Hà Nội. Đã có 16 ý kiến phát biểu của doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước tại Hội nghị và có khoảng 30 tham luận nữa đã được gửi bằng văn bản về văn phòng Chính phủ. Báo Nhà báo và Công luận xin trích dẫn một số những kiến nghị của doanh nghiệp trong Hội nghị lần này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Đề nghị việc giải quyết các kiến nghị trên tinh thần “đồng hành”
Chúng tôi đề nghị, sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị thúc đẩy Nghị quyết 35, trong đó làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần đạt được trong năm nay, đồng thời nêu rõ thời hạn chót cần thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của các ngành các cấp trong khâu thực hiện và có chế tài để bảo đảm thực thi vì mỗi năm nên có một chỉ thị như vậy. Chúng tôi cũng đề nghị, sớm tổng kết và nhân rộng các thực tiễn tốt, những mô hình và công nghệ cải cách ở các Bộ ngành và địa phương.

 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

 

Vì Hội nghị lần này diễn ra với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”, chúng tôi đề nghị việc giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp cũng phải trên tinh thần đó. Tránh tình trạng nhiều cơ quan, bộ ngành địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp theo cách chỉ “giải thích mà chẳng giải quyết”, không đi với doanh nghiệp đến cùng để đề xuất, kiến nghị bổ sung sửa đổi các quy định pháp luật đã thấy rõ là không còn phù hợp và không vận dụng các quy định pháp luật theo hướng có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp chứ không đẩy khó khăn về doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng, trên 180 kiến nghị mà chúng tôi gửi kèm theo Báo cáo của VCCI và các kiến nghị tiếp theo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được giải quyết với tinh thần như vậy.

 

Ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (Halcom):

Đề nghị được tạo điều kiện phát triển hội viên và cơ sở ở các địa phương
Phát triển kinh tế tư nhân được Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ rất quan tâm. Nhân Hội nghị này, thay mặt Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam, tôi xin có mấy kiến nghị kính trình Thủ tướng xem xét. Một là, Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chỉ có thể thực sự phát triển khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường. Mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ chỉ có thể đạt được khi quyết tâm “Quốc gia khởi nghiệp” thực sự đi vào cuộc sống; đồng thời cần chuyển các hộ kinh doanh cá thể sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra cần có chính sách trong thời gian chuyển tiếp từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp với việc giảm nhẹ chi phí liên quan đến tuân thủ chế độ kế toán, quản trị doanh nghiệp và nới rộng quyền kinh doanh. Hội doanh nhân Việt Nam xin tình nguyện và mong Thủ tướng xem xét giao cho nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện đề tài: “Chuyển các hộ kinh doanh cá thể sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp”.

 

Ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam,
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (Halcom)

Hai là, Kinh tế tư nhân chỉ thực sự phát triển bền vững khi các chủ doanh nghiệp hiểu rõ về đường lối chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể thực sự hội nhập quốc tế và phát huy hiêu quả trong điều kiện Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới khi cộng đồng doanh nhân Việt Nam được nâng cao nhận thức và trình độ cả về chính sách, pháp luật và các tiêu chuẩn liêm chính của quốc tế. Với sứ mệnh của mình, Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam sẵn sàng là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với tất cả các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân kể cả các hộ kinh doanh cá thể toàn quốc; sẵn sàng tổ chức đào tạo, truyền thông để cộng đồng doanh nhân không ngừng nâng cao nhận thức về chính sách của Đảng, Pháp luật nhà nước và các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh quốc tế; đồng thời sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nhân để báo cáo kịp thời với Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, tạo thêm một kênh thông tin hữu ích giúp Đảng và Chính phủ xây dựng các chính sách và quyết sách trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Để làm được điều này, Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện và cho phép phát triển hội viên và các cơ sở ở các địa phương trong toàn quốc, bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể.

 

Doanh nhân Thân Thục Quyên – Giám đốc chuỗi khách sạn Sanouva Đà Nẵng – Thành phố Hồ Chí Minh:

Đề nghị có chính sách phát triển đồng bộ, đa dạng các sản phẩm du lịch
Là một trong những doanh nhân trẻ được vinh dự được tham gia hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, chủ đề “đồng hành cùng doanh nghiệp”, kiến nghị của tôi tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch. Trước hết, nói đến du lịch tức là thỏa mãn 4 nhu cầu chính của du khách: lưu trú, đặc sản địa phương; dịch vụ giải trí và mua sắm. Bốn nhu cầu trên sẽ có tác động đến các ngành kinh tế, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Được biết, Chính phủ đang chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ phục vụ cho xuất khẩu nông sản mà trực tiếp phục vụ cho du lịch. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ có chính sách phát triển đồng bộ, thống nhất, đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó có các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền. Các ngành kinh tế cần phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một quỹ đạo chứ không nên là sự phát triển rời rạc và mạnh ngành nào ngành ấy lớn. Như vậy, ngành du lịch Việt mới thực sự phát triển xứng tầm trong vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

 

Doanh nhân Thân Thục Quyên – Giám đốc chuỗi khách sạn Sanouva Đà Nẵng – Thành phố Hồ Chí Minh

Về chính sách, tôi đề nghị không nên duy trì chính sách ưu tiên cho công nghiệp hơn dịch vụ du lịch. Ví dụ sự phân biệt giữa giá thuê đất, giá điện giữa du lịch với sản xuất công nghiệp, một số ngành công nghiệp thậm chí còn bao cấp giá điện trong khi đó bán giá điện cao hơn đối với ngành du lịch để bù lỗ cho công nghiệp… Vì vậy, tôi cũng mong muốn Chính phủ xem xét lại giá thuê đất, giá điện đối với các cơ sở lưu trú giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt đối với du lịch của các nước trong khu vực.
Hà Vân (ghi)

Link trên báo Công Luận: http://congluan.vn/dieu-doanh-nghiep-muon-noi/