Doanh nhân là người hàng ngày, hàng giờ trực tiếp sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho nền kinh tế. Bằng trải nghiệm thực tiễn, cọ sát trên thương trường, tiếng nói của doanh nhân sẽ là những đóng góp hiệu quả trong công tác lập pháp và xây dựng chính sách. Vì vậy, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong những quyết sách quan trọng của Quốc hội lại càng cần được coi trọng. Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân – doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV về vấn đề này.
– Trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV vừa là niềm vinh dự cũng là trách nhiệm lớn lao đối với cử tri cả nước, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huân: Tôi được trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đây là niềm vinh dự của bản thân, cũng là vinh dự của người đại diện của tổ chức, đại diện cho hội và nơi tôi đang công tác. Thực chất tôi nhận thức đây là một trách nhiệm rất lớn đối với đối với Đảng và Nhà nước, đối với nhân dân và cử tri cả nước.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV

Khi tôi được tham gia hoạt động trong Quốc hội thì không còn đơn thuần là đang làm một kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, không phục vụ cho lợi ích cụ thể cá nhân nào mà đó là bình diện của cả quốc gia. Vì vậy, khi lần đầu tiên được tham gia vào một diễn đàn lớn như vậy, tôi cảm thấy mình gánh vác trách nhiệm vô cùng nặng nề. Nhưng tôi sẽ nỗ lực, mang hết sức mình để hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu dân cử, người đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri.

– Trách nhiệm của người đại biểu dân cử sẽ rất khác với trách nhiệm của một doanh nhân, ông nhận định thế nào về điều này ?

Ông Nguyễn Quang Huân: Theo tôi, việc kinh doanh và hoạt động chính trị hoàn toàn là hai lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều là một tế bào của xã hội, nếu như nhìn từ quan điểm triết học thì cái riêng bao gồm cái chung và cái riêng cũng sẽ có những đặc thù phản ánh nhất định của cái chung. Ví dụ như doanh nghiệp có thể coi là một xã hội thu nhỏ trong một chừng mực nào đó gồm có nhân viên, đối tác, bạn hàng… phải giải quyết các mâu thuẫn, phải lập kế hoạch và trong quá trình phát triển cũng không thể nào nằm ngoài quy luật phát triển chung của cả xã hội. Vì vậy, mặc dù việc quản lý doanh nghiệp là rất nhỏ khi so sánh với quản lý quốc gia nhưng đây cũng là những kinh nghiệm, bài học thực tế mà tôi đã được tích lũy nhiều năm. Tôi hoàn toàn có thể đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Quốc hội Khóa XV có 499 đại biểu trúng cử và mỗi đại biểu đều có một thế mạnh nhất định, không thể đại biểu nào đều có thể hiểu hết tất cả các lĩnh vực trên bình diện quốc gia lớn như thế. Tuy nhiên, nếu các đại biểu cố gắng làm tốt vai trò của mình với hiểu biết sâu sắc nhất trong các lĩnh vực mà mình được nghiên cứu, cùng với một lòng mong muốn phục vụ đất nước, thì tôi nghĩ là kết hợp lại tất cả sức mạnh của 499 đại biểu sẽ tạo nên sức mạnh chung của cả Quốc hội.

– Lãnh đạo doanh nghiệp ông có nhiều điều phải lo, phải lắng nghe trên thương trường. Vậy ông sẽ làm gì để hoàn thành tâm nguyện và lời hứa với cử tri khi tham gia ứng cử ĐBQH Khoá XV ?

Ông Nguyễn Quang Huân: Khi đã nêu chương trình hành động và đã hứa trước cử tri, tôi nghĩ là đại biểu nào cũng phải cố gắng nhớ lấy và phải hết sức mình thực hiện cho bằng được. Trách nhiệm, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội được thể hiện ở ba lĩnh vực. Một là, tham gia đóng góp xây dựng chính sách pháp luật. Hai là, giám sát tối cao và ba là, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Góc nhìn của doanh nghiệp là góc nhìn thực tế mà không phải là góc nhìn của các nhà nghiên cứu hàn lâm khoa học. Người quản lý doanh nghiệp là người hàng ngày, hàng giờ trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh đóng góp cho nền kinh tế của đất nước. Cho nên những chính sách mà người điều hành doanh nghiệp tham gia góp ý sẽ mang tính cụ thể, sát với thực tế nhiều hơn và các giải pháp đưa ra cũng sẽ khả thi hơn.

Ngoài ra, mỗi khi ban hành luật hay chính sách nào đó thì bao giờ cũng có độ trễ và độ trễ sẽ được áp dụng theo thực tế nên nếu với góc nhìn doanh nghiệp, tôi nghĩ khi tham gia đóng góp cho cho chính sách, đặc biệt là những lĩnh vực mà tôi được đào tạo thì sẽ có những cái lợi thế nhất định.

Còn trong quá trình giám sát, ngoài những điều đã quy định bằng pháp luật thì với những trải nghiệm thực tiễn trong vai trò quản lý doanh nghiệp khi thực hiện công tác giám sát sẽ thấy được nhiều điều sát với thực tế nhất. Thực chất giám sát không phải là chúng ta đi tìm những điểm yếu để chỉ trích mà là cùng các bên ngồi lại, làm cho đúng, thực hiện cho đúng và có ích cho dân, có lợi cho nước thì ta làm.

Đồng thời cũng sẽ có những kiến nghị ngược lại trong quá trình giám sát đối với những luật, chính sách chưa phù hợp, kịp thời kiến nghị đến Quốc hội hay các cơ quan hữu quan để thay đổi phù hợp hơn, tạo thể chế phát triển sát thực tiễn với tình hình cuộc sống mới, thực tế mới.

– Cảm nhận của ông như thế nào về sự thay đổi của đất nước như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay” khi vừa là người trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời cũng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước ?

Ông Nguyễn Quang Huân: Tôi cũng có may mắn được trải qua một thời kỳ có thể nói là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước sau giải phóng, trước thời kỳ đổi mới. Sau này tôi có điều kiện, tôi được sang Phần Lan học tập và từ Phần Lan muốn xin visa sang các nước lân cận như Lit-va hoặc là Thụy Điển rất khó khăn. Trong thời gian đó, các nước rất sợ sinh viên Việt Nam đi đến thăm quan và ở lại. Tôi nhớ mãi hình ảnh mà khi đến sân bay của Đức, người ta kiểm tra hành lý với khuôn mặt đầy ngờ vực. Những năm 90 công dân nước mình xin visa đi các nước Đông Âu hay Thụy Điển còn khó, nhưng năm 2010 tôi được cấp visa sang Mỹ rất dễ dàng. Hiện nay, tôi thấy công dân nước mình xin visa đi các nước cũng thuận lợi.

Những hình ảnh đó cho thấy vị thế của Việt Nam mình chỉ trong vòng hơn 10 năm đã khác xa nhau rất nhiều. Chưa kể đến từ thời điểm năm 2010 đến bây giờ là năm 2021 thì lại là một vị thế khác nữa. Việt Nam đang từ quốc gia mà thu nhập bình quân đầu người trước năm 1990 chưa được 100 USD/người/năm thì chúng ta bây giờ đã đạt khoảng tầm 3.000 USD/người/năm. Đây là bước tiến rất dài.

Đó là những điều khi tôi nhìn về xã hội, nhìn về con người nói riêng còn trên bình diện quốc gia thì nước ta đã trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Năm 2020 chúng ta đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN (28/7/1995-28/7/2020) và cũng đảm nhận Chủ tịch của Hiệp hội ASEAN. Tiếp đến, nước ta cũng tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) rất thành công. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định từ các lĩnh vực chính trị kinh tế, xã hội… trong vòng 20 năm qua đã phát triển vượt bậc. Cùng với đó, chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm chính sách an sinh xã hội gắn với tiến bộ và phát triển xã hội, với những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội bền vững, hiệu quả hơn.

Nhận xét của Tổng Bí thư là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên vì vậy mà chủ quan, lơ là. Cũng như Tổng Bí thư thường nhắc tới là chúng ta đừng nên ngủ quên trong chiến thắng.

Chúng ta đã có một bước tiến có thể gọi là bước tiến rất lớn, một bước tiến rất dài để có vị thế như ngày hôm nay, nhưng chúng ta vẫn cần phải tiếp tục thay đổi để bắt nhịp được với trào lưu chung của thế giới, đặc biệt những nước phát triển. Chúng ta cần phải xây dựng một chuẩn mực quốc gia để chuẩn mực quốc gia có thể hòa quyện hoặc cùng chung với các chuẩn mực quốc tế thì vị thế của Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa, tốt hơn nữa.

– Xin trân trọng cảm ơn ông !

Video nội dung trao đổi của phóng viên với ông Nguyễn Quang Huân: LINK

Nguồn: báo Đại biểu Nhân dân