Hiện nay, Công ty CP Halcom Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam với nhiều lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng bền vững. Đến nay, đơn vị đã triển khai hàng chục dự án trong lĩnh vực cấp thoát nước, dự án giao thông, đặc biệt là năng lượng tái tạo (NLTT). 

Để có được thành công như ngày hôm nay, là sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, nhân viên, đặc biệt là cá nhân ông Nguyễn Quang Huân. Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam.

– Vì sao Halcom Việt Nam chọn NNLTT là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để đầu tư, phát triển, thưa ông?

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Halcom Việt Nam đã hướng tới phát triển hạ tầng như cấp thoát nước, giao thông và NLTT. Trong quá trình phát triển, Halcom Việt Nam đã triển khai nhiều dự án về NLTT đúng như định hướng ban đầu. Sở dĩ, chúng tôi đầu tư mạnh về NLTT vì đây là lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều ưu thế. Trong khi đó, dù phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo phát triển xã hội, đảm bảo an toàn môi trường, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm cho người dân. So với các ngành năng lượng khác như nhiệt điện, thủy điện,… thì NLTT đáp ứng yêu cầu mà chúng tôi đặt ra. Do đó, NLTT là một trong những lĩnh vực mà mà Halcom Việt Nam đã lựa chọn và triển khai.

ĐBQH, doanh nhân Nguyễn Quang Huân

– Thưa ông, ngành NLTT ở Việt Nam hiện có những khó khăn, bất cập gì? Chính sách cần thay đổi như thế nào để khắc phục những khó khăn đó?

Có thể nói, ngành NLTT rất thân thiện với môi trường, bởi không gây hiệu ứng nhà kính, không xả thải ra môi trường, tác động ra môi trường ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đầu tư phát triển NLTT gặp rất nhiều khó khăn do ngành NLTT Việt Nam còn non trẻ. Nếu xét về mặt chính sách thì vẫn còn ở giai đoạn vừa làm vừa điều chỉnh. Nếu nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì còn rất nhiều những bức xúc. Ví dụ, về chính sách vẫn ở tầm nhìn không dài hạn, khuyến khích nhưng thay đổi liên tục; quy hoạch thì đưa ra nhưng không theo hoặc phá vỡ quy hoạch như quy hoạch điện mặt trời. Đặc biệt, việc đầu tư ngành điện là rất lớn, nhưng nhà nước chưa có chính sách phù hợp thu hút tư nhân tham gia dẫn đến lãng phí nguồn lực. Với sự bất ổn định đó sẽ làm cho các doanh nghiệp lúng túng.

Để thu hút được đầu tư, cũng như tạo điều kiện để NLTT phát triển, tôi cho rằng, chính sách chúng ta đưa ra phải dài hạn. Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải có tầm nhìn 10 năm thì chính sách của nhà nước phải 20 – 30 năm. Tất nhiên, trong qua trình thực hiện, nhà nước vẫn có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tế. Tuy nhiên, nhà nước phải có chính sách để tất cả các thành phần kinh tế, nguồn lực xã hội phải nhìn thấy hướng đi rõ ràng để họ có thể chuẩn bị cho một tương lai bền vững hơn.

Nhìn lại điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, thay vì nghiên cứu giải pháp nhằm khuyến khích NLTT thì chính sách lại đang quay lại truyền thống với điện than với không ít hệ lụy về môi trường và rất nhiều bất cập khác trong tương lai. Một ví dụ điển hình, từ QHĐ VII đến bây giờ QHĐ VIII thì giá than đã tăng lên rất nhiều lần. Vậy, ai dám khẳng định tầm nhìn 10 năm nữa điện than sẽ rẻ hơn điện gió và điện mặt trời, trong khi đó nguồn NLTT lại chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước?

Tại Halcom Việt Nam, phát triển NLTT hoặc điện rác, với tư cách Đảng viên và Chi bộ được phổ biến theo Nghị quyết 55/NQ-CP (NQ 55), chúng tôi sẽ bám sát tư tưởng, tinh thần nghị quyết để triển khai. Những chính sách của Bộ Công thương vừa qua có thể đi chậm, chưa thoả mãn với yêu cầu thực tế. Nhưng phải tin tưởng rằng NQ 55 sẽ phải được thực hiện, vậy doanh nghiệp phải đưa ra được kế hoạch đón đầu khi NQ 55 triển khai thực tế vào đời sống.

ĐBQH, doanh nhân Nguyễn Quang Huân: 4 yếu tố để doanh nghiệp phát triển bền vững
4 YẾU TỐ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

– Theo ông, để doanh nghiệp phát triển bền vững cần nhưng yếu tố gì?

Để doanh nghiệp phát triển bền vững cần nhiều yếu tố. Cá nhân tôi cho rằng, có 4 yếu tố chính. Trong đó, quan trọng nhất là Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Họ phải đưa ra được tầm nhìn, từ đó có những chiến lược dài hơi. Từ chiến lược tầm nhìn đó phải triển khai ra các kế hoạch, giám sát xem có thực hiện đúng những vấn đề đã đề ra hay không.

Trong quản trị ở tầm cao của doanh nghiệp, nếu lãnh đạo không có trình độ kiến thức nhất định về quản trị khoa học thì sẽ bị rối. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải trang bị cho mình kiến thức quản trị khoa học. Nếu không, sẽ bị hổng ngay từ bước đầu về việc xác định chiến lược và lập kế hoạch dài hạn, tiềm tàng rủi ro cho doanh nghiệp ngay từ đầu.

Vấn đề nữa là quản trị nhân sự. Doanh nghiệp luôn phải tuân theo quy hoạch vận động. Đầu tầu đi đến đâu thì toa tàu phải theo hướng đấy nếu không thì sẽ đứt dây.

Tiếp đó, là vấn đề về quản trị tài chính. Thực tế, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đã khó, nhưng vận hành nó còn khó hơn nhiều. Nếu doanh nghiệp không có người quản trị tài chính giỏi thì không thể luân chuyển dòng tiền thì hiệu quả sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Một vấn đề cũng quan trọng không kém là quản trị Marketing. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ít để ý đến khía cạnh này, nhưng thực tế nó là một yếu tố rất quan trọng. Trong doanh nghiệp, nếu PR nội bộ không tốt thì cán bộ, công nhân viên không hiểu tư tưởng, cách làm của người lãnh đạo. Khi đó, họ sẽ làm như một cái máy và tính sáng tạo không có. Bên ngoài, nếu marketing phù hợp, đối tác, bạn hàng, cộng đồng, chính quyền hiểu, nắm rõ thông tin thì họ sẽ ủng hộ và hợp tác, giúp nâng cao hình ảnh doanh nghiệp. 

Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò lớn trong sự phát triển, thành công của doanh nghiệp

– Vậy, ông đánh giá văn hoá doanh nghiệp tác động như thế nào đến sự phát triển của doanh nghiệp?

Như đã phân tích, nếu xếp 4 vấn đề trên (gồm Ban lãnh đạo, quản trị nhân sự, quản trị tài chính và quản trị marketing) là hàng ngang và là phần cứng thì hàng dọc chính là văn hoá doanh nghiệp và đây cũng là phần mềm.

Văn hóa doanh nghiệp sẽ xuyên suốt các mảng từ tầm nhìn chiến lược, quản trị nhân sự, quản trị tài chính và quản trị marketing. Văn hoá doanh nghiệp sẽ tác động vào tất cả các khâu, nó chính là sự gắn kết của từng mắt xích trong tổ chức. Nếu văn hoá doanh nghiệp tốt thì nhân viên có thể tham gia vào việc ra chiến lược, chính là tiếng nói phản biện, phát huy dân chủ để nghe ý kiến đóng góp của từng thành viên trong tổ chức. Từ đó, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. 

Phần cứng và phần mềm phải song hành nhau mới tạo nên một doanh phát triển bền vững.

TỔ CHỨC ĐẢNG TRONG DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN RẤT CÓ ÍCH

– Là Đảng viên, ông đánh giá như thế nào về vai trò tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân?

Vào Đảng là nguyện vọng, mong ước của nhiều tầng lớp nhân dân. Khi kết nạp vào đảng, người đảng viên phải tuyên thệ, tức sống phải có lí tưởng, phục sự đất nước, trung thành với tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân. Nếu làm kinh doanh và tiếp cận được với những giá trị đó thì rất nhân văn và được xã hội, cộng đồng tôn trọng. Nó cũng là một trong những yếu tố cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

Tổ chức Đảng có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp

Tôi cho rằng, nếu có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thì sẽ tác động rất sâu sắc, sẽ không có chuyện cá lớn nuốt cá bé, mất đoàn kết, gài bẫy,… Thực tế hiện nay, tôi cho rằng để xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân thì rất hay, rất có ích nhưng phụ thuộc vào tư duy người đứng đầu. 

Halcom là một trong những doanh nghiệp đã từng được Thành uỷ Hà Nội biểu dương là đơn vị phát triển được nhiều Đảng viên nhất. Tuy nhiên,  quan điểm của tôi là không phát triển một cách ồ ạt theo phong trào. Mà quan trọng phải từ nhận thức và niềm tin vào Đảng, hoạt động Đảng một cách chuẩn mực nhất, phải phấn đấu thực sự theo quá trình và khi vào thì phải làm gương cho người khác.

KHÔNG NÊN MIỄN THUẾ, CHỈ GIÃN NỢ, GIÃN THUẾ

– Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Covid-19. Theo ông, cần những giải pháp gì giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay, doanh nghiệp đang bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, sản xuất,… từ đó tác động trực tiếp đến doanh thu và đời sống người lao động.

Trước khi ban hành chính sách, cơ quan chức năng cần lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp

 

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay một số địa phương đã có những động thái riêng. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp cần nhất vẫn là chính sách đưa ra phải có tầm nhìn dài hạn đủ để phát triển ổn định, bền vững.

Cá nhân tôi cho rằng, nhà nước nên có chính sách giãn nợ, giãn thuế cho doanh nghiệp chứ không nên miễn. Bởi nếu miễn thì nhà nước sẽ bị thất thu ngân sách, tốt cho doanh nghiệp nhưng nhà nước không có tiền để chi phí cho những hoạt động khác. Nếu giãn nợ, nhà nước sẽ có khoản thu, còn doanh nghiệp cũng có động lực để phấn đấu.

Hơn nữa, chính quyền địa phương không thể dựa vào dịch rồi ngăn sông cấm chợ, dân mất việc, lao động về quê,… Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến doanh nghiệp. Ví như, lao động về quê tránh dịch thì rất khó gọi họ quay trở lại làm việc. Nếu tuyển mới lại phải đào tạo, bồi dưỡng và đó là sự lãng phí khủng khiếp với doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến chi phí nguồn cung ứng bạn hàng, họ phải gây dựng lại từ đầu để tái cấu trúc doanh nghiệp sau Covid.

Cần có chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển

Ngoài ra, tôi cho rằng khi nhà nước đưa ra chính sách vĩ mô cần đánh giá ở mọi góc độ và nên lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Thay vì nhà nước đưa ra chính sách, ký đóng dấu rồi mới hỏi doanh nghiệp, thì trước khi ban hành nhà nước cần để doanh nghiệp góp ý. Từ đó, chính sách ban hành sẽ phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan.

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp