Theo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) mới đệ trình, Bộ Công Thương sẽ tăng thêm khoảng 20.000 MW điện than mới, nâng công suất điện than từ khoảng 21.000 MW hiện nay lên 40.899 MW vào năm 2030 và tiếp tục tăng thêm khoảng 10.000 MW điện than trong giai đoạn tới 2045. Với lộ trình này, Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu. Về vấn đề này, từ góc nhìn của một doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cũng chia sẻ ý kiến quan điểm của mình. (Nguồn: VnEconomy)
Những hạn chế trong Quy hoạch điện VIII (QHĐ8)
Thứ nhất, chưa có giải pháp giảm dần điện than trong tương lai theo tinh thần Nghị quyết 55/NQ-TW. Điện than là nguồn năng lượng gây ô nhiễm và ngày càng khan hiếm. Quá trình khai thác, vận chuyển và sản xuất điện than điện than sẽ hút cạn nguồn nước của địa phương, trực tiếp và gián tiếp gây ô nhiễm lên nguồn nước.
Thứ hai, chưa thấy được nguy cơ của việc tiếp tục trì hoãn các dự án điện than, đưa nguyên công suất điện than trên QHĐ7 sang QHĐ8 mà không cập nhật tình hình biến động của giá than và xu hướng thế giới thay đổi đối với điện than trong 10 năm qua. Thời gian qua, nhiều dự án trong QHĐ7 đã liên tục bị trì hoãn, có dự án trì hoãn đến hơn 5 năm không triển khai được do không tiếp cận được nguồn vốn vì các tổ chức tài chính trên thế giới, đặc biệt các nước hay tài trợ điện than cho Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… do xu thế chuyển sang đầu tư cho năng lượng tái tạo hiện tại. Như vậy, các dự án từ Quy hoạch điện 7 sang vẫn có nguy cơ tiếp tục tình trạng đình trệ này. Các địa phương, người dân cũng không ủng hộ xây dựng nhà máy và khai thác điện than do ô nhiễm. Mặc dù đã có Nghị quyết 55-TW, những vấn đề này vẫn chưa được khắc phục và điều chỉnh trong Quy hoạch điện 8.
Một vấn đề khác là chủ yếu nguồn than sử dụng cho các nhà máy điện tại Việt Nam hiện nay đều nhập khẩu, dẫn đến khó kiểm soát giá cả và các điều kiện nhập khẩu. Những biến động như chiến tranh, thiên tai hay gần đây nhất là dịch COVID-19 khiến cho giá cả điện than thay đổi, việc nhập khẩu than không còn thuận lợi và các nhà máy điện than sẽ bị ảnh hưởng. Điều này khiến việc đưa nguyên công suất điện than trên QHĐ7 sang QHĐ8 trở nên không hợp lý. Trong khi đó, các nguồn năng lượng như điện gió, điện mặt trời, điện rác, chúng ta lại có thể chủ động trong nước, đầu tư ban đầu có thể tốn kém nhưng có thể kiểm soát được, và chưa chắc đã đắt hơn điện than trong tương lai.
Thứ ba là chưa đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế của của việc tiếp nhận năng lượng tái tạo trên hệ thống truyền tải như công nghệ, đầu tư hay biện pháp quản lý v.v….
QHĐ8 cũng không đề cập rõ ràng về chủ trương bán điện tại chỗ. Hiện nay, điện sản xuất chỉ đưa lên lưới, truyền tải điện liên miền, gây khó khăn cho hệ thống truyền tải điện kể cả về đường dây và việc vận hành, nên cần khuyến khích bán điện tại chỗ (DPPA). Nhưng trong điều kiện đó cũng cần sự điều tiết của lưới điện thông minh, vẫn cần sự tham gia chủ động tích cực trong điều tiết của EVN và Bộ Công thương vì các nhà sản xuất điện không thể đáp ứng đúng, đủ các nhu cầu của các đối tượng tiêu thụ điện được, kể cả về yêu cầu phù hợp công suất phụ tải cũng như thời gian tiêu thụ điện
Chính sách giá FiT mới cho điện gió
EVN chưa sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ các công suất sản xuất từ năng lượng tái tạo, dẫn đến lãng phí xã hội và nhà đầu tư hoàn toàn có thể bị lỗ, thậm chí là phá sản
Điều quan trọng nhất không phải giá FiT mới ở mức bao nhiêu, mà chính sách giá phải ổn định, áp dụng đúng theo quy định, chính sách của Chính phủ. EVN cần mua hết lượng năng lượng tái tạo được sản xuất ra như đã nêu trong hợp đồng mua bán điện (PPA), theo Điều 4, QĐ số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời Việt Nam và Điều 11, QĐ số 37/2011/QĐ-TTG về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Hiện nay, năng lực của ngành điện không đón nhận được hết công suất năng lượng tái tạo, cơ chế kiểm soát chưa rõ ràng, quy định chưa được áp dụng đúng, gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Thời hạn giá FiT sẽ hết hạn vào 31/10/2021 nhưng chưa có chính sách giá FiT mới, gây hoang mang cho doanh nghiệp.
Giá FiT tốt sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ vào NLTT, nhưng nếu EVN lại chưa sẵn sàng đón nhận thì lại gây lãng phí xã hội, VD có những nhà máy chỉ phát được 50% công suất lên lưới, như vậy kể cả giá FiT có cao thì nhà đầu tư vẫn có thể lỗ, thậm chí có thể bị phá sản.
QHĐ8 cần bám sát vào tinh thần của NQ55
Tư tưởng xuyên suốt của NQ55 rất nhân văn với tầm nhìn dài hạn về phát triển năng lượng quốc gia, trong đó nhấn mạnh về phát triển xanh, phát triển bền vững với NLTT hay điện rác là nguồn năng lượng xanh rất tốt. QHĐ8 cần bám vào cốt lõi đó để vạch đường hướng, lộ trình rõ ràng, dự báo được tương lai, làm sao để phát triển NLTT, nâng cấp lưới điện, dùng công nghệ cao để vận hành lưới điện, kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư. QHĐ mà chỉ nhìn vào hiện tại, không dự báo được tương lai thì sẽ không thể đi vào cuộc sống.
.
Quy hoạch điện VIII cần bám sát vào tinh thần của NQ 55/NQ-TW, bám sát tình hình thực tế và dự báo nhu cầu tương lai, trong đó có xu hướng của thế giới và các cam kết giảm phát thải khí nhà kính mà VN đã cam kết trong Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu hay trong các hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết với các nước và các khu vực trên thế giới
– Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam –