Chiều ngày 26/11/2021 tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường – Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp (Enternews) đã tổ chức diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam” với sự tham dự và chia sẻ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, các đại sứ quán nước ngoài.
Toàn cảnh diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đảm bảo nguồn an ninh năng lượng. Trong vài năm qua, nhờ các cơ chế khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/10/2021, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt đạt 20.644MW; trong đó, thủy điện chiếm 29,6%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%; khí chiếm 10%; dầu xấp xỉ 2% và sinh khối chiếm 0,28% trong tổng công suất nguồn điện. Điều đó cho thấy, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn và dư địa phát triển rất dồi dào. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức mới.

Các đại biểu tham dự diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam” chiều 26/11

Thêm vào đó, các chính sách về cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống, giá FiT cho điện mặt trời và điện gió đã kết thúc vào cuối tháng 10/2021. Theo các chuyên gia, trong 2 năm qua, Chính phủ đã có nhiều thảo luận liên quan đến giá FiT cho điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, cơ chế đấu thầu hiện vẫn chưa rõ sẽ được thực hiện như thế nào. Có thể thấy rằng năng lượng tái tạo cần có chính sách phát triển với lộ trình xuyên suốt, liên tục, mới có thể duy trì thị trường phát triển và cơ chế bình đẳng hơn với các nguồn như đấu thầu theo dạng hình năng lượng hoặc đầu thầu dịch vụ bảo trì lưới điện.

Đánh giá về những vướng mắc chính sách cho ngành năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam đánh giá, một trong những “nút thắt” chính sách là Quy hoạch điện VIII. Hiện nay, Quy hoạch điện VIII không được phê duyệt sẽ là nút thắt đầu tiên cản trở các chính sách tiếp theo.

Vì vậy, cần có hướng dẫn về chính sách giá, cũng như hướng dẫn quy trình đấu thầu để các nhà đầu tư có thể nắm rõ khi giá FiT không được áp dụng hay về một số vấn đề khác như lộ trình phát triển công nghệ cho ngành điện. Trong khi đó, điện rác với Việt Nam còn khá mới, các địa phương hầu như lúng túng trong lựa chọn công nghệ, thậm chí, các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII cũng nhấn mạnh: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã công bố kết quả bình chọn các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu 2021. Đây là năm thứ 2 các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) tiêu biểu do VCCI phối hợp với Hội đồng Tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức bình chọn.

Tin truyền thông