Hiện nay, rất nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ bị thiếu nước sạch để sử dụng. Nguyên nhân đến từ việc nguồn nước sạch, phù hợp sử dụng cho sinh hoạt ngày càng khan hiếm và ô nhiễm. Chương trình Môi trường Tài nguyên của Truyền hình Nhân Dân đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước sạch và Môi trường, Chủ tịch Công ty CP Halcom Việt Nam về vấn đề này.
Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc là 10,5 triệu m3/ngày đêm, chiếm khoảng 17.2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác. Nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Mỹ Tho… Không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế, đời sống, nước ngầm còn góp phần vào chống xâm nhập mặn, duy trì sự ổn định của các dòng chảy và góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn nhiều điều bất cập do chúng ta chưa hiểu đúng về tầm quan trọng của nước ngầm.
Theo ông Huân, nước ngầm là nguồn dự trữ rất quan trọng trong trường hợp có yếu tố bất ngờ như thiên tai, địch họa nhưng lại ít được nhắc tới. Chúng ta cần có ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của nước ngầm và bảo vệ nước ngầm từ bây giờ. Hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách nước ngầm phù hợp. Luật Nước ra đời 2012 (sửa đổi 2018) cũng nêu rõ nước ngầm không nằm trong phạm vi điều chỉnh, cũng chỉ có 1-2 điều nói về cách khai thác nước ngầm chứ chưa có cơ chế bảo vệ.
Khi biến đổi khí hậu gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh, con người bắt đầu khai thác nước ngầm mạch sâu. Khi khai thác quá mức, lượng asen, kim loại nặng… hòa vào, làm tăng nồng độ gây ô nhiễm. Biến đổi khí hậu thực sự cũng ảnh hưởng đến nước ngầm, tiến độ không quan sát được bằng mắt thường và không nhanh như nước mặn nên chúng ta thường không nhận ra. Có những điều chúng ta phải làm từ bây giờ, tránh thiệt hại sau này.
Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới năm 2019, nếu Việt Nam không hành động ngay bây giờ, 30 năm sau con cháu chúng ta sẽ không còn nước sạch để dùng.
Nguồn: Truyền hình Nhân dân