Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã và đang gây áp lực rất lớn cho các địa phương trong quản lý và xử lý. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, với lượng CTRSH phát sinh trong cả nước trên 60.000 tấn/ngày đã gây áp lực rất lớn đối với các địa phương. Vậy dưới góc nhìn của Đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về công tác xử lý CTRSH hiện nay?
Ông Nguyễn Quang Huân: Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.
Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội
trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
Tại Hà Nội, lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày khoảng 7.000 tấn/ngày. Hiện bãi rác Nam Sơn đã quá tải và Hà Nội đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu xử lý rác thải ở Xuân Sơn, Nam Sơn và một số nơi khác nhưng mới chỉ có một Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Thiên Ý (Trung Quốc) đã chạy thử giai đoạn 1. Sau hơn một năm nhà máy vẫn chưa được nghiệm thu và vận hành chính thức.
Tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Thành phố đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư xử lý rác thải hàng chục năm trước nhưng chủ yếu là dùng phương pháp chôn lấp. Hiện nay hầu hết các bãi rác này đã sắp quá tải và đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như bãi rác Đa Phước hay khu xử lý Tây Bắc thuộc huyện Củ Chi.
Ngoài ra, các thành phố lớn khác đều gặp khó khăn trong vấn đề quản lý và xử lý rác thải. Tại Cần Thơ đã có nhà máy đốt rác phát điện với công suất 400 tấn/ngày, nhưng đang gặp vấn đề về khí thải. Lượng khí thải chiếm tới 5% tổng lượng rác xử lý với nguy cơ chứa các chất gây ung thư như furan và dioxin, đang được thu gom nhưng kho chứa tro bụi đã quá tải mà chưa tìm được cách xử lý phù hợp. Tại Hải Phòng, lượng rác phát sinh vào khoảng 700-800 tấn/ngày. Một số khu xử lý như khu chôn lấp Tràng Cát hay nhà máy phân compost tỏ ra không hiệu quả. Hiện thành phố đang có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác theo công nghệ hiện đại hơn.
Tại Đà Nẵng, rác thải đã trở nên vô cùng bức xúc nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Bãi rác Khánh Sơn với sức chứa 3 triệu tấn rác đã hết công suất, phải mở rộng nhiều lần nhưng vẫn có nguy cơ quá tải với lượng rác phát sinh hiện nay khoảng 1.100 tấn/ngày, tương đương hơn 400.000 tấn/năm. Khu vực gần bãi rác Khánh Sơn đang bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân. Dự án xử lý rác thải sinh hoạt công suất 600 tấn/ngày đã được cấp giấy phép đầu tư hơn 10 năm trước nhưng cho đến nay vẫn không tiến triển gì ngoài việc xây hàng rào giữ đất.
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn – TP. Hà Nội)
Một số nơi khác cũng đã đầu tư hoặc đang bắt đầu đầu tư các khu xử lý rác với công suất nhỏ lẻ và nhìn chung là thiếu hiệu quả. Có thể tạm chia ra năm phương pháp xử lý rác đang được áp dụng ở Việt Nam hiện nay là chôn lấp, sản xuất phân compost, đốt thiêu hủy bằng các lò thủ công, đốt rác phát điện và biogas. Hiện nay, hai phương pháp phổ biến nhất mà Việt Nam sử dụng chủ yếu là chôn lấp và đốt thủ công đã bị cấm hoặc không được khuyến khích áp dụng.
Các khó khăn về tài chính cũng như các chính sách đầu tư về lĩnh vực này cũng là rào cản đáng kể, cần phải được tháo gỡ. Theo Nghị Quyết 16/QH15 thì đến 2025, 90% rác thải sinh hoạt phải được xử lý hợp vệ sinh. Các báo cáo kinh tế – xã hội hàng năm thì tiêu chí này đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng con số thực tế lại khác xa khá nhiều như số liệu được cung cấp.
PV: Ông có đánh giá ra sao về các công nghệ xử lý CTRSH tại Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huân: Công nghệ đốt rác thủ công (thiêu hủy rác không phát điện) đã được sử dụng ở một số nơi gây ô nhiễm không khí trầm trọng và đã bị cấm do không đạt Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó lò đốt rác phải đảm bảo 2 buồng và lò đốt phải đạt 950 độ C, thời gian lưu trữ tối thiểu là 2 giây. Tuy nhiên, quy chuẩn này lại không phù hợp với các loại công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến trên thế giới.
Một trạm trung chuyển CTRSH tại tỉnh Đồng Nai
Ngoài ra, có một số công nghệ khác đang được áp dụng tại Việt Nam hiện nay như sau: Khác với các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, công nghệ Chôn lấp hợp vệ sinh (landfill) là một phương pháp kiểm soát sự phân hủy của các chất rắn khi chúng được chôn nén và phủ lấp bề mặt. Chất thải rắn trong bãi chôn lấp sẽ bị tan rữa nhờ quá trình phân hủy sinh học bên trong để tạo ra sản phẩm cuối cùng là các chất giàu dinh dưỡng như axit hữu cơ, nitơ, các hợp chất amon và một số khí như CO2, CH4. Nước rỉ rác sẽ được thu gom và chuyển đến khu xử lý sinh hóa. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa, kết hợp lượng rác thải sinh hoạt từ vật liệu nhựa, nilon… đã gây quá tải cho quỹ đất sử dụng cho bãi rác chôn lấp. Cần có những biện pháp khác thay thế cho phương pháp chôn lấp chất thải giúp bảo vệ môi trường. Hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới không còn áp dụng phương pháp này. Luật Bảo vệ môi trường 2020, tại Điều 78, Khoản 4 cũng đề cập hạn chế sử dụng công nghệ này.
Công nghệ đốt phát điện cũng đã được thực hiện thử nghiệm tại một số nơi như Cần Thơ và mới đây là Hà Nội. Do rác thải sinh hoạt của Việt Nam có nhiệt trị rất thấp (chỉ khoảng 5 MJ/kg so với 15 MJ/kg rác sinh họat ở châu Âu), độ ẩm cao (65-70%) nên lượng điện tạo ra trong quá trình sinh nhiệt là rất thấp, hiệu quả kinh tế vì thế không cao so với chi phí đầu tư. Việc đưa nhiệt độ buồng đốt lên 1.400 độ C để khử hết furan và dioxin là khá tốn kém và hầu như là không thể trong điều kiện thông thường, nếu không dùng các buồng đốt đặc biệt. Còn dùng màng lọc than hoạt tính thì khá đắt tiền, chi phí vận hành cao và phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Đây cũng là lý do khi quan sát thấy khí thải của các buồng đốt hiện nay có nhiều màu đen là biểu hiện của các độc chất trong rác như furan hay dioxin và các tạp chất khác chưa được đốt hết. Công nghệ này đang đặt ra dấu hỏi lớn về ô nhiễm không khí mà chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Để giải quyết bài toán “nhiệt trị thấp” một số nhà máy phải áp dụng bằng cách trộn thêm phụ gia như vỏ dừa hay trấu hoặc trộn theo tỷ lệ 500 tấn rác sinh hoạt phải có thêm 100 tấn rác công nghiệp để sinh nhiệt, nhưng khi đó sẽ làm phát sinh chi phí thu mua phụ gia và lựa chọn rác công nghiệp để tránh gây ô nhiễm. Cách vận hành này tiêu biểu là Nhà máy xử lý rác Thăng Long sẽ được vận hành ở Bắc Ninh trong thời gian tới.
Khu xử lý rác thải ở tổ dân phố Đông Hương, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dùng (tỉnh Bắc Giang)
Có một số công nghệ tương tự như lò đốt Plasma, có thể đốt rác lên tới 4.000 độ C, nhưng khá tốn kém và mới chỉ áp dụng ở quy mô nhỏ như trong phòng thí nghiệm mà chưa được thương mại hóa, áp dụng đại trà.
Công nghệ thứ ba phổ biến hơn, đó là chế biến phân compost, phân vi sinh. Công nghệ này cũng gặp khó khi công đoạn phân loại rác chưa triệt để, dễ lẫn kim loại nặng trong phân vi sinh và nó chỉ phù hợp cho bón cây công nghiệp. Nếu bón cho cây nông nghiệp hoặc hoa màu có thể làm chết cây và gây ô nhiễm môi trường đất. Phân bón sản xuất ra khó tìm nơi tiêu thụ. Hiện một số nhà máy áp dụng công nghệ này tỏ ra không hiệu quả như ở Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai.
Đối với công nghệ biogas là phương pháp ủ vi sinh, tạo khí Metan NH4 rồi nung lò hơi phát điện. Công nghệ này khá sạch, phù hợp với loại rác hữu cơ. Tuy nhiên do rác thải sinh hoạt của Việt Nam chưa được phân loại, lẫn nhiều ni lông và các chất vô cơ nên khả năng tạo khí khá thấp. Một nhà máy sử dụng công nghệ này đã phải dừng hoạt động tại Quảng Bình.
Bể chứa CTRSH tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn – TP. Hà Nội)
Công nghệ hỗn hợp Maximum Yield Technology (MYT) là loại công nghệ của Đức dựa theo nguyên tắc trên, khá thân thiện môi trường và chi phí đầu tư rẻ hơn công nghệ đốt rác phát điện hiện nay. MYT là công nghệ được cấp bằng sáng chế có thể sản xuất RDF (Refuse Derived Fuel) từ chất hữu cơ một cách hiệu quả. Rác trước khi xử lý được phân loại bằng dây chuyền tự động, sau đó rác có nhiệt trị cao được sấy khô và tạo viên nén RDF. Tại một số quốc gia như Phần Lan, Đức, Ý đã phát triển các tiêu chí chất lượng cho RDF, nhằm giúp đánh giá chất lượng RDF dễ dàng hơn và hiện nay RDF đang dần thay thế hấp dẫn cho nhiên liệu hóa thạch. Nhược điểm của công nghệ này là chỉ phù hợp với nơi có rác thải phát sinh ít nhất 500 tấn/ngày trở lên vì chi phí đầu tư và vận hành lớn hơn so với công nghệ biogas hay phân compost.
Hiện nay, Công ty cổ phần Halcom Việt Nam đã gần hoàn tất thủ tục mua bản quyền công nghệ MYT từ Euwelle Environmental Technology GmbH, CHLB Đức để sẵn sàng cho việc áp dụng xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam.
Công nhân vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh thu gom rác thải sinh hoạt
PV: Đâu là những bất cập, hạn chế trong xử lý CTRSH tại nước ta hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huân: Do đặc điểm rác sinh hoạt ở Việt Nam khác xa với rác thải ở các nước châu Âu và các nước tiến tiến khác, đó là rác thải ở ta có độ ẩm cao, hàm lượng chất hữu cơ lớn, không được phân loại tại nguồn, hạ tầng vận chuyển không đồng bộ. Trong khi rác ở các nước phát triển lại có độ ẩm thấp do khí hậu khô, được phân loại từ nguồn, quản lý vận chuyển đúng cách. Vì thế, nếu áp dụng nguyên mẫu công nghệ đốt rác phát điện của các nước Âu – Mỹ hay Nhật vào Việt Nam sẽ không hiệu quả xét cả về tài chính và kỹ thuật.
Hiện nay, các địa phương khá lúng túng trong việc tìm công nghệ tiên tiến phù hợp với rác thải Việt Nam, dẫn đến không thu hút được đầu tư vì các nhà máy không đứng vững được về tài chính và kỹ thuật. Khả năng tiếp cận thông tin, tìm kiếm công nghệ của các nhà đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế. Khi công nghệ không phù hợp thì không xử lý triệt để rác thải, gây ô nhiễm và sản xuất được ít điện hoặc ít các loại sản phẩm khác sau xử lý. Công nghệ tiên tiến thì tốn kém, có thể phù hợp với rác của châu Âu có đặc điểm khô và đã được phân loại nhưng khi áp dụng tại Việt Nam lại gây ô nhiễm và tạo ra ít doanh thu.
Công nhân vệ sinh môi trường tại TP. Hà Nội thu gom rác thải về điểm tập kết
Như vậy, doanh nghiệp muốn đầu tư xử lý rác cần đảm bảo hai yếu tố: Thứ nhất là bền vững về công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến để xử lý rác không gây ô nhiễm; thứ hai là bền vững về tài chính, công nghệ phải tạo ra nhiều sản phẩm tốt, có thể bán trên thị trường để tạo ra doanh thu đủ lớn, bù đắp cho chi phí vốn vay và vận hành, bảo dưỡng. Doanh thu của một nhà máy xử lý rác gồm có 2 nguồn cần được đảm bảo, một là nguồn thu từ phí xử lý rác hiện đang ở mức 20-21 đô la Mỹ/tấn rác đầu vào, và hai là nguồn thu từ sản phẩm sau xử lý rác, đó có thể là điện, gas, viên nhiệt trị RDF, phân vi sinh, chưa kể các loại vật liệu có thể tái chế khác như sắt, thép, thủy tinh và vật liệu xây dựng…
Mặt bằng để bố trí khu xử lý cũng gặp khó khăn do vướng các rào cản pháp lý hiện nay. Theo Luật Bảo vệ môi trường thì xử lý rác cần được ưu tiên và các chủ đầu tư được bàn giao đất sạch để xây dựng nhà máy nhưng theo Luật Đất đai thì khi sử dụng đất phải qua quy trình đấu giá đất. Luật Đấu thầu áp dụng cho trường hợp này cũng khó khả thi vì phải trả lời câu hỏi đấu thầu sử dụng đất trước hay đấu thầu lựa chọn công nghệ trước? Một số địa phương tổ chức đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có thể thắng thầu sử dụng đất nhưng lại không thông thạo về công nghệ và quản lý vận hành xử lý rác. Những nhà đầu tư có công nghệ tốt lại không thể tham gia đấu thầu sử dụng đất do các điều kiện đấu giá đất, diện tích sử dụng đất hay vị trí lại không phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay các Bộ, Ngành trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về quy trình tuyển chọn nhà đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt, gây lúng túng cho địa phương. Nếu đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư có công nghệ tốt thì có thể vi phạm pháp luật.
Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát
tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn – TP. Hà Nội)
PV: Theo ông, để xử lý hiệu quả CTRSH thì cần có chính sách phù hợp ra sao?
Ông Nguyễn Quang Huân: Tại phiên giải trình chất thải rắn sinh hoạt năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đưa ra khuyến cáo các cơ quan hữu quan cần phối hợp để đưa ra quy trình tuyển chọn nhà đầu tư cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư cho các địa phương. Đây là bước đầu tiên cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tuyển chọn nhà đầu tư phù hợp có thể xử lý rác thải tại địa phương mình, đáp ứng điều kiện cụ thể về lượng rác phát sinh, khả năng chi trả của địa phương cũng như thành phần của rác, được phân loại hay không phân loại tại nguồn.
Vấn đề thứ hai là chuẩn bị quỹ đất để xây dựng khu xử lý. Thông thường, với các công nghệ tiên tiến thì không cần nhiều quỹ đất, thí dụ với công nghệ MYT, để xử lý 1.000 tấn/ngày chỉ cần diện tích đất khoảng 5-6 ha cho khu xử lý, thay vì 20-30 ha như một số địa phương hiện đang làm, nhưng nhà đầu tư cần phải được bàn giao đất sạch một cách nhanh chóng, thuận tiện để chỉ tập trung đầu tư, xây dựng thì mới có thể nhanh chóng xử lý vấn đề môi trường
Các địa phương cũng cần nghiên cứu, lựa chọn loại công nghệ phù hợp với địa phương của mình trước khi tổ chức đấu thầu. Có như thế thì các tiêu chí lựa chọn công nghệ mới tập trung, tránh dàn trải để thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư có công nghệ phù hợp với các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường. Việc đấu thầu phải được tiến hành công khai, minh bạch. Các địa phương cần cam kết đảm bảo nguồn rác đầu vào ổn định với lượng rác tối thiểu theo yêu cầu để nhà đầu tư có thể yên tâm về nguồn nguyên liệu đầu vào với các chi phí hợp lý.
Cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có trình độ, kiến thức về xử lý rác, có bản quyền sở hữu công nghệ, có khả năng liên danh liên kết với công ty nước ngoài, đảm bảo về vốn và khả năng cung cấp thiết bị cũng như vận hành chuyển giao. Có thể cần thí điểm chỉ định nhà đầu tư làm thí điểm ở một địa phương với quy mô xử lý từ 1.000-2.000 tấn/ngày, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác. Đây là hướng đi đúng trong việc giải quyết vấn nạn rác thải sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay. Đột phá lớn cần có quyết tâm chính trị lớn ở cả Trung ương và địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW Khóa XI đã đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường