Du lịch xanh là xu thế lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Điểm nhấn công nghiệp văn hóa

Theo các chuyên gia, công nghiệp văn hóa là sự ứng dụng của những tiến bộ công nghệ – thông tin và kỹ năng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo đầu ra là các sản phẩm – dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu người dân.

Ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tại Hồng Kông, 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo. Ở Nhật Bản, công nghiệp văn hóa cũng đóng góp khoảng 2 tỷ USD/năm. Tại Hàn Quốc, các nhóm nhạc, những bộ phim, đều được các phương tiện truyền thông đưa đi khắp trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng phát triển văn hóa. Cụ thể, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ nhiệm vụ về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa.

Ngày 08/9/2016, Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, du lịch văn hóa…

Cần chính sách “mạnh” để thu hút, phát triển du lịch xanh
Bãi biển Vũng Tàu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch văn hóa đang trở thành xu hướng và là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh.

Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ VH-TT&DL, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Năm 2019, tổng doanh thu đạt 720.000 tỷ đồng. Năm 2021 là 180.000 tỷ đồng. Năm 2022, du lịch văn hoá đã có bước phục hồi ấn tượng khi ước đạt 495.000 tỷ đồng.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, các tỉnh, thành đều có chính sách ưu tiên, phát triển. Nhờ đó, các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn 2016-2022. Tại Hà Nội, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm của thành phố, chiếm tỷ trọng 3,7% GDP (năm 2018). Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GDP năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88%; Năm 2020, do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 nên đóng góp có sụt giảm đạt 3,54% tổng GDP của thành phố. Tỉnh Ninh Bình, lượng khách thăm quan trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An trong những năm qua có sự tăng trưởng rõ rệt, năm 2016 đạt 2.457.798 lượt khách, năm 2019 đạt 3.103.093 lượt khách.

Cần chính sách “mạnh” để thu hút, phát triển du lịch xanh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân

 

Du lịch là mũi nhọn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.

Nghị quyết số 08-NQ/TW được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, yếu kém và đưa Du lịch phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Bởi lẽ, Nghị quyết 08 có nhiều điểm đột phá. Trước hết, Nghị quyết đặt du lịch vào vị trí trung tâm, đòi hỏi phải có chính sách đặc thù. Hơn nữa, bản chất của ngành du lịch được khẳng định là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc. Đây là quan điểm có tính định hướng quan trọng trong phương thức triển khai thực hiện các kế hoạch. Du lịch phải được phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.

Cần chính sách “mạnh” để thu hút, phát triển du lịch xanh
Du lịch xanh là xu thế được nhiều quốc gia lựa chọn

Bên cạnh các quan điểm định hướng, Nghị quyết 08 cũng góp phần giải quyết các “điểm nghẽn” về chính sách cụ thể đối với thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng sâu vùng xa, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch, quảng bá xúc tiến; chuyển đổi cơ chế phí tham quan sang cơ chế giá dịch vụ; các chính sách về giá điện, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thủ tục nhập cảnh.

Đặc biệt, Nghị quyết ghi rõ: “đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”. Trong bối cảnh hệ thống luật pháp nước ta chưa đồng bộ, còn chồng chéo như hiện nay, chủ trương này là cơ sở để tháo gỡ các khó khăn, xây dựng các chính sách đột phá của ngành.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Huân, để phát triển du lịch, trong đó trọng tâm là du lịch xanh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023 cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá.

Cần chính sách “mạnh” để thu hút, phát triển du lịch xanh
Trên bãi biển Vũng Tàu

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, tập trung vào hoàn thiện chính sách thúc đẩy sự phát triển và khai thác có hiệu quả tài nguyên văn hóa Việt Nam, chính sách đào tạo và thu hút nhân tài; chính sách hợp tác công – tư.

Hơn nữa, cần quan tâm, lập quy hoạch, chiến lược ngành du lịch Việt Nam. Trong đó phát triển những lợi thế, ưu thế của các danh thắng, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất. Đồng thời, phải phân khúc thị trường cụ thể cho từng đối tượng. Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực đầu tư một số trung tâm công nghiệp sáng tạo của Việt Nam, có chính sách riêng đối với những trung tâm này nhằm thu hút các tài năng sáng tạo công nghiệp văn hóa và thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Hơn nữa, cần thay đổi về mặt chính sách để tăng cường liên kết phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là thúc đẩy hợp tác công – tư và có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch.

Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng để phát triển du lịch xanh cần nâng cao nhận thức của người dân. Cải thiện năng lực quản lý hiệu quả lượng khách du lịch tại các điểm đến du lịch. Giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trong kinh doanh du lịch. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, nhà nước có trách nhiệm quy hoạch và quản lý ngành, hỗ trợ các bên liên quan tham gia, thu thập và quản lý thông tin du lịch cũng như tiếp thị điểm đến. Các doanh nghiệp du lịch có chức năng quan trọng trong phát triển, quảng bá và cung cấp sản phẩm du lịch xanh tới người tiêu dùng. Mỗi người dân trong cộng đồng cần trở thành một “Đại sứ du lịch”, có trách nhiệm thể hiện những nét tốt đẹp nhất của cộng đồng địa phương để khách du lịch cảm nhận thấy.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy, tạo đà cho ngành du lịch phát triển xanh, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cần khẩn trương xây dựng và ban hành chương trình hành động của ngành du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ban hành theo Quyết định 1658/QĐ-TTg Ngày 01/10/2021. Theo đó tập trung các nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững như cần ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch; Hướng dẫn, rà soát điều chỉnh các quy định văn bản liên quan đến phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi; các hoạt động du lịch thể thao trên biển; du lịch mạo hiểm; du lịch caravan; tái cơ cấu doanh nghiệp góp phần đẩy nhanh tiến độ phục hồi ngành du lịch Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển Du lịch xanh như cơ chế về chính sách thuê đất, sử dụng tài nguyên để phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm