Cần cơ chế cho doanh nghiệp khi đầu tư vào năng lượng tái tạo

Việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ không đảm bảo an ninh năng lượng bền vững trong tương lai vì nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt dần. Đồng thời, môi trường và sức khỏe của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình khai thác và sử dụng những nguồn khoáng sản này. Vì vậy, làm thế nào để chuyển dịch sang đầu tư vào năng lượng tái tạo? Việc chuyển dịch đầu tư sẽ gặp khó khăn gì? Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam.

Theo ông Huân, tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam rất lớn, chưa được phát huy hết. Việt Nam vẫn đang gặp vấn đề về truyền tải lưới điện, điện gió ngoài khơi vô cùng tiềm năng và điện thủy triều chưa được khai thác, ngoài ra, chúng ta còn có 60,000 tấn rác thải chưa được xử lý mỗi ngày có thể được chuyển thành điện rác.

Khó khăn lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp chính là chính sách không rõ ràng. Sau khi cơ chế giá FiT bị bãi bỏ, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hướng dẫn về đấu thầu, chưa có phê duyệt cho Quy hoạch Điện VIII – cốt lõi cho các chính sách tiếp theo. Tất cả những điều này tạo nên khó khăn chồng khó khăn khiến lĩnh vực NLTT không thể phát triển trong hai năm qua.

Ông Huân chia sẻ với Tạp chí Tài nguyên và Môi trường về vấn đề chuyển dịch sang đầu tư vào năng lượng tái tạo

Ông Huân đề xuất phương án duy nhất để xử lý triệt để vấn đề này, đồng thời đạt tiêu chí Net Zero vào năm 2020 như Việt Nam đã cam kết ở COP 26 chính là đổi mới công nghệ. Để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để chuẩn bị nguồn lực và phương án kêu gọi tư nhân, để quyết tâm không chỉ là quyết tâm chính trị.

Cuối cùng, ông Huân cho rằng tuy chính sách hay nói phải lấy doanh nghiệp và cộng đồng làm trung tâm, là một nhà điều hành doanh nghiệp, ông nhận thấy doanh nghiệp cần phải lấy cộng đồng làm trung tâm. Để phát triển bền vững, mục tiêu của doanh nghiệp phải là phục vụ cộng đồng, không thể làm tổn hại môi trường, đời sống để tận thu trong thời gian ngắn. Đây là một điều bắt buộc chứ không phải lựa chọn dành cho doanh nghiệp.

Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường