Chủ Tịch HĐQT Halcom Tham Gia Diễn Đàn Chủ Nhật VOV1 – ”Những gói hỗ trợ là cần thiết, triển khai thế nào cho trúng?”

Ngày 9.4.2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng – hỗ trợ kép cho người lao động yếu thế và nhóm doanh nghiệp bị “tổn thương” do Covid-19. “Bao giờ tiền sẽ đến tay?” là băn khoăn của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế và an sinh xã hội cho rằng cần có thêm một gói cứu trợ trực diện cho lực lượng “nòng cốt” – doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Halcom, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân và bà Phạm Nguyên Cường – Chuyên gia độc lập các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm đã tham gia phỏng vấn trong chương trình “Diễn đàn Chủ nhật” phát sóng trực tiếp trên kênh Thời sự – Đài tiếng nói Việt Nam VOV1 sáng 12.4.2020 xoay quanh chủ đề này.
Ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam
và bà Phạm Nguyên Cường – Chuyên gia độc lập các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm
tham gia chương trình “Diễn đàn Chủ nhật” trên VOV1 ngày 12.4.2020.

ĐÓN NGHE CHƯƠNG TRÌNH DIỄN ĐÀN CHỦ NHẬT ĐÃ PHÁT SÓNG TRỰC TIẾP TRÊN VOV1 TẠI ĐÂY.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, khoảng 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ trên. Sự cần thiết của gói hỗ trợ này là điều rõ ràng, và theo ông Nguyễn Quang Huân, đây trước tiên sẽ là tác động rất tích cực đến tinh thần của người dân cũng như doanh nghiệp.

“Bao giờ tiền sẽ đến tay?” – Băn khoăn của người dân và doanh nghiệp

Theo chuyên gia Phạm Nguyên Cường chia sẻ, số tiền hỗ trợ người dân sẽ được chi trả ngay trong tháng 4 và tháng 5 tới đây. Để làm được điều này, theo chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dưới sự giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan xã hội và UBND các tỉnh, thành phố sẽ cần thực hiện một khối lượng công việc rất lớn để triển khai kịp thời, đồng bộ, công khai, minh bạch, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy ra hiện tượng trục lợi.

Về nhóm doanh nghiệp cần được cứu trợ, ông Huân nhấn mạnh tới sự cấp thiết của những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng hay Hiệp hội doanh nghiệp, cũng như một lộ trình với các bước theo mốc thời gian cụ thể, tránh gây hiểu lầm, lúng túng trong thực hiện.

“Gói hỗ trợ đến người dân là rất cụ thể, nhưng đối với doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình sản xuất, đối mặt với các mức độ khó khăn khác nhau: Thứ 1, cần có hướng dẫn cụ thể để phân loại doanh nghiệp nào được nhận hỗ trợ, điều này bản thân các cơ quan chức năng quản lý tại địa phương cũng khó xác định. Cần phân loại như thế nào, làm sao để doanh nghiệp cảm thấy an tâm, công bằng, không hoài nghi. Tiêu chí phân loại, sàng lọc rõ ràng là rất cần thiết. Thứ 2 là thời hạn cho từng bước: xác định tiêu chí, xét duyệt, thời điểm nhận hỗ trợ. Thứ 3 là đơn vị giám sát cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch.” – ông Nguyễn Quang Huân nhận định.

Cần thêm 1 gói cứu trợ trực diện bên cạnh gói 62.000 tỷ, dành cho đối tượng doanh nghiệp?

Ông Huân bày tỏ sự ủng hộ với kiến nghị này: “Muốn cả nền kinh tế ổn thì tất cả các bộ phận của nền kinh tế cũng đều phải tốt, nếu chỉ tập trung cho người dân mà quên doanh nghiệp, thì khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, người lao động của doanh nghiệp đó lại trở thành đối tượng yếu thế, lại cần Chính phủ cứu trợ, cứ như vậy sẽ là câu chuyện không hồi kết. Mặt khác, khi doanh nghiệp đóng cửa, Nhà nước sẽ mất nguồn thu ngân sách, nguồn thu không có thì cũng không hỗ trợ được.” Ông Huân cho rằng Chính phủ các quốc gia đều không có nguồn lực vô hạn để cứu trợ tất cả, vì vậy cần sự nghiên cứu tổng hòa các vấn đề, khía cạnh, cần có sự cân nhắc lớn và bài toán khó đối với Chính phủ, cần sự vào cuộc của các chuyên gia, tư vấn. Sự sàng lọc cần hỗ trợ doanh nghiệp nào, ngành nghề nào đòi hỏi cẩn trọng và đảm bảo công bằng, đạt hiệu quả trong tương lai.

Đồng thuận với quan điểm trên, bà Cường cũng nhấn mạnh về thời điểm phù hợp để thực hiện viêc cứu trợ doanh nghiệp, cần dựa trên kế hoạch, tiến độ sản xuất kinh doanh thực tế của từng doanh nghiệp. Điều này cần có sự đánh giá rõ ràng của bản thân doanh nghiệp, cùng với các hiệp hội, cơ quan quản lý tại địa phương để đảm bảo hỗ trợ hiệu quả.

Ông Huân cũng kêu gọi lòng tự trọng và đạo đức kinh doanh từ chính các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung, cần dành sự hỗ trợ đến những doanh nghiệp khó khăn nhất, vì việc cứu trợ 100% doanh nghiệp là không thể. Cộng đồng doanh nghiệp cần hỗ trợ lẫn nhau và san sẻ, vượt qua.

Gói cứu trợ khẩn cấp là cần thiết nhưng sự cẩn trọng lại thiết thực hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại và nội lực kinh tế Việt Nam so với bình diện khu vực và quốc tế. Hy vọng rằng với sự chủ động đồng lòng chung vai nỗ lực của cả người dân và doanh nghiệp, mọi khó khăn sẽ trải qua dễ dàng hơn và kinh tế đất nước mau chóng phục hồi.

 

Tin bài liên quan: Doanh Nhân Việt – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam: Cộng đồng doanh nghiệp cần hỗ trợ nhau vượt qua Covid-19