Chia sẻ với tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam về doanh nghiệp phát triển bền vững vượt qua thử thách, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân VIệt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP HALCOM VN Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh 2 yếu tố bất biến và công thức 3+3+3+1.
Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, xin ông cho biết những nhận định của mình về doanh nghiệp và yêu cầu tất yếu phải phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Quang Huân: Cách đây 1 năm, phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội.
Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững cũng chính là sự tiếp nối xuyên suốt chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng và yêu cầu tất yếu phải hướng tới phát triển bền vững trong toàn xã hội nói chung và trong nền kinh tế, trong đó có hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 tác động mạnh và tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP HALCOM VN

Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN), Chủ tịch Công ty Cổ phần HALCOM VN – một doanh nghiệp nằm trong top những doanh nghiệp phát triển bền vững, tôi đã có nhiều chia sẻ  về mối quan hệ tất yếu giữa doanh nghiệp và sự phát triển bền vững.

Tôi cho rằng, trước nhất, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải phát triển cùng với sự phát triển chung của đất nước, của xã hội. Lợi ích của doanh nghiệp phải song trùng với lợi ích của xã hội và của tất cả các bên liên quan. Lợi ích gắn bó là yết tố tiên quyết để phát triển bền vững. Vì thế trong quá trình phát triển, doanh nghiệp không được làm tổn hại đến các yếu tổ môi trường và xã hội, không được làm tổn hại cộng đồng và tôn trọng lợi ích của cả đối tác và đối thủ cạnh tranh. Cạnh tranh là phải liên tục đổi mới để dẫn đầu, nghĩa là cạnh tranh cùng phát triển để chiếm vị thế dẫn đầu chứ không cạnh tranh đối đầu để triệt hạ đối thủ.

Doanh nghiệp phát triển bền vững phải có triết lý doanh rõ ràng. Phải trả lời được câu hỏi kinh doanh để làm gì và như thế nào. Khi có triết lý kinh doanh, doanh nghiệp sẽ ý thức được sứ mệnh của mình, nghĩa là trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội. Đây là nền tảng đầu tiên để hình thành nên văn hóa doanh nghiệp và hướng đến kinh doanh bền vững.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đề ra chiến lược phát triển cho từng thời kỳ thích ứng với sự thay đổi của môi trường bên ngoài và bên trong doanh nghiệp. Chiến lược dài hạn có thể là 10 năm, nhưng cũng có thể lập các chiến lược ngắn hơn, linh hoạt hơn, 3-5 năm, tùy vào môi trường kinh doanh, lĩnh vực hoạt động hay sự biến động của từng thời kỳ. Đối với chiến lược 10 năm thì cần có các kế hoạch ngắn và trung hạn và có thể đánh giá để điều chỉnh chiến lược hàng năm để thích ứng với tình hình mới.

Các chiến lược hay kế hoạch kinh doanh cần được lập dựa trên chuỗi giá trị của công ty. Các khâu trong chuối giá trị phải phủ hết mọi hoạt động của doanh nghiệp và sơ đồ tổ chức của doanh nghiệp phải chỉ rõ bộ phận nào trong doanh nghiệp phụ trách khâu nào trong chuỗi giá trị đó. Ví dụ, trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, nếu có khâu nào đó trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài, thì trong thời điểm COVID-19, cần phải điều chỉnh để khai thác các nguồn lực trong nước hay sẵn có trong nước. Trong lúc cơ cấu lại các chuỗi giá trị, có thể phải cơ cấu lại cả yếu tố con người, trong đó có sự dịch chuyển hoặc thay đổi các vị trí cán bộ quản lý.

Khi COVID-19 xảy ra, cụm từ “tìm thấy cơ trong nguy” được nhắc đến nhiều, tuy nhiên, số doanh nghiệp vượt bão để vươn lên trong thời điểm này chỉ là thiểu số. Trong phần thiểu số đó, có không nhiều doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ nhu cầu đột biến của thị trường để tăng vọt doanh thu, còn đa phần doanh nghiệp vượt bão được là từ nền tảng đã được xây dựng theo tiêu chí phát triển bền vững. Giống như qua mỗi một lần khó khăn trước đó, doanh nghiệp đã tạo được kháng thể cho mình.

Ngay cả khi có triết lý kinh doanh rõ ràng thì không phải doanh nghiệp đã có thể dễ dàng phát triển bền vững. Phát triển đã khó nhưng phát triển bền vững còn khó hơn. Tôi rất thích công thức 3+3+3+1. Nghĩa là 3 năm đầu để doanh nghiệp tìm cách thâm nhập thị trường và triển khai ý tưởng; 3 năm sau là để doanh nghiệp củng cố, đứng vững và tự khẳng định với triết lý và phong cách kinh doanh của mình; 3 năm tiếp theo là sự thăng hoa trên con đường lựa chọn và đến năm thứ 10 thì sự phát triển sẽ chững lại, doanh nghiệp gặp điểm nghẽn và cần tái cấu trúc để phá vỡ điểm nghẽn.

Tất nhiên các số trên đây chỉ là hình tượng giúp ta có khái niệm về từng giai đoạn trong 10 năm đầu của doanh nghiệp mà không chính xác phải như vậy và không mang tính phổ quát. Nó chỉ khái quát để các nhà khởi nghiệp, đặc biệt các bạn trẻ nhìn trước khó khăn trong kinh doanh và cần sẵn sàng đối mặt để tìm cách vượt qua. Nếu không chuẩn bị tốt, rất có thể nhiều doanh nghiệp không vượt qua được 3 năm đầu và có thể phải đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh.

Doanh nghiệp phát triển bền vững phải có nền tảng là triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi, từ đó tạo ra văn hóa cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là cái thể hiện ra bên ngoài về cách thức mà doanh nghiệp vận hành trong quá trình kinh doanh. Nó có thể có điều chỉnh phù hợp với môi trường bên ngoài vào từng thời kỳ nhưng nó không trượt khỏi cái nền tảng là triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là bất biến, cho dù doanh nghiệp có mở rộng hay thay đổi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt giống như các hạt kim cương nên khó gắn kết. Doanh nghiệp lớn cần phát huy hơn nữa vai trò giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, cùng với phát huy vai trò các hiệp hội để tạo cho cộng đồng DNNVV thành một khâu, một chuỗi cho mình. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao hàm lượng tri thức trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần được quản trị một cách khoa học, có trách nhiệm với xã hội và chiến lược rõ ràng. Như vậy, cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp bớt đi nhọc nhằn và đây cũng là cách để nâng tầm doanh nhân Việt, để doanh nhân vừa GIÀU lại vừa SANG, để doanh nghiệp đủ mạnh trong thế giới hội nhập, đa chiều và cạnh tranh năng động. Đây cũng là cách tiết kiệm nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế, khi mà số lượng DNNVV Việt Nam chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Thưa ông, HALCOM VN là top doanh nghiệp phát triển bền vững, trên nền tảng 20 năm kinh nghiệm nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công ty vừa hoàn thành xây dựng dự án nghìn tỷ “Điện gió Phương Mai 3”, đang triển khai dự án nhà máy điện mặt trời Hậu Giang và định hướng chiến lược trọng tâm đầu tư phát triển năng lượng sạch. Xin ông cho biết HALCOM VN đã xây dựng nền tảng để phát triển bền vững như thế nào, đặc biệt là cách thích ứng và vượt qua COVID-19?

Ông Nguyễn Quang Huân: Cũng sau khoảng 3 năm kể từ khi thành lập, ý tưởng kinh doanh của các thành viên sáng lập HALCOM VN dần càng được định hình cụ thể và hình thành lên triết lý kinh doanh “Không săn lùng lợi nhuận bằng mọi cách”.

Chúng tôi hiểu rằng để kinh doanh bền vững thì lợi ích của doanh nghiệp không thể xung đột với lợi ích xã hội hay lợi ích của đối tác. Vì thế, có nhưng việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà làm hại cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu cho đối tác thì kiên quyết không làm. Đấy là những “lợi ích không trong sáng” mà chúng tôi bao giờ “săn lùng” chúng. Sau khi doanh nghiệp đã trụ vững thì cần nghiên cứu cụ thể giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì để tạo nên thành công ấy. Hai cái bất biến là triết lý kinh doanh và các giá trị cốt lõi, cộng với một cái tùy biến là chiến lược kinh doanh thích ứng theo từng thời kỳ chính là công cụ giúp cho Halcom tồn tại và phát triển trong gần 20 năm qua.

HALCOM VN đồng hành cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động tặng quà Tết người nghèo, hộ gia đình chính sách tại Hậu Giang.
HALCOM VN đã trở thành một trong những công ty tư nhân đầu tiên của Việt Nam ký cam kết thực hiện Chương trình tuân thủ doanh nghiệp (CCP) với Ngân hàng Thế giới (WB) đảm bảo kinh doanh tuân thủ theo chính sách liêm chính của WB. Đồng thời, Công ty đã trở thành một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn về phát triển hạ tầng bền vững, với 5 công ty thành viên và một chi nhánh, hoạt động trên 50 tỉnh, thành phố cả nước. Công ty đã tiến hành đầu tư và đang xúc tiến đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo, nước sạch, rác thải… với tổng số vốn lên chục nghìn tỷ đồng.
Dự án “Điện gió Phương Mai 3” mà HALCOM VN và AIF  ký kết tháng 4/2019 là dự án nghìn tỷ đầu tiên hợp tác giữa Lào và Việt Nam về năng lượng tái tạo. Đây là dự án thứ 2 tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tiếp cận được vốn tín dụng xuất khẩu. Đối tác cấp tín dụng xuất khẩu là Ngân hàng Landesbank Baden-Württemberg, ngân hàng lớn thứ 4 của Đức.
Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 tại Bình Định

Trong bối cảnh COVID-19, sự thích ứng trong bền vững của HALCOM VN đã phát huy được tối đa hiệu quả. Đó là sự điều chỉnh kế hoạch, tái cấu trúc và tăng cường đào tạo nội bộ để sẵn sàng thích ứng với thời kỳ mới. Đặc biệt, công ty đã tìm hiểu kỹ hơn các doanh nghiệp đối tác trong nước, ký kết hợp tác chiến lược với một số doanh nghiệp lớn và có uy tín. Cùng với đó là mở rộng đối tác chiến lược quốc tế sang nhiều nước khác nhau mà không quá chú trọng vào một quốc gia nào. Các hình thức họp hay hội thảo trực tuyến thường xuyên được áp dụng. Các phương án nội địa hóa để sản xuất các mặt hàng đặc chủng bắt đầu được tính đến. Kế hoạch dài hạn hơn cho các thiết bị nhập khẩu hay thuê các chuyên gia nước ngoài cũng phải được xem xét cẩn trọng.

Một trong những may mắn mà HALCOM VN có được sự ưu tiên nhất định của một số đối tác nước ngoài trong việc cung cấp các thiết bị nhập khẩu trong bối cảnh COVID-19. Đó một phần cũng xuất phát từ uy tín mà công ty đã thiết lập được trước đó với đối tác và bạn hàng. Đó cũng là yếu tố quan trọng giúp phát triển bền vững.

Bản thân tôi luôn định hướng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên: Doanh nghiệp muốn mạnh thì mình phải tự xác định hướng đi, tìm cho mình nhân sinh quan cụ thế gắn với thế giới quan và tìm cơ chế vận hành thích ứng. Chúng tôi phát triển cùng với sự phát triển chung của thời đại, chứ không tìm cách phát triển riêng mình. Đó cũng là tinh thần mà Slogan của Công ty đã nêu: “Vươn cùng thời đại”.

Theo bài phỏng vấn trên tạp chí Doanh nhân Việt Nam.