Việc quản trị, khai thác tài nguyên, năng lượng tái tạo còn lãng phí ở việc thiếu sự lồng ghép giữa các dự án, còn bất cập trong công tác theo dõi, giám sát, quản lý. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh tại phiên thảo luận thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, ngày 31/10.
Đánh giá Báo cáo số 330 của đoàn giám sát chi tiết và đề cập đến nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu 3 vấn đề sau.
Thứ nhất, lãng phí trong khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được nêu ra trong Đại hội Đảng XIII, hàng năm được dự trù kinh phí rất lớn để thực hiện.
Đơn cử, trong năm 2022 theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường, ngân sách nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học được Quốc hội thông qua là 16.622 tỷ đồng. Chưa kể khoản kinh phí trong quỹ còn 12.000 tỷ đồng hiện chưa được giải ngân.
Đây là nguồn lực rất lớn, nhưng kết quả chúng ta thực hiện như thế nào? Và Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ khoa học, công nghệ thế giới Các quỹ dành cho nghiên cứu về vaccine, bao gồm cả vaccine Covid-19 hay các loại dịch bệnh khác đạt kết quả đến đâu?
Các khu công nghiệp công nghệ cao hoạt động như thế nào? Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ra sao?
Các vấn đề này cần phải được làm sáng tỏ, nên có báo cáo nghiên cứu cụ thể vấn đề này. Trong báo cáo giám sát có nêu, nhiều bộ, ngành cấp kinh phí cho đề tài chưa cấp thiết, chưa thực tiễn. Phải chăng, đây là lý do không tạo ra được thị trường khoa học công nghệ?
Khi không tạo ra được thị trường khoa học, công nghệ thì sẽ tạo ra điểm nghẽn về năng suất lao động. Vì Việt Nam thời gian qua tăng trưởng GDP rất lớn, nhưng tăng năng suất lao động lại rất thấp so với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, so với những nền kinh tế phát triển trước chúng ta như Nhật bản, Hàn quốc, thậm chí là Trung Quốc thì trong giai đoạn 25 năm đầu bứt phá để thoát nghèo rồi trở thành nước có thu nhập trung bình cao thì cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng năng suất lao động của họ cũng rất cao. Nhưng với Việt Nam, những năm qua có tốc độ tăng trưởng GDP cao, còn NSLĐ tăng chậm, chỉ đạt 4 đến 5%/năm.
Do đó, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cũng nên nghiên cứu một phương án có thể dùng vốn ngân sách nhà nước để làm vốn mồi như trong đầu tư công để lôi kéo các doanh nghiệp tư nhân vào cùng nghiên cứu. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được một thị trường khoa học, công nghệ.
Thứ hai, lãng phí trong quản lý và khai thác sử dụng năng lượng tái tạo. Trong báo cáo có nêu, việc quản trị, khai thác tài nguyên năng lượng tái tạo chưa có giải pháp tổng thể để chuyển đổi phương thức sử dụng năng lượng.
Tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo về vấn đề này. Thực tế, trong bối cảnh 2 năm vừa qua giá FIT hết hạn thì chúng ta chưa có cơ chế giá mới, quy hoạch điện VIII hiện nay chưa ra đời.
Do đó, không có một dự án năng lượng nào được phát triển, đặc biệt là năng lượng tái tạo, đây là sự lãng phí rất lớn. Báo cáo cũng nêu điện gió 629 MW ở Gia Lai đã hoàn thiện nhưng không đưa vào vận hành, lãng phí tới 25.500 tỷ đồng.
Đây là một ví dụ, và có thể trong điều kiện chưa cho phép nên đoàn giám sát mới đến Gia Lai. Còn đoàn giám sát biến đổi khí hậu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường đã tiến hành tại một số tỉnh, thành phố như Bạc Liêu, Bình Định, thì rất nhiều các dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thiện nhưng chưa được đưa vào vận hành.
Hiện nay có khoảng 15 dự án điện gió đã được hoàn thành một phần nhưng chưa đưa vào sử dụng. Một phần của 15 dự án này là 705 MW, và còn rất nhiều dự án điện mặt trời khác nếu ước tính lượng đầu tư nhưng chưa đưa vào sử dụng khoảng 5 tỷ USD (tương đương 120.000 tỷ đồng).
Như vậy, chúng ta không phải lãng phí chỉ vì đầu tư mà còn lãng phí về năng lượng tái tạo, tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh chúng ta còn đang phải nhập khẩu điện.
Đó là còn chưa kể đến 62 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa có cơ chế để đưa vào vận hành, khoảng 3.500 MW. Vì vậy, tôi đề nghị nên xem xét giá FIT theo quyết định 11 và 13 có thực sự cao hơn điện than và điện nhập khẩu hay không?
Chúng ta nên tính cả thị trường carbon, nếu không cao hơn thì quay lại áp dụng giá FIT thay vì đi tìm một cơ chế mới mà chưa biết đến bao giờ mới có thể đưa dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động.
Thứ ba, lãng phí đầu tư trong đầu tư công. Báo cáo nêu lãng phí này là do chất lượng xây dựng, kế hoạch vốn chậm và do công tác đấu thầu. Nhưng theo tôi, ở đây còn một lãng phí khác, đó là thiếu sự lồng ghép các dự án với nhau.
Đoàn giám sát biến đổi khí hậu khi chúng tôi đi thực tế ở một số địa phương thì thấy có những hồ nước được xây dựng đa mục tiêu. Chẳng hạn, vừa tạo cảnh quan du lịch vừa dùng để phục vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, hồ làm xong nhưng lại không có hệ thống mương tưới tiêu, người dân xung quanh không được dùng nước sinh hoạt…vì hết tiền. Hoặc nước sinh hoạt lại nằm ở dự án khác, chương trình khác. Từ đó, đa mục tiêu không được thực hiện.
Hay có những con đê ngăn thuỷ triều được làm rất tốt, nhưng 300 hộ dân bên phía ngoài đê lại không được hưởng lợi, mà trong đó có tới 100 hộ nghèo.
Như vậy, có lẽ phải chờ đến chương trình mục tiêu quốc gia và xoá đói giảm nghèo thì mới được quan tâm. Hoặc có những đê, kè rất đẹp tạo cho quỹ đất rất tốt nhưng lại không có tiền làm đường…
Rất nhiều sự lãng phí này nằm dọc các miền đất nước của chúng ta. Qua đây, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu một cơ chế nào đó để sự phối hợp giữa các bộ, ngành tốt hơn, trao quyền cho địa phương tốt hơn để các địa phương có thể quản lý theo dõi các dự án của mình theo các phương pháp ma trận, để thấy rằng một dự án, một chương trình có thể có nhiều mục tiêu.
Ngược lại, một mục tiêu có thể nằm ở nhiều dự án. Còn nếu chúng ta quản lý một cách đơn lẻ, đơn tuyến như hiện nay thì sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn trong đầu tư công.
Nguồn: