Gần 2 năm Covid-19 xuất hiện, đặc biệt là sau tác động khôn lường của đợt dịch lần thứ 4, tính bền vững của sàn an sinh, sức đề kháng của nền kinh tế đặt trong tình trạng báo động. Giải pháp nào cho thực trạng này – tránh “đóng băng” nền kinh tế? Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam và Chuyên gia kinh tế – Tiến sĩ Võ Trí Thành tham gia bàn luận, hiến kế trong chương trình “Diễn đàn Chủ nhật” sáng ngày 12/9/2021 phát sóng trực tiếp trên VOV1.
BTV Thu Trang (VOV1) phỏng vấn hai khách mời chương trình: Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khoá XV, PCT Hội Doanh nhân tư nhân VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom VN và Chuyên gia kinh tế – Tiến sĩ Võ Trí Thành.

Vui lòng đón nghe toàn bộ chương trình đã phát sóng trên VOV1 TẠI ĐÂY

Theo chia sẻ từ ông Huân, đầu năm 2020, khó có thể tưởng tượng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và nền kinh tế như vậy. Theo thống kê của kiểm toán nhà nước, nguồn thu ngân sách giảm trong những tháng vừa qua, nhất là từ tháng 4. Trong 4 tháng đầu năm, nhờ cuối năm ngoái nền kinh tế phục hồi nên chỉ số khá hơn, nhưng từ đợt dịch tháng 4 đã trở nên thật sự nặng nề. Việc co lại đội ngũ sản xuất, tái cấu trúc không thể tiếp tục duy trì được nữa. Trong chuỗi cung ứng, một doanh nghiệp ngừng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác theo hiệu ứng domino. Sức chịu đựng của doanh nghiệp đã yếu đi rõ rệt.

Ông Thành đã bổ sung về dự báo tăng trưởng âm trong quý III của nền kinh tế trong nước, trong đó mức tăng trưởng giai đoạn vừa qua ở Việt Nam đang thấp nhất trong suốt 30 năm đổi mới tại Việt Nam. Con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 1 tháng khoảng 11,000 doanh nghiệp, với đỉnh điểm vào tháng 7, 8. Với các doanh nghiệp ở vùng dịch, mọi thứ đã đến ngưỡng chịu đựng. Theo điều tra của VCCI đầu năm 2021 và cuối năm 2020, những lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất là dịch vụ như hàng không, du lịch nhà hàng… , tiếp đến là một số lĩnh vực liên quan đến sản phẩm thiết yếu và các chuỗi cung ứng, giá trị. Ngoại trừ một số lĩnh vực như tài chính, công nghệ, các mặt hàng đảm bảo an sinh thiết yếu, thể dục thể thao…, còn lại đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Vấn đề duy trì hoạt động tối thiểu tránh phải tuyển dụng lại nhân viên, hoạt động sau dịch cũng là một khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Cách nào để giảm đau cho nền kinh tế trong thời gian tới và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực?

Theo ông Huân, tình hình dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng trong một quốc gia mà sẽ tác động lẫn nhau: “Nếu chúng ta làm căng quá thì không ổn, nhưng vẫn phải giữ quan điểm tính mạng, an toàn của người dân là trên hết. Về đường dài, không thể chỉ nghĩ chống dịch an toàn mà còn phải nghĩ đến phát triển kinh tế, phục hồi sau dịch. Nếu Việt Nam không kịp đón nhận cơ hội, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì các doanh nghiệp FDI sẽ chuyển sang nước khác, rất khó để mời họ quay lại. Với các doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước, họ không thể duy trì hoạt động thì khó tái cấu trúc sau dịch. Ở các khu công nghiệp, có nhiều doanh nghiệp tuyển nhân công khắp nơi, nếu để nghỉ lâu dài với trợ cấp thì sẽ thành gánh nặng.” Ông Huân đề xuất thay vì giãn cách như hiện nay, từ việc lập ra các bản đồ dịch tễ, khoanh vùng những nơi có F0, tại các nơi khác thuộc diện “an toàn”, cần tạo chính sách cho doanh nghiệp hoạt động với điều kiện đảm bảo an toàn và chủ doanh nghiệp sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Về vấn đề quản lý dòng dịch chuyển, theo ông Thành, thời gian vừa qua, báo chí mới chỉ nói về dòng dịch chuyển vận tải “luồng xanh” và cách thức kiểm soát vừa chống dịch an toàn vừa không gây cản trở; nhưng thật ra có nhiều vấn đề hơn nữa về chuỗi cung ứng.  Ông Thành cũng nhấn mạnh đến cách thức hỗ trợ của Nhà nước, việc trao quyền, xử lý nhanh, quyết liệt, đúng thời điểm.

Nghị quyết 105 Chính phủ ban hành ngày 9/9 nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh với 4 nhóm giải pháp cụ thể

Ông Huân nhấn mạnh về sự hướng dẫn cụ thể trong thực hiện chính sách từ Trung ương: “Nghị quyết 105 vừa ra rất mới và cần hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Nghị quyết 105 có ý hay là để quyền chủ động cho địa phương, như vậy với địa phương năng động điều đó sẽ rất tốt, nhưng với những địa phương trước nay quen lệ thuộc Trung ương, nếu không được hướng dẫn cụ thể thì lại không được vận dụng đúng đắn.”

Bàn luận về dòng tiền, thuộc nhóm giải pháp thứ 3 trong Nghị quyết 105 (nhóm giải pháp tài chính), ông Huân bày tỏ quan điểm: “Việt Nam không phải là nước giàu. Khi các doanh nghiệp ngừng hoạt động, hạn chế hoạt động thì thu ngân sách giảm, dẫn đến Chính phủ khó có nguồn thu để hỗ trợ. Có nhiều vấn đề trong nước cần đến ngân sách, do vậy không nên dồn tiền hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu giãn thu hay hoãn thuế thì không có nguồn thu để hỗ trợ người nghèo, người bị tổn thương. Nhóm giải pháp này rất hay nhưng xét về thực tế thì cần xem xét kỹ lưỡng tính khả thi của từng giải pháp.”

Bên cạnh Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp trước mắt, Nhà nước cũng đang chuẩn bị cho Nghị quyết mới trong 2 năm 2022-2023 nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển doanh nghiệp. Hy vọng rằng những quyết sách đó sẽ góp phần hỗ trợ nhiều hơn tới cộng đồng doanh nghiệp.