Trong suốt 20 năm hoạt động, Halcom Việt Nam đã tư vấn nhiều dự án lớn về cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, bao gồm cấp thoát nước, giao thông, môi trường và tái định cư…
Halcom Việt Nam khẳng định vị thế trong lĩnh vực tư vấn phát triển hạ tầng – đô thị bền vững dựa trên triết lý kinh doanh “không săn lùng lợi nhuận bằng mọi cách”.
VỊ THẾ HÀNG ĐẦU TRONG TƯ VẤN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CÁC DỰ ÁN ODA
Khởi tạo kinh doanh vào năm 2001 từ lĩnh vực tư vấn trong các dự án nước và môi trường, trong suốt 20 năm hoạt động, Halcom Việt Nam đã tư vấn nhiều dự án lớn về cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, bao gồm cấp thoát nước, giao thông, môi trường và tái định cư.
Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ ngày thành lập, Halcom đã vươn tới vị trí công ty tư vấn hạ tầng hàng đầu, đặc biệt trong phát triển bền vững, được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Bộ Ngoại giao Phần Lan (MFA)… đánh giá cao.
Halcom là một trong số ít doanh nghiệp trong nước có thể đứng đầu liên danh đấu thầu quốc tế và thắng thầu trong các dự án ODA từ hơn mười năm trước.
Cho tới thời điểm hiện tại, Halcom Việt Nam đã và đang khẳng định vị trí là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn cơ sở hạ tầng bền vững, bao gồm cả các chính sách môi trường, xã hội và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Halcom có thể cung cấp hầu hết các loại hình dịch vụ tư vấn cho toàn bộ chu trình dự án theo mô hình WB hay ADB, từ khi lập dự án, đến nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết, đến quản lý hợp đồng và giám sát thi công.
Đặc biệt, ngoài lĩnh vực kỹ thuật, Halcom còn có thể cung cấp cả các dịch vụ tư vấn phát triển bền vững như điều tra kinh tế xã hội, xây dựng chính sách tái định cư, đánh giá tác động môi trường và truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Điều này được khẳng định qua hơn 300 hợp đồng tư vấn cho các dự án ODA phát triển hạ tầng – đô thị sử dụng vốn tài trợ của WB, ADB và Phần Lan, Nhật Bản … tại hơn 50 tỉnh thành Việt Nam như Nam Định, Hải Phòng, Tp.HCM, Cần Thơ, Bình Định, Khánh Hòa v.v… Gần đây, Halcom đã mở rộng thị trường tư vấn sang các nước trong khu vực với dự án quản lý bền vững cơ sở hạ tầng nông thôn và khu vực đầu nguồn tại Lào, dự án do ADB tài trợ.
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ “XANH” VÀ HƯỚNG ĐẾN MÔ HÌNH “HOLDINGS”
Năm 2009, Halcom Việt Nam bắt đầu mở rộng lĩnh vực hoạt động sang đầu tư phát triển hạ tầng với dự án Nhà máy Nước Thuận Thành tại Bắc Ninh. Năm 2016 là dấu mốc quan trọng khi Công ty chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE và bắt đầu triển khai dự án đầu tư trong ngành năng lượng tái tạo.
Dự án điện gió Phương Mai 3 tại Bình Định và điện mặt trời Hậu Giang được đầu tư bài bản, xây dựng theo đúng tiến độ cam kết, đã vận hành thương mại vào năm 2020. Đến nay, tổng tài sản của Halcom Việt Nam là 1.562 tỷ đồng, vốn điều lệ 587,6 tỷ đồng và phát triển thành hệ sinh thái với 5 công ty thành viên và một số dự án đang tiếp tục được hình thành.
Trong chiến lược phát triển trung và dài hạn, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư về cấp thoát nước, điện rác và năng lượng tái tạo. Trong giai đoạn 2021-2025, Ban lãnh đạo Công ty ước tính sẽ huy động tổng vốn đầu tư khoảng1,5 tỷ USD để đầu tư vào các dự án chiến lược như điện gió ngoài khơi tại Quảng Bình, điện mặt trời Hậu Giang 2, Hệ thống cung cấp nước sạch Khu kinh tế Nhơn Hội, Phương Mai 3 Resort tại Bình Định, dự án điện rác tại một số địa phương như Long An, Đà Nẵng, Hà Nội…
Năm tài chính 2021, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 21 tỷ đồng, gấp 7 lần năm 2020, đón nhận cơ hội hợp tác từ các nhà đầu tư, đối tác chiến lược trong và ngoài nước.
Với tinh thần hợp tác cởi mở, nỗ lực vươn tầm hoạt động ra thị trường quốc tế, và kiên trì đi theo hướng phát triển bền vững, Công ty ngày càng có nhiều đối tác tin cậy trong và ngoài nước, cùng hợp tác lâu dài vì lợi ích của tất cả các bên. Trong các dự án đầu tư, Công ty đều đã và đang hợp tác với các tổ chức, tập đoàn lớn của nước ngoài, hướng tới đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế và tài chính, qua đó cũng nâng cao năng lực quản trị và vận hành dự án chuyên nghiệp.
ĐỊNH HƯỚNG ĐÓN ĐẦU CÔNG NGHỆ, TẠO LỢI THẾ CẠNH TRANH
Trải qua nhiều thăng trầm, cơ hội và thách thức trong suốt chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, doanh nhân Nguyễn Quang Huân đã chèo lái “con thuyền” Halcom Việt Nam đi tiên phong trong phát triển bền vững về hạ tầng – đô thị tại Việt Nam. Ông Huân là người luôn truyền cảm hứng và định hướng đội ngũ cán bộ nhân viên kiên định với kinh doanh liêm chính và sẵn sàng đón đầu công nghệ mới để tạo lợi thế cạnh tranh. Ông cũng là một “người đại biểu nhân dân” khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Halcom Việt Nam tự hào là một trong những doanh nghiệp trong nước đầu tiên áp dụng Chương trình tuân thủ doanh nghiệp (CCP) trong quản lý điều hành, Chương trình này được xây dựng tuân theo chuẩn mực liêm chính của Ngân hàng Thế giới. Kết hợp với văn hóa doanh nghiệp dựa trên các giá trị cốt lõi Đoàn kết – Kỷ luật – Sáng tạo – Cạnh tranh và triết lý kinh doanh “không săn lùng lợi nhuận bằng mọi cách” từ những ngày đầu thành lập, chương trình CCP chính là nền tảng để Halcom “Vươn cùng thời đại”.
Năm 2020 vừa qua, Halcom Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Quang Huân đã vinh dự nhận giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc (Corporate Excellence) và Doanh nhân xuất sắc (Master Entrepreneur) châu Á thuộc hệ thống giải thưởng APEA (Asia Pacific Enterprise Awards) 2020 do Enterprise Asia tổ chức. Giải thưởng này đã khẳng định uy tín, vị thế của Công ty ở tầm vóc khu vực và quốc tế. Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 được bình chọn là Dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2020, do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục – Môi trường (UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tổ chức.
Sau 20 năm phát triển, Halcom Việt Nam luôn nỗ lực vì sự phát triển chung của đất nước. Doanh nhân Nguyễn Quang Huân cùng đội ngũ cán bộ nhân viên Công ty vẫn đang đồng hành cùng các khách hàng, đối tác tin cậy trong và ngoài nước nỗ lực cùng nhau viết tiếp những câu chuyện thành công về phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Nguồn: VN Economy